VinFast – chàng võ sĩ bị chôn chân một chỗ, đang bị đối thủ “vờn”!

Vinfast – chàng võ sĩ bị chôn chân một chỗ đang bị đối thủ “vờn”!

Theo thông tin đăng tải hôm 14/2 trên một tờ báo của Nhật, thì BYD – nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất Trung Quốc – đang cân nhắc việc mở một nhà máy xe điện mới ở Mexico, với mục tiêu thiết lập một trung tâm xuất khẩu xe sang Mỹ. Mặc dù đang chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc và thị trường Đông Nam Á, nhưng BYD chưa thể đặt chân lên đất Mỹ, để đấu sòng phẳng với Tesla của Elon Musk.

Thị trường Trung Quốc đã đem lại nhiều thuận lợi cho hãng xe điện Trung Quốc này. Vì, thứ nhất, đây là thị trường nội địa của BYD; thứ nhì, Trung Quốc là thị trường dễ tính; thứ ba, thị trường này giúp BYD né phân khúc cao cấp của Tesla.

Nguồn tin cho biết, BYD đã tiến hành nghiên cứu tính khả thi của việc xây dựng nhà máy ở Mexico, và đang trong quá trình đàm phán với cơ quan chức năng nước này, bao gồm cả địa điểm đặt nhà máy.

Thị trường ô tô của Mexico cũng được xem là dễ tính. Từ Trung Quốc, BYD mở rộng sang thị trường Đông Nam Á – cũng là thị trường khá tương đồng với Trung Quốc. Rồi từ Đông Nam Á, BYD mở rộng sang Mexico – một thị trường khác tương đồng với các thị trường mà BYD đã mở trước đó. Tuy nhiên, Mexico lại có lợi thế mà các quốc gia Đông Nam Á không có, đó là, quốc gia này có đường biên giới với Mỹ, và cũng là quốc gia nằm trong Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), gồm Canada, Mexico và Hoa Kỳ. Vì thế, một khi BYD đứng vững tại Mexico, thì đường vào Mỹ cũng thuận tiện hơn.

Trong khi, VinFast của ông Phạm Nhật Vượng lại húc đầu thẳng vào thị trường Mỹ, và đang chôn chân tại nơi đây, thì đối thủ của VinFast đến từ “ông bạn hàng xóm” lại không dại mà làm thế. Ở tầm thương hiệu, BYD đang được định vị thấp hơn Tesla, nên họ tranh thủ những thị trường dễ trước, để củng cố sức mạnh, thay thì nhảy ngay vào thị trường khó tính, khiến cho doanh nghiệp bị tổn thương.

Lịch sử của những hãng ô tô sinh sau đẻ muộn mà thành công, cho thấy, họ đi từ thị trường dễ tính, rồi mới tiến dần đến thị trường khó tính, chứ không ai lại làm như ông Phạm Nhật Vượng. Kinh nghiệm từ các hãng Hyundai, Kia… của Hàn Quốc vẫn còn sờ sờ ra đó, nhưng, vì thói kiêu ngạo, bố đời, mà ông Phạm Nhật Vượng lại phớt lờ đi. Hiện nay, BYD của Trung Quốc cũng đi theo con đường mà các hãng Hyundai và Kia đã đi trước đây.

Sau khi chiếm lĩnh được thị trường Mexico rồi bước chân sang Mỹ, nếu không thành công thì vẫn có đường lùi, không sợ bị chôn chân nơi đây. Bởi nếu không xâm nhập được vào Mỹ, thì thị trường hàng trăm triệu dân của Mexico và Mỹ Latin cũng đã đủ cho BYD thu lợi.

Phạm Nhật Vượng tính bài toán “được ăn cả ngã về không”, trong khi, BYD tính bài toán “không được nhiều thì được ít”. Lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu mà có tư duy như ông Phạm Nhật Vượng thì rất mạo hiểm.

Trong khối Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ có 3 nước, gồm Mexico, Hoa Kỳ và Canada, tại sao BYD không chọn xây nhà máy ở Canada để làm bàn đạp vào Mỹ, mà lại chọn Mexico? Nguyên nhân thì có nhiều, tuy nhiên, có thể kể ra như: Thị trường Canada khó tính không khác gì thị trường Mỹ; Canada dân số ít, chỉ có 35 triệu người, còn Mexico là 130 triệu người; Mexico là quốc gia tham nhũng cao, nên dễ bôi trơn để chạy việc vv… Tất cả những bước đi, đối thủ của VinFast đều tính rất kỹ, chứ không làm liều.

Thị trường Hoa Kỳ là “cạm bẫy” đối với những thương hiệu ô tô còn non trẻ, thấy lớn nhưng không “dễ ăn”. Muốn vào được thì phải thận trọng, phải thử từng bước, còn nếu nhắm mắt nhảy liều vào, thì sẽ bị thị trường này “nuốt chửng”. Hiện nay, VinFast đang bị chôn chân tại đây. Trong khi đó, đối thủ của VinFast thì đi vòng quanh để thực hiện các phép thử, để biết sức mình đến đâu. Nếu không vào được thì cứ ở vòng ngoài, cho đến lúc nào đủ tự tin thì tham gia. Có thế mới tránh được rủi ro.

Người ta nói “thương trường là chiến trường”. Đã là chiến trường mà không nghiên cứu kỹ, lại dùng máu liều, thì chỉ thiệt thân. Vì vậy, VinFast không chỉ bị chôn chân tại Mỹ, mà đồng thời còn phải đốt tiền đều đều tại đây.

Trà My

Kasse animation 7.8.2023