Vụ án Nguyễn Phương Hằng & bài học chớ có nổi tiếng hơn Đảng ở Việt Nam?

Sau 18 tháng tạm giam, ngày 21/9, bà Nguyễn Phương Hằng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam – người bị truy tố với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự Việt Nam, đã ra tòa.  Hội đồng Xét xử tuyên án bà Hằng ba năm tù giam.

Được biết, trong vụ án này, đã nhiều lần, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh bị Viện Kiểm sát cùng cấp trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại, kể cả việc yêu cầu thay đổi tội danh nhiều lần. Việc tạm giam tới 18 tháng đối với một vụ án “cãi nhau” của mấy người phụ nữ, là điều bất thường và quá đặc biệt. Tin hành lang cho biết, kéo dài như vậy vì các cơ quan tố tụng loay hoay, không tìm được tội danh chính xác để truy tố bà Hằng cho đúng người, đúng tội.

Dư luận còn thắc mắc, một vụ án “cãi nhau” trong giới showbiz, vì sao không bị xử về tội làm nhục người khác, hay tội danh vu khống, mà lại bị xử theo Điều 331? Rồi việc tòa không công nhận tư cách bị hại của các nguyên đơn, mà xác định chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, theo các luật sư là sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Dẫn ra để thấy, bà Nguyễn Phương Hằng sau khi nhận bản án 3 năm, cũng không biết mình bị xét xử tội gì là điều có thật.

Người bình thường, kể cả fan của bà Nguyễn Phương Hằng, lâu nay cũng chỉ biết, bà Hằng là một phụ nữ giàu có hay làm từ thiện. Bà Hằng cách đây 2 năm nổi tiếng bởi các chương trình livestream trên mạng xã hội, thu hút số đông theo dõi, có khi lên đến cả triệu người xem.

Nhưng ít người biết rằng, bà Nguyễn Phương Hằng là người có công giúp Mặt trận Tổ quốc các cấp, độc quyền tiếp nhận dòng tiền thiện nguyện, cứu trợ của mọi thành phần trong xã hội. Ngoài ra, bà Hằng còn có “công” vu cáo cụ Lê Tùng Vân và Tịnh thất Bồng Lai, để Công an Long An khởi tố, bắt giam dễ dàng hơn.

Vậy tại sao, một người có công với Đảng như vậy, mà bà Nguyễn Phương Hằng vẫn bị Đảng cho đi tù?

Dư luận xã hội cho rằng, việc nào ra việc nấy. Bà Nguyễn Phương Hằng bị đi tù không phải do việc livestream để chửi nhau. Bởi rõ ràng, trong thời gian hơn một năm, bà  Hằng chửi tứ tung cũng không ai cấm. Nguyễn Phương Hằng không chỉ livestream, mà còn họp báo tưng bừng, xôm tụ, mà có ai làm gì đâu.

Để rồi thừa thắng xông lên, Nguyễn Phương Hằng lôi cả Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan ra, tố bà Doan biển thủ 10 tỷ đồng chi phí mổ tim do Trung ương cấp, để xài vào chuyện khác. Chưa hết, bà Hằng còn kể ơn huệ với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi. Trong livestream, bà Hằng kể công giúp đỡ ông Mãi, thời còn làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre, trách mắng ông Mãi là người “vô ơn, thiếu đạo đức”. v.v…

Nhưng tất cả những chuyện đó chỉ là chuyện “nhỏ như con thỏ”. Cái tội của bà Hằng là quá nổi tiếng, có quá nhiều người hâm mộ, đe dọa tới uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhà báo Gió Bấc viết, “Với chế độ Cộng sản thì tiền bạc, lợi ích vật chất có thể chia sẻ được, nhưng niềm tin, quyền lực chính trị thì không.

Ngay các tổ chức bình phong do Đảng lập ra để tuyên truyền, dụ khị người dân, như Mặt trận Giải phóng, Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam, Đảng Xã hội, Đảng Dân chủ… khi xong việc, đều được cho “hoàn thành nhiệm vụ”. Đảng phòng xa và tiêu diệt những cá nhân, tổ chức có ảnh hưởng đến đông đảo công chúng từ trong trứng nước”.

Trong khi Nguyễn Phương Hằng đang có trong tay hàng vạn fan cuồng, cuốn hút hàng triệu lượt người theo dõi qua các buổi livestream. Nhỡ ra, đến rồi một ngày nào đó chị Hai cuồn cuộn nổi hứng “nhất hô, bá ứng”; “tiền hô, hậu ủng” thật thì sao?

Điều đó cho thấy, bà Nguyễn Phương Hằng, dù là một doanh nhân thành đạt, giàu có “kim cương đong bằng ống bơ”, song vẫn mù quáng về sức mạnh của đồng tiền và những mối quan hệ với giới chức lãnh đạo quyền lực trước đây. Nguyễn Phương Hằng đã không hiểu được tình thế, không nhận thức được quy luật “lớp sóng sau đè lớp sóng trước” của những người Cộng sản. Theo đó, thế hệ mới sẽ đào thải thế hệ cũ.

Phiên tòa sơ thẩm đã khép lại, Nguyễn Phương Hằng đã lãnh án 3 năm tù, nước mắt đã rơi nhưng bà Hằng vẫn chưa biết mình phạm tội gì? Song nguy hiểm hơn, 3 năm tù chưa chắc đã là bản án cuối cùng, vì nếu Đảng thích, thì mọi chuyện đều có thể.

Ở “xứ thiên đường”, người giàu cũng khóc là như vậy!./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023