Tết nghèo của người lao động!

Ngày 30/1, RFA Tiếng Việt có bài “Tết nghèo của người lao động!”

RFA cho biết, không như mọi năm, năm nay, dù chỉ còn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng sức mua yếu, dù hàng hóa được bày bán không thiếu, cả về chủng loại lẫn kiểu dáng.

RFA dẫn lời chị Tha ở Trà Vinh nói:

“Nói thiệt tình với em là Tết năm nay nhà chị chưa mua sắm gì hết. Bữa nay ông xã chị bán vé số bị người ta thiếu lại 200 ngàn (đồng) nữa. Thiếu hụt quá trời. Không có dư dả gì hết. Bữa nào hết bữa đó thôi. Bán một ngày 168 tờ vé số lời được 168 ngàn đồng. Bên phường họ cho phiếu đi lãnh quà Tết trị giá 200 ngàn đồng. Họ cho 4 trứng vịt; 3 trái khổ qua; 5 ký gạo; 10 gói mì tôm; nửa ký đường; 2 bịch muối; 3 đôi dép. Ăn Tết vậy đó.”

Cô Tuyết quê Tây Ninh lên Sài Gòn làm công nhân thì cho RFA hay:

Chưa mua sắm Tết gì hết. Năm nay khó khăn quá không chuẩn bị gì hết. Tiền không có nhưng cũng phải mua ít bánh mứt ngoài chợ về để có khách tới thì lấy ra mời khách thôi. Anh em trong nhà hùn vô người một miếng thôi chứ không sắm sửa đầy đủ trong nhà ăn Tết đâu.”

“Nhiều người còn bị mất việc về quê hết luôn. Năm nay ai cũng khó khăn chứ không chỉ gia đình em đâu. Nhiều người nói năm nay không ăn Tết luôn. Xóm em chẳng thấy ai chưng bày gì hết, vì tình hình chung là nghèo. Không ai mua bán gì được. Ngoài tháng lương 13, năm nay không có thưởng, bổng gì hết.”

RFA tiếp tục dẫn lời anh Thiệu ở Sài Gòn nói:

“Tình hình Tết năm nay thì buồn nhiều hơn vui rồi đó. Tôi có người bạn thân trồng mai ở làng mai Thủ Đức để bán. Năm nay chỉ dám thuê xe chở 1/10 số mai đi bán so với mọi năm, vì biết sức mua rất kém. Những ngành khác cũng đìu hiu lắm. Các mặt hàng đều ế, tình hình kinh tế khó khăn chung. Tôi cũng bình thường như mọi ngày, không sắm sửa Tết gì hết. Tình hình chung ảm đạm lắm. Mà tôi nghĩ, nếu theo cái đà này thì năm 2024 này còn ảm đạm hơn nữa.”

Cậu Ba, chủ hai nhà hàng ở Sài Gòn và có nhà cho công nhân trọ, chia sẻ với RFA:

“So với năm ngoái thì không bằng. Năm ngoái là vẫn còn bình thường. Tháng 3, tháng 5 năm ngoái khách tiệm em còn đông, sau đó giảm dần. Bây giờ ế “banh càng” luôn. Ai cũng than hết. Từ những người bán những món ăn bình dân như cơm tấm, bún gạo. Quán cơm tấm đông nổi tiếng hồi trước 8 giờ hết, bây giờ phải 10 giờ mới hết; bún gạo xào cũng than ế. Quán em giờ đang có ba bàn khách. Như vậy là đông, nhưng chỉ bằng 1/10 so với hồi trước. Hồi trước thời điểm này là khách đầy 30 bàn, có khi hơn. Bây giờ là ế. Có nghĩa là tình hình tệ lắm.

Công nhân trả nhà hàng loạt vì họ không biết sau Tết quay lại có việc làm hay không. Còn 10 ngày nữa Tết nhưng không có không khí Tết; không có một chút sắc xuân. Không có cái gì hết!”

Một nhà quan sát tình hình kinh tế, chính trị ở Sài Gòn nhận định với RFA:

“Nhìn chung các doanh nghiệp làm ăn cũng bết bát. Người đi xem chợ hoa, chợ Tết thì nhiều nhưng người mua chẳng bao nhiêu. Hàng hóa dồi dào nhưng ế ẩm. Theo tôi, qua đại dịch, tâm lý người Việt thay đổi. Họ không đổ tiền vào cái Tết để rồi ra Giêng thiếu hụt.

Nhìn vào sức mua năm nay cho thấy, về phía nhà nước thì rất phấn khởi trên tivi; thấy tốc độ phát triển kinh tế Việt Nam nhất nhì thế giới. Nhưng nhìn con số tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 chỉ có 430 tỷ đô la mà thôi. Không bằng ai hết.

Đừng ru ngủ người dân bằng những con số. Khi tư bản đầu tư vào Việt Nam, họ đem tiền lãi về chính quốc, để chỉ số lại cho lãnh đạo phát biểu trên tivi. Đó là thực chất nền kinh tế Việt Nam hiện nay.”

Hoàng Anh – thoibao.de

31.1.2024

Kasse animation 7.8.2023