Người Việt quan tâm đến “đói nghèo”, “việc làm”, “tăng trưởng kinh tế” và “tham nhũng”

Ngày 3/4, BBC Tiếng Việt cho hay “Báo cáo PAPI: Người Việt lo lắng về tham nhũng và thu nhập hộ gia đình”.

Được biết, PAPI là Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam, của Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc. Báo cáo này được thực hiện bằng cách khảo sát 19.536 người dân, là cử tri trên phạm vi toàn quốc.

BBC cho biết, chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” tại Hà Nội và Sài Gòn, đều thuộc mức “Trung bình thấp”.

Điều nực cười là, trang Facebook Thông tin Chính Phủ (Việt Nam) đánh giá rằng, người dân có “đánh giá cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng”.

Trong khi đó, theo PAPI, cảm nhận của người dân là “có sự cải thiện trong hiệu quả phòng, chống tham nhũng”, chứ không phải “đánh giá cao”.

BBC dẫn báo cáo cho thấy, có 4 trên 8 chỉ số nội dung PAPI có chiều hướng giảm sút, bao gồm:

  • Tham gia của người dân ở cấp cơ sở
  • Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương
  • Trách nhiệm giải trình với người dân
  • Thủ tục hành chính công

Hai nội dung khác “hầu như không thay đổi” là “Cung ứng dịch vụ công” và “Quản trị môi trường”.

Hai nội dung còn lại là “Quản trị điện tử” có gia tăng, và “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” tăng ở mức “khiêm tốn”.

Theo BBC, về kinh tế, người dân Việt Nam đang có xu hướng gia tăng sự bi quan, cả về tình hình phát triển kinh tế cấp quốc gia và thu nhập cấp hộ gia đình.

Ngay cả nhóm có mức thu nhập cao cũng dần mất đi sự lạc quan về nền kinh tế Việt Nam.

Theo Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc, mối quan ngại của người dân có ý nghĩa lớn, đặc biệt là khi người lao động phải dùng đến các nguồn tiền tiết kiệm, bao gồm bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, có chưa đến 30% số người được khảo sát có bảo hiểm xã hội.

Đáng chú ý nhất, vẫn theo BBC, có lẽ là hai chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” và “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương” đều ở mức “trung bình cao” và tăng ở mức “khiêm tốn”.

Hai yếu tố này được Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc đánh giá là: “trụ cột then chốt tạo nền móng cho một nền quản trị, hành chính hoạt động minh bạch, trong sạch và hiệu quả” và có “mối tương quan chặt chẽ nhất với chỉ tiêu đánh giá mức độ hài lòng chung của người dân, đối với các cấp chính quyền”.

BBC cũng cho biết, về “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương”, PAPI cho thấy, tính hiệu quả “có xu hướng giảm sút”. Chỉ số này năm 2023 là 5,16 – thấp nhất tính từ năm 2020.

Sự sụt giảm của chỉ số này là do “sự sụt giảm mạnh” của cả “công khai thu chi ngân sách cấp xã” và “công khai danh sách hộ nghèo”.

Tương tự, chỉ số “trách nhiệm giải trình với người dân” giảm liên tiếp, trong vòng 4 năm gần đây, từ 4,91 vào năm 2020, xuống 4,24 vào năm 2023.

BBC dẫn lời bà Deirdre Ní Fhallúin, Đại sứ Cộng hòa Ireland tại Việt Nam, cho biết:

“Đói nghèo và việc làm vẫn là những vấn đề người dân quan ngại nhất, theo kết quả khảo sát PAPI năm 2023.”

Cụ thể, báo cáo cho thấy “đói nghèo”, “việc làm” và “tăng trưởng kinh tế” là ba yếu tố nhận được nhiều quan tâm nhất so với những vấn đề quản trị hay xã hội khác.

Điều này phần nào phản ảnh những thách thức về kinh tế và việc làm của Việt Nam trong năm 2023.

Theo đó, “đói nghèo” vẫn luôn là mối quan ngại hàng đầu của người dân từ 2015 đến nay.

Tỉ lệ quan ngại của người dân về việc làm tăng 2,7%, còn về thu nhập tăng 1,3%.

Xu hướng này còn được phản ánh rõ hơn qua việc, có 26% người trả lời cho biết, tình hình kinh tế hộ gia đình của họ hiện nay kém hơn so với 5 năm trước.

Đây là mức tỉ lệ cao nhất từ năm 2011 đến nay (ngoại trừ năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19).

 

Ý Nhi – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023