Tự nuốt đuôi mãi, “rắn” Vinfast dễ bị nghiền nát giữa rừng voi!

Công ty Xanh SM được Phạm Nhật Vượng sáng lập, với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, trong đó, ông Phạm Nhật Vượng nắm giữ 95% tỷ lệ cổ phần. Công ty này đã chính thức hoạt động tại Hà Nội từ ngày 14/4/2023 và 13 ngày sau, tiếp tục đi vào hoạt động tại Sài Gòn.

Việc thành lập công ty này nhằm mục đích sử dụng xe VinFast sản xuất ra mà không bán được. Đây là cách ông Phạm Nhật Vượng sản xuất, rồi tự bán sản phẩm cho chính mình.

Mô hình kinh doanh này được báo chí thổi phồng là “sáng tạo”, chưa có hãng ô tô nào làm như thế. Quả thật, các ông lớn ngành ô tô trên thế giới cả xăng lẫn điện, không ai làm như ông Vượng. Tuy nhiên, các hãng xe lớn không làm như ông Vượng, vì họ không cần thiết phải làm như vậy.

Thật ra, nhà sản xuất và người bán sỉ không nên nhảy vào lĩnh vực bán lẻ. Bởi khi đó, họ cạnh tranh với chính khách hàng của mình, về lâu dài sẽ mất khách. Trong hệ thống phân phối và bán hàng, vẫn nên chuyên môn hóa, không nên ôm đồm.

Theo đánh giá của một số nhà phân tích, ông Phạm Nhật Vượng lập ra Công ty Taxi Xanh để giải quyết hàng ế, hàng tồn kho, chứ chẳng phải là “sáng kiến” gì ghê gớm như báo chí tung hô. Nếu hàng của VinFast sản xuất ra mà không kịp bán, thì không đời nào ông Vượng lại mất công lập thêm Công ty Taxi Xanh làm gì. Đây là tín hiệu không tốt đẹp gì cho hãng VinFast.

Ngày 1/1/2024, Công ty Xanh SM ra mắt dịch vụ cho thuê xe điện tự lái, có tên là Xanh SM Rentals. Theo quảng cáo thì giá thuê 720.000 đồng/ngày, dịch vụ cung cấp các gói thuê linh hoạt, với dàn xe mới 100%, số lượng xe lớn và nhiều phân khúc xe VinFast đa dạng theo nhu cầu…

Thực tế, nhiều bạn đọc đã gửi cho chúng tôi clip hình ảnh taxi xanh nằm bãi như rừng. Điều đó cho thấy, Taxi Xanh không được ưa chuộng và không thể tiêu thụ hết hàng ế của VinFast. Vì vậy, cần phải nghĩ thêm loại hình dịch vụ khác để sử dụng cho hết lượng xe nằm bãi bày.

Việc tự sản xuất rồi bán cho chính mình, được ví như hành động rắn nuốt đuôi. Năm 2023, con rắn VinFast đã nuốt một đoạn đuôi có tên là taxi, giờ nó lại nuốt thêm một đoạn nữa có tên là “cho thuê xe tự lái”. Không biết, rồi đây con rắn này sẽ tiếp tục nuốt đuôi hay chỉ nuốt đến đây rồi dừng?

Cứ đà này, VinFast khó mà tồn tại bền vững được. Muốn bền vững là phải làm chủ được công nghệ, không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm, nâng cao chất lượng hậu mãi, và từ đó mới dần dần xây dựng thương hiệu. Một khi thương hiệu có tiếng, thì công ty sẽ phát triển mạnh.

Biết rằng, dù là ông lớn như Tesla, cũng phải chịu nhiều năm liên tục gồng lỗ, rồi mới có ngày huy hoàng, huống chi VinFast. Tuy nhiên, một khi công ty đi sai hướng, thì chỉ có thể đốt tiền đến cạn túi rồi phá sản, chứ không thể mong đến ngày huy hoàng được.

Ngay trên đất Mỹ, cũng có những startup ngành ô tô điện bị phá sản, chứ chẳng phải là toàn màu hồng.

Cuộc cạnh tranh xe điện giữa các startup vốn đã quá khốc liệt. Mà giờ đây, các hãng xe xăng lâu đời cũng đang nhảy sang làm xe điện, thì mức độ khốc liệt càng gia tăng.

Các hãng lớn của Đức từ nhiều năm qua đã cho ra đời song song xe xăng và xe điện. Điều này có nghĩa là, các hãng xe xăng lâu đời quyết không để khách hàng truyền thống bỏ mình, vì thị hiếu tiêu dùng thay đổi. Trong cuộc cạnh tranh này, hãng xe xăng lâu đời có lợi thế hơn các startup chỉ sản xuất thuần xe điện. Bởi họ có thương hiệu, đang mạnh vốn, và họ cũng làm chủ công nghệ, đồng thời đang có khách hàng truyền thống trong tay. VinFast rất dễ bị “nghiền nát” trong môi trường cạnh tranh khốc liệt này.

Ý Nhi – Thoibao.de

2.1.2024

Kasse animation 7.8.2023