Công cuộc “đốt lò” của Đảng dẫn đến bất ổn cả về kinh tế lẫn chính trị

Ngày 3/5, RFA Tiếng Việt bình luận “Việt Nam bất ổn cả về kinh tế lẫn chính trị – Hệ quả cuộc chiến chống tham nhũng?”

Theo đó, cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam vẫn đang được thực hiện một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, hệ quả của nó khiến Việt Nam rơi vào “bất ổn” cả về kinh tế lẫn chính trị.

RFA nhắc lại thông tin Chính phủ Việt Nam đã phải chi 24 tỷ đô la giải cứu Ngân hàng SCB thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, để tránh cho ngân hàng này bị sụp đổ. Đây được cho là một khoản tiền giải cứu ngân hàng lớn chưa từng có tại Việt Nam.

RFA dẫn lại lời của chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, khi đó nhận định rằng, nếu Chính phủ để SCB đổ vỡ, thì sẽ tạo ra một hiệu ứng dây chuyền cho cả hệ thống, không chỉ ngành ngân hàng mà cả nền kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng nếu cứu SCB, cũng không tránh khỏi hậu quả là lòng tin của nhà đầu tư cả trong và ngoài nước vào hệ thống tài chính, ngân hàng của Việt Nam sẽ bị lung lay.

RFA cũng dẫn quan điểm của Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ cho biết, khi lòng tin của nhà đầu tư vào hệ thống tài chính, ngân hàng không còn nữa, người dân sẽ có xu hướng chuyển tiền ra nước ngoài, hoặc tìm các kênh khác mà họ cho là an toàn hơn, nhưng tính thanh khoản thấp hơn để tích trữ tài sản. Ví dụ, mua bất động sản hoặc giữ vàng hay ngoại tệ ở nhà.

Hậu quả, theo Tiến sĩ Vũ:

“Khi mà người ta không muốn gửi tiền vào ngân hàng nữa thì ngân hàng bị kẹt vốn, họ cho vay cũng ít hơn, dẫn đến người vay để kinh doanh không tiếp cận được nguồn vốn một cách dễ dàng, thì nền kinh tế bắt đầu bị khựng lại, chậm lại.”

RFA tiếp tục dẫn một bài viết khác đăng trên một trang quốc tế, vào tháng 4/2024, có tiêu đề tạm dịch là “Bằng các phiên tòa xét xử tham nhũng, Đảng Cộng sản Việt Nam đang phô trương sức mạnh của mình” của tác giả Mai Trương. Bài viết nhận định, vụ tham nhũng quy mô lớn Vạn Thịnh Phát càng làm nổi bật rằng, tham nhũng không phải là bất thường, mà là triệu chứng trong hệ thống chính trị Việt Nam. Tác giả cho rằng, để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi phải cải cách thể chế, hơn là can thiệp lẻ tẻ, trừng phạt các doanh nghiệp hoặc quan chức tham nhũng cụ thể.

Hơn nữa, theo RFA, cuộc chiến chống tham nhũng còn tạo ra những xáo trộn mạnh mẽ về chính trị.

RFA dẫn nhận định của nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer rằng, cuộc “đốt lò” đặt ra nhiều thách thức về tính chính danh đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Giáo sư Carl Thayer nói:

“Kết thúc Đại hội Đảng 13 vào tháng 2/2021, ông Trọng phát biểu ca ngợi phẩm chất đạo đức của các lãnh đạo mới được bầu. Ông ta sẽ giải thích thế nào về số lượng quan chức cấp cao, các ủy viên Trung ương, Bộ Chính trị và các bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, thứ trưởng, bị kỷ luật sau đó?”

“Phải chăng, việc cách chức lãnh đạo hiện nay chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, và nếu vậy, phải làm gì để đảm bảo rằng, tất cả các thành viên Bộ Chính trị đều được xem xét kỹ lưỡng? Và ai sẽ kiểm tra các quan chức?”

Với những chiếc ghế trống mà 2 ông Thưởng và Huệ để lại, Giáo sư Carl Thayer dự đoán, có 2 ứng cử viên Bộ Chính trị có khả năng thay thế, đó là, bà Trương Thị Mai sẽ giữ chức Chủ tịch Quốc hội, và Trần Thanh Mẫn lên làm Chủ tịch nước. Bà Mai hiện đang giữ chức Thường trực Ban Bí thư, còn ông Mẫn hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông Mẫn đang được giao điều hành hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội, cho đến khi bầu được Chủ tịch mới, sau khi Quốc hội Việt Nam miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 – 2026 của ông Vương Đình Huệ.

 

Hoàng Anh – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023