Các công ty Nhật, Mỹ “được lệnh” rời Trung Quốc

https://www.youtube.com/watch?v=dFb_PygtRhA

Nền kinh tế thứ nhất và thứ ba trên thế giới là Mỹ và Nhật Bản đang quyết liệt đưa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai toàn cầu. Thế giới hậu COVID-19 sẽ chứng kiến một chuỗi cung ứng toàn cầu giảm thiểu nhất có thể yếu tố Trung Quốc.

Hơn nước nào hết, các doanh nghiệp Nhật Bản có nhiều lý do để đưa các nhà xưởng rời khỏi Trung Quốc.

Thứ nhất, nhiều công ty Nhật Bản đã đặt cược và cuối cùng phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà máy, công ty Trung Quốc để cung cấp hàng hóa quan trọng. Khi xảy ra dịch COVID-19 đã nảy sinh tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực của Nhật Bản. Vì lẽ đó, các công ty Nhật Bản phải phân tán rủi ro và thiết kế dự phòng vào chuỗi cung ứng, đặc biệt chú trọng các sản phẩm cực kỳ quan trọng đối với sự ổn định và an ninh của Nhật Bản.

Lý do thứ hai, mối quan hệ Trung Quốc – Mỹ đang ở mức xấu nhất từ mấy thập kỷ nay. Các công ty Nhật lo ngại về việc bị áp thêm nhiều loại thuế trong tương lai giữa cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Thương chiến Mỹ – Trung còn lan sang chiến tranh công nghệ khiến hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang tiền đến bờ vực của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Hơn nữa, sự quyết đoán của Trung Quốc tại Hồng Kông, eo biển Đài Loan, biển Hoa Đông và biển Đông đang bị thế giới phản ứng càng thúc đẩy Nhật Bản rút dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc. Bởi bất kì sự cố nào phát ra từ Trung Quốc đều đe dọa phá vỡ thêm chuỗi cung ứng toàn cầu mà Trung Quốc giữ một vai trò đặc biệt.

Lý do thứ ba, đó là Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gần đây đã lên tiếng kêu gọi các doanh nghiệp nước này rời khỏi Trung Quốc, nhằm đa dạng hóa các điểm sản xuất, xây dựng nền kinh tế ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc. Theo đó, Nhật Bản đã phân bổ 2 tỷ USD hỗ trợ các công ty Nhật Bản dời dây chuyền sản xuất của họ trở lại Nhật và 220 triệu USD hỗ trợ các công ty di dời sang các quốc gia khác.

Ảnh: Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Thế nhưng việc hiện thực hóa đại kế hoạch này là điều không hề dễ dàng.

Cho dù nhận được hỗ trợ tài chính từ chính phủ Nhật Bản, việc rút khỏi Trung Quốc vẫn là một vấn đề phức tạp đối với các công ty Nhật có dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc.

Năm công ty Nhật Bản trả lời hãng tin SCMP cho biết họ vẫn sẽ tiếp tục các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc bởi đây là thị trường đặc biệt quan trọng, chưa kể tới việc dịch chuyển cơ sở sản xuất sang nơi khác – đặc biệt là vào thời điểm hiện tại – sẽ rất đắt đỏ và gây ra sự đứt quãng không cần thiết.

Toyota không có kế hoạch thay đổi chiến lược ở Trung Quốc hoặc châu Á. Ngành công nghiệp ô tô cần rất nhiều nhà cung cấp để đảm bảo chuỗi cung ứng lớn, và thay đổi ngay lập tức là điều bất khả thi. Chúng tôi hiểu quan điểm của chính phủ [Nhật Bản], nhưng chúng tôi không có kế hoạch thay đổi chương trình sản xuất“.

Tập đoàn cung cấp vật liệu xây dựng và phụ kiện gia đình Lixil cũng đưa ra thông điệp tương tự, cho biết không có kế hoạch rời khỏi Trung Quốc. “Chúng tôi vận hành một chuỗi cung ứng linh hoạt toàn cầu với hơn 100 cơ sở sản xuất trên thế giới. Cấu trúc linh hoạt và hoàn toàn đồng nhất đã giúp chúng tôi giảm tải được một số tổn thương do COVID-19 gây ra“.

Công ty Nhật Bản thứ 3 – đề nghị giấu tên – cho biết sẽ tiếp tục sản xuất tại Trung Quốc bởi “các sản phẩm được thiết kế cho Trung Quốc và bán tại thị trường Trung Quốc“, do đó di chuyển sang nơi khác sẽ không có ý nghĩa gì về mặt thương mại.

Ivan Tselichtchev, giáo sư tại Đại học Quản lý Niigata, phân tích: “Những công ty này phải rất cẩn thận về quyết định của mình về việc ở lại hoặc di chuyển tới nơi khác. Họ muốn giữ mối quan hệ tốt với thị trường Trung Quốc.”

Nguồn hỗ trợ tài chính từ chính phủ Nhật Bản liệu có đủ trang trải cho việc di chuyển dây chuyền sản xuất tới một cơ sở mới hoặc một quốc gia mới sẽ rất tốn kém, cùng với chi phí bồi thường nhân viên và các đối tác doanh nghiệp ở Trung Quốc.

Hơn nữa các thủ tục hành chính cũng sẽ rất tốn thời gian. Thêm vào đó là khả năng Trung Quốc có thể can thiệp để khiến giai đoạn rút khỏi quốc gia này trở nên phức tạp hơn.

Jun Okumura, một nhà phân tích tại Viện Meiji về Quan hệ Quốc tế, nhận định: “Các công ty không muốn đề cập tới những vấn đề nhạy cảm bởi vì điều này, về mặt lí thuyết, có thể sẽ khiến họ gặp rắc rối với Trung Quốc… Cùng lúc đó, Trung Quốc vẫn là một thị trường 1,3 tỉ dân, là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khi thế giới thoát khỏi khủng hoảng COVID-19 và các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ không muốn bất kì điều gì khiến họ đánh mất vị thế trên thị trường này.”

Ông Okumura mở ra khả năng sau đại dịch, sẽ có nhiều doanh nghiệp sẽ chuẩn bị kĩ lưỡng và linh hoạt hơn bằng cách xây dựng thêm cơ sở sản xuất ở những quốc gia khác, chứ không chỉ tập trung tại một nơi nữa.

Giáo sư – Tiến sỹ Khương Hữu Lộc hiện giảng dạy cao học về Quản trị kinh doanh tại Keller Graduate School of Management  cho rằng Nhật đã có chiến lược di dời khỏi Trung Quốc một cách có chọn lọc – tùy ngành nghề, tùy công ty – chứ không làm ồ ạt.

Ông nói: “Tất cả những ngành công nghệ cao hay công nghệ trung nhưng chính yếu cho chuỗi cung ứng phải trở về chính quốc, nhưng các ngành nghề công nghệ thấp vẫn phải giữ lại ở Trung Quốc.”

Ngoài ra, các ngành công nghệ thấp có thể chuyển sang các nước khác trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Đài Loan, Việt Nam,” ông nói thêm nhưng cũng thừa nhận rằng những quốc gia này khó lòng thay thế sức sản xuất của Trung Quốc trong một sớm một chiều.

Nhìn từ bên trong nước Nhật thì việc thay đổi địa điểm sản xuất những hàng hóa không thể thiếu của Nhật Bản còn là một khía cạnh quan trọng trong kế hoạch của ông Abe.

Ông David Arase, Giáo sư ngành Chính trị quốc tế tại Đại học Johns Hopkins, cho rằng kế hoạch lần này là một mũi trên trúng hai đích. Nó vừa giúp Nhật tăng cường an ninh quốc gia vừa có lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này, đồng thời thúc đẩy các kế hoạch tái phát triển vùng của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền.

Dù ông Abe từng nói đến ý tưởng liên kết gần gũi hơn với sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc và “cộng đồng vận mệnh chung” ở châu Á, trải nghiệm COVID-19 không chỉ dẫn đến việc phải hủy chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nhật Bản mà còn khiến ông Abe không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tránh vòng tay của Trung Quốc.

Chuyên gia Arase nói với báo Japan Times rằng Trung Quốc có vẻ lo ngại bước đi của Nhật Bản sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của giới đầu tư nước ngoài nói chung. Lo ngại này phản ánh thực tế là Trung Quốc cần tiếp cận các nền kinh tế giàu có ở phương Tây để lấy lại tăng trưởng. Hơn nữa, những thứ mà Trung Quốc nhập khẩu từ Nhật và các nước khác có vẻ là loại hàng hóa họ không tự làm được. Vì thế, Trung Quốc khó trả đũa Nhật vì sợ sẽ làm hỏng quan hệ tốt lên gần đây.

Bên kia Thái Bình Dương, tại Mỹ, chính quyền ông Trump đang thúc đẩy một sáng kiến nhằm đưa chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu rời khỏi Trung Quốc bằng các ưu đãi thuế và chính sách hỗ trợ dịch chuyển.

Ngay cả trước cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19, nhiều công ty đã bắt đầu đa dạng hóa sản xuất khi rút khỏi Trung Quốc, chuyển một phần năng lực sản xuất sang các nước khác. Làn sóng này không những xuất phát từ nhu cầu tránh thuế quan của Mỹ mà còn bởi các xu hướng dài hạn hơn, bao gồm cả tiền lương nhân công ngày càng cao và sự phát triển công nghệ của Trung Quốc.

Trong đại dịch COVID-19, Mỹ càng nhận thấy đã phụ thuộc quá nhiều vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong những trường hợp như vậy, chính phủ Mỹ tìm cách thúc đẩy các công ty Mỹ và cả nước ngoài xây dựng hoặc mở rộng các cơ sở sản xuất trên đất Mỹ để đa dạng hóa nguồn cung cấp. Điều đó sẽ tạo ra nhiều nguồn lực tổng hợp cần thiết để duy trì cuộc cạnh tranh chiến lược kéo dài với Trung Quốc, đồng thời nâng cao phúc lợi của nhiều công nhân Mỹ.

Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, ông Lộc cho rằng Mỹ cũng nên làm tương tự là chia ra từng kỹ nghệ chứ không nhất thiết phải rút toàn bộ các hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc.

Các ngành công nghệ thấp chủ yếu là hàng giá rẻ mà đưa về Mỹ thì giá nhân công mắc mỏ, luật lệ môi trường khắt khe, phí vận chuyển đắt thì có giảm thuế cho họ cũng không đủ,” ông giải thích. “Do đó, có bảo họ về Mỹ thì họ cũng không về.”

Phải mở đường cho họ rời khỏi Trung Quốc và đi sang quốc gia khác (thay vì về Mỹ),” ông đề xuất và cho rằng động lực để các công ty này dời sang các nước khác là ‘trong tương lai hàng hóa sẽ không bị đánh thuế khi nhập vào Mỹ’.

Còn về những ngành công nghệ trung hay cao thì Mỹ cần khuyến dụ về lại Mỹ nhưng phải có lộ trình giảm thuế trong ngắn hạn cũng như dài hạn, ông nói thêm.

Song song với đó, chính quyền Mỹ cũng cần áp đặt mức thuế nhập khẩu cao hơn đối với những hãng xưởng sản xuất ở Trung Quốc.

Mỹ cũng sẽ phải cân nhắc: ngành nghề nào sản xuất ở Trung Quốc mà đại đa số tiêu thụ ở Trung Quốc thì giữ lại ở Trung Quốc, còn ngành nghề nào sản xuất ở Trung Quốc mà hai phần ba bán cho Mỹ và các nước khác thì nên di chuyển,” Tiến sỹ Lộc góp ý.

Riêng đối với những ngành nghề mang tính chiến lược, ông Lộc cho biết: “Mỹ đã kêu gọi nhưng các công ty không về nhiều. Chính quyền nên đưa ra những luật lệ bắt buộc những kỹ nghệ về an ninh quốc phòng và thiết bị y tế, và thuốc men chính yếu cho sinh mạng của người dân phải về. Nếu không về thì bị phạt.”

Bên cạnh đó, Mỹ cũng nên ‘tài trợ giúp cho các công ty di chuyển’ như cách làm của Nhật và giảm thuế cho số tiền mà họ dự trữ trong quá trình kinh doanh ở Trung Quốc thì họ mới mang tiền về, ông nói.

Chuyên gia này nhận định rằng trong vòng năm năm tới, nếu Mỹ đưa được chỉ 1/3 số hãng xưởng của họ khỏi Trung Quốc thì ‘đã là thành công’.

Một nước cờ khác mà Mỹ đang xúc tiến trong chiến lược đưa chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc đó là Vương quốc Anh.

Ảnh: Thủ tướng Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ngày 04/12/2019

Theo Hãng thông tấn Anh Guardian, Chính phủ Mỹ ra thông điệp Anh phải lựa chọn giữa Washington và Bắc Kinh trong cuộc đàm phán thương mại song phương, nhằm lôi kéo London về phía mình.

Mỹ đang tìm cách đưa vào một điều khoản cho phép nước này rút khỏi các phần trong thỏa thuận thương mại, nếu Anh đạt được thỏa thuận với một quốc gia khác mà Washington không chấp nhận. Điều khoản không đề cập cụ thể đến Trung Quốc, nhưng các nhà ngoại giao Anh tại Washington xem nó như đòn bẩy để ngăn chặn mối quan hệ ngoại giao Anh – Trung trở nên gần gũi hơn.

Điều đó sẽ đặt Chính phủ Anh dưới áp lực bên ngoài mạnh mẽ để sát cánh cùng Mỹ đối trọng với Trung Quốc, hỗ trợ cho tư thế phản đối Trung Quốc mạnh mẽ hơn đang phát triển trên các ghế bảo thủ trong chính phủ.

Đối với Chính phủ Anh, ký kết thỏa thuận thương mại với Mỹ mang tầm quan trọng về chính trị và tính biểu tượng trong bối cảnh Brexit, ngay cả khi London đạt được những lợi ích khiêm tốn từ nó.

Đối với Mỹ, thỏa thuận với Anh mang đến cơ hội chuyển chuỗi cung ứng trở lại Mỹ và rời khỏi Trung Quốc. Đây là một phần trong chiến dịch “Mua hàng Mỹ” và gửi thông điệp mạnh mẽ đến Liên minh châu Âu (EU).

Khả năng thành công của nước cờ mang tên Anh quốc của Mỹ vẫn là một ẩn số. Dù kết quả có thế nào thì điều này chứng tỏ quyết tâm mạnh mẽ của Hoa Kỳ trong việc giảm yếu tố Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thế giới hậu COVID-19 sẽ hình thành nên một chuỗi cung ứng mới mà không còn tập trung tại Trung Quốc.

Mặc dù việc di dời sản xuất rất phức tạp, tùy ngành nghề mà nó kéo dài từ một năm cho đến một năm rưỡi mới hoàn thành; nếu công nghệ thấp thì có thể thực hiện trong vòng 6 tháng, công nghệ bậc trung thì dưới một năm còn công nghệ cao thì lâu hơn nhưng vì những lợi ích sát sườn và an ninh quốc gia, những cường quốc kinh tế hàng đầu Mỹ – Nhật đang quyết tâm để thực hiện đến cùng chiến dịch rời bỏ Trung Quốc.

Trung Kiên – Thoibao.de (Tổng hợp)

https://www.youtube.com/watch?v=2X2u5kF9HcA
Bắc Kinh đoa dọa – Úc quyết “thoát trung”
Kasse animation 7.8.2023