Nợ gần 8 tỷ đô, âm vốn 2,7 tỷ đô, cổ phiếu VFS cắm đầu. VinFast tứ bề thọ “nợ”!

Công ty VinFast hiện nay là công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán Nasdaq. Mọi thông tin về tình hình kinh doanh của VinFast đều được minh bạch trên trang Web của Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ SEC.  Thông tin của VinFast hoàn toàn có thể tra theo đường dẫn trong hình sau và từ đây, mọi người mới nhìn được tổng thể về bức tranh tài chính của VinFast.

Theo báo cáo tài chính đăng trên sec.gov, tình hình kinh doanh của VinFast cho tới nay như sau:

  • Tổng số cổ phiếu phổ thông là 75,7 triệu cổ phiếu.
  • Tổng các khoản nợ của VinFast hiện nay là 7,86 tỷ đô la, trong đó, nợ ngắn hạn là 4,101 tỷ đô và nợ dài hạn là 3,759 tỷ đô la.
  • Tổng tài sản của VinFast hiện nay là 5,182 tỷ đô la.

Vậy thì, VinFast đang bị nợ âm vào vốn với một con số khổng lồ là 2,678 tỷ đô la Mỹ.

Tốc độ đốt tiền của VinFast quá khủng. Việc Vinhomes hứa hỗ trợ 2,5 tỷ đô la Mỹ cho VinFast cũng không đủ để lấp vào khoản tiền âm vốn của VinFast. Nếu không có cách dừng lại được, thì với tốc độ đốt tiền hiện nay, có khi VinFast cũng nuốt trôi luôn cả khoản tiền 1 tỷ đô mà ông Vượng hứa cho VinFast.

Khi chuẩn bị lên sàn chứng khoán Nasdaq, có lẽ VinFast kỳ vọng danh tiếng của sàn Nasdaq sẽ quảng bá thương hiệu cho họ. Bởi các tờ báo lớn của Mỹ và thế giới đã đang và sẽ đăng những bài viết về VinFast. Tuy nhiên, có lẽ VinFast không lường trước được tác dụng ngược, khi sản phẩm của VinFast không đủ tiêu chuẩn dành cho người dùng tại thị trường Bắc Mỹ.

Nổi tiếng trên sàn Nasdaq và sản phẩm có chất lượng, thì thương hiệu sẽ thăng hoa. Ngược lại, nổi tiếng trên sàn Nasdaq nhưng tai tiếng về chất lượng và hậu mãi, thì đấy là cửa tử cho thương hiệu.

VinFast lên sàn đến nay đã hơn 2 tháng, càng ngày càng cho thấy, cổ phiếu VFS của VinFast đã sụt giảm nghiêm trọng. Tính đến ngày 18/10 vừa qua, thì giá cổ phiếu của VFS chỉ còn 5,97 USD/cổ phiếu. Với tình hình này, một số nhà phân tích đánh giá rằng, giá cổ phiếu VFS của VinFast sẽ còn tiếp tục giảm sâu.

Việc cổ phiếu giảm sâu có thể do hai nguyên nhân chính sau:

Nguyên nhân thứ nhất, là các cổ đông sáng lập sẽ lại bán thêm lượng cổ phiếu phổ thông ra đại chúng để gọi vốn. Mà khi ồ ạt bán ra hàng trăm triệu cổ phiếu, thì không biết giá cổ phiếu VFS sẽ đi về đâu?

Nguyên nhân thứ nhì là tình hình kinh doanh của doanh nghiệp quá bết bát. Với tình trạng nợ âm vốn như thế này, trong khi sản phẩm vẫn chưa thuyết phục được khách hàng Mỹ, thì chẳng ai dám mạo hiểm đổ tiền vào cổ phiếu VFS.

Với 18 tháng đốt tiền cho xe điện, VinFast đã gây ra khoản nợ tăng thêm cho VinGroup gần 8 tỷ đô la. Được biết, VinFast đang tồn tại dựa vào VinGroup, nhưng VinGroup hiện nay cũng đang lâm nợ quá nặng. Hiện nợ của VinGroup đã lên đến 336% so với vốn chủ sở hữu.

Với tỷ số đòn bẩy tài chính đến 4,36, thì rất khó để Tập đoàn này nặn ra lợi nhuận cho Vinfast đốt. Bởi nợ cao thì lãi suất gặm sâu vào lợi nhuận. Với tình trạng nợ như hiện nay, VinGroup tự đứng còn khó, chứ nói gì kiếm tiền cho VinFast đốt?

Hiện nay, áp lực đè lên vai ông Phạm Nhật Vượng rất lớn. Làm sao để VinFast ngưng đốt tiền sớm nhất, đồng thời cần phải đẩy nhanh hoạt động để đạt tới điểm hòa vốn. Trước đây, theo dự tính của VinFast, đến hết năm 2024 là hòa vốn. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số nhà phân tích thì mốc này khó mà đạt được.

VinFast đang tìm mọi cách để mở rộng thị trường, với Ấn Độ và Indonesia là 2 thị trường mà VinFast nhắm tới, mục đích cũng là để đẩy nhanh đến điểm hòa vốn. Hai thị trường này dễ tính hơn so với thị trường Mỹ rất nhiều.

Tuy nhiên, nếu mở rộng sang hai thị trường này thì VinFast của ông Vượng vấp phải cuộc chiến giá rất khốc liệt, vì giá của xe Ấn và xe Tàu rất thấp. Nhưng nếu bán giá thấp thì lợi nhuận lại nhỏ, thậm chỉ phải chịu lỗ, đấy là một bất lợi đối với mục tiêu hòa vốn.

Ý Nhi – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023