Ông Phúc thôi chức Chủ tịch nước gây xôn xao dư luận trong nước và truyền thông quốc tế

Báo Thanh Niên chiều hôm 18/1, loan tin: “Quốc hội Việt Nam đã họp kỳ bất thường lần thứ 3 để xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Với 465/482 đại biểu bỏ phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 – 2026; cho thôi làm đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.”

Cũng theo bài báo này, trước đó, vào ngày 15/1, ông Phúc đã trình đơn xin thôi giữ chức vụ Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng – An ninh, thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV, nghỉ công tác và nghỉ hưu.

Bài viết “Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc” trên báo Thanh Niên

Trong khi đó, dư luận Việt Nam trong vài tuần trước Tết Quý Mão lại rộ lên nhiều tin đồn đoán về sự thay đổi cao cấp khác ngoài việc loại hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam mà họ tin rằng sẽ xảy ra. Thật tế đã chứng mình những thông tin lan truyền trên mạng xã hội hoàn toàn chính xác.

Liên tiếp những cuộc “thanh trừng nội bộ” đã khiến chính trường Việt Nam sôi động đến nỗi truyền thông quốc tế hôm 18/1 cũng tràn ngập các bài bình luận quanh sự kiện này.

Theo nhận định của trang Nikkei Asia đưa ra trong bài báo vào ngày 18/1: “Với việc ông Phúc, nhân vật đứng hàng thứ hai trong ban lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam, từ chức, Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng đã củng cố thêm quyền lực chính trị của mình.”

Trong khi đó, bài viết trên báo The Guardian trong ngày 17/1 dẫn lời ông Lê Hồng Hiệp, một thành viên tại Viện nghiên cứu đông nam Á ISEAS, rằng việc ông Phúc từ chức cũng có thể liên quan đến đấu đá chính trị.

“Sự từ chức đột ngột của ông Phúc là một động thái bất thường ở Việt Nam, nơi những thay đổi chính trị thường được dàn dựng cẩn thận, thận trọng và chú trọng vào sự ổn định.”

Trong bài “Chủ tịch Phúc rời chức giữa nhiệm kỳ ‘gây chấn động đảng và lòng dân’”, tờ báo VOA Tiếng Việt cho biết ý kiến của ông Nguyễn Hữu Vinh, nhà báo tự do được đến với bút danh Ba Sàm: “vụ Việt Á là khổng lồ, chưa từng thấy trong lịch sử đất nước và cũng không thấy trên thế giới trong suốt thời gian đại dịch nên ông dự đoán dưới tảng băng đó là nhiều điều rất ghê gớm, đem đến hậu quả suốt một năm nay.”

“Người ta đang đợi một vị rất to bị lật đổ” Ông Vinh cho biết.

Việc Ban Chấp hành Trung ương họp bất thường liên tiếp hai lần trong thời gian chưa đầy một tháng cùng với quyết định cho thôi chức ba vị trí quan trọng hàng đầu trong bộ máy Chính quyền là điều hiếm hoi. Đặc biệt hơn, việc đốn ngã một trong tứ trụ của triều đình đã đánh dấu nhiều cái đầu tiên duy nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản.

Ông Nguyễn Xuân Phúc là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên phải thôi chức trong khi nhiệm kỳ còn dang dở. Với vai trò là Chủ tịch nước, ông ở vị trí lãnh đạo cao cấp chỉ đứng ngay sau Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông cũng là người duy nhất của lịch sử Việt Nam giữ hai chức vụ thuộc tứ trụ là Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ từ 2016 đến 2021 và sau nữa là Chủ tịch nước từ 2021 đến nay.

Ông là một trong hai “trường hợp đặc biệt” dù đã quá tuổi nhưng Đại hội Đảng vẫn quyết định cho tiếp tục giữ chức vụ trong Ban chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị khoá 13.

Kỳ họp bất thường thứ 3 của Quốc hội khai mạc chiều 18/1

Những đồn đoán về người thay thế vị trí của ông Phúc cũng là chủ đề nóng trên mạng xã hội và truyền thông nước ngoài. Nhiều ý kiến cho rằng Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm… có thể sẽ thay thế ông Phúc làm Chủ tịch nước. Nếu thật sự như những lời đồn đoán thì hai vị trí trong tứ trụ của Việt Nam sẽ do các cựu quan chức công an nắm giữ. Việc này sẽ dẫn đến tác động rất lớn đối với sự đàn áp nhân quyền trong nước.

Nhà báo Jonathan Head trong bài bình luận trên bbcnews trong ngày 18/1, nhận định: “khả năng các quan chức – những người ưu tiên vấn đề an ninh – lên nắm các vị trí hàng đầu của đảng hiện nay có thể sẽ là một tin xấu đối với nhân quyền và đối với một số ít người Việt Nam đủ dũng cảm để chỉ trích đảng”.

Quang Minh – thoibao.de (Tổng hợp)

 

Kasse animation 7.8.2023