EU thông qua EVFTA để đưa VN vào khuôn khổ Nhân Quyền

https://www.youtube.com/watch?v=QMBfoNRuAoc

Cuối cùng thì VN đã tiến thêm một bước gần hơn đến Hiệp định tự do thương mại EU-VN EVFTA để tạo bước đột phá cho giao thương với EU.
Ngày 21-1, Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu họp tại Brussels đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh Châu Âu – Việt Nam (EVFTA) với kết quả: 29/6/5 (29 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 5 phiếu trắng).
Thực chất đây mới chỉ là bước khuyến nghị của INTA (Ủy ban thương mại của Nghị viện Châu Âu) để trình ra Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu cuối cùng và tháng 2 năm nay, theo bản tin chính thức của trang web Nghị viện châu âu (EP – Europe Parliament) vừa đăng lên vào chiều ngày 21/1/2020, giờ Việt nam.
Hiệp định cũng gồm các quy tắc ràng buộc về mặt pháp lý về khí hậu, lao động và nhân quyền.
Việt Nam đã lên kế hoạch phê chuẩn hai dự luật còn lại về việc bãi bỏ lao động cưỡng bức và tự do lập hội vào năm 2020 và 2023, tương ứng.
Nếu có vi phạm nhân quyền, thỏa thuận thương mại có thể bị đình chỉ.

Mạng xã hội lại xôn xao với tin về một Dân biểu Châu Âu tố cáo Đại sứ VN hối lộ rượu Champagne để bỏ phiếu thông qua EVFTA.
Nữ Dân biểu Ellie Chowns chụp ảnh túi quà với chai rượu Sâm banh đưa lên trang twitter của bà với nội dung ngắn gọn rằng:
Ngày mai Ủy ban thương mại của Nghị viện Châu Âu sẽ bỏ phiếu thông qua khuyến nghị cho việc phê chuẩn hiệp định thương mại với Việt Nam. Hôm nay tôi nhận được cái này ở văn phòng: quà biếu là rượu Champagne từ Đại sứ quán Việt Nam.
Hoàn toàn không phù hợp & trắng trợn. Tôi sẽ trả lại cho họ, giải thích rằng việc thả tù nhân chính trị sẽ ảnh hưởng đến tôi nhiều hơn …

Đại sứ quán Việt Nam có lẽ đã đánh giá sai về tính cách và sự tự trọng của các dân biểu nghị viện châu Âu nên mới có hành động cực kỳ thô thiển này. Nhất là gửi quà cho họ ngay trước ngày bỏ phiếu ủng hộ hay không cho Việt nam…
Luật sư Lê Quốc Quân nói rằng: “Đúng là việc tặng quà này không làm tốt hơn mà chỉ làm dơ bẩn mối quan hệ mà thôi.

Nghị sỹ Anna Cavanizzi – thành viên của Uỷ ban Thương mại EU (INTA) của nghị viện Châu Âu tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống lại Uỷ ban Thương mại EU (INTA) khuyến nghị ký kết hiệp định thương mại với VN vào 21/1, với lý do cơ bản là:
Tình hình nhân quyền ở Việt Nam vô cùng đáng lo ngại. Việt Nam đã tiến hành một cuộc đàn áp tàn bạo đối với bất đồng chính kiến và lao động có tổ chức, đặc biệt là từ năm 2016
Để thuyết phục Nghị viện châu Âu, Việt Nam gần đây đã cải tổ bộ luật lao động. Đó là một bước đi đúng hướng, nhưng thật không may, Bộ luật Hình sự với nhiều đàn áp bất công của VN vẫn có hiệu lực.
Tháng 11/2019, VN đã bắt giam nhà báo độc lập nổi tiếng Phạm Chí Dũng, người mới đây đã phát biểu tại Nghị viện châu Âu để chỉ trích thỏa thuận thương mại EU-VN.

Ngay khi cuộc bỏ phiếu của khuyến nghị ký kết EVFTA của INTA kết thúc, Ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại của Nghị viện Châu Âu (INTA) đã phát biểu rằng:
Tôi tự hào rằng trong quá trình đàm phán thỏa thuận thương mại EU-Việt Nam, chúng tôi đã sử dụng đòn bẩy của mình và đưa ra những thay đổi tích cực nhằm cải thiện tình hình của hàng triệu công nhân tại Việt Nam. Chúng tôi đã có áp lực để VN phê chuẩn công ước về thương lượng tập thể, thông qua cải cách lao động cơ bản và cam kết một lộ trình cụ thể để phê chuẩn và thực hiện hai Công ước nổi bật về Lao động cưỡng bức và Tự do lập hội. Để đảm bảo thực hiện tiến trình này, chúng tôi đã bỏ phiếu ủng hộ hiệp định thương mại với Việt Nam.
Chúng tôi đảm bảo rằng các vấn đề lao động và nhân quyền luôn đứng đầu trong chương trình nghị sự chính trị của các cuộc đàm phán”.

Phiên bỏ phiếu tại INTA.

EVFTA được ký kết hứa hẹn đem đột phá cho giao thương giữa Việt nam với EU vì miễn thuế hầu hết các mặt hàng.
Theo thỏa thuận, Việt Nam sẽ giảm 65% thuế nhập khẩu đối với hàng hoá từ EU ngay khi EVFTA có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được xoá trong giai đoạn 10 năm.
Ngoài ra, EU sẽ giảm hơn 70% thuế quan đối với hàng hoá Việt Nam ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Phần còn lại bao gồm xe máy, ô tô, dược phẩm, hóa chất, rượu vang, thịt gà và thịt lợn – sẽ được xoá thuế trong 7 năm tiếp theo.
Để EU có thể thông qua EVFTA, Việt Nam phải tham gia thêm 3 công ước của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) liên quan đến quyền của người lao động.

Đối với vụ thảm sát Đồng Tâm, EU đã theo sát ngay từ khi mới xảy ra vào ngày 9.1.

Đại sứ EU Giorgio Aliberti ngày 21/1 đã có cuộc tiếp xúc với Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Đại sứ Aliberti nhân dịp này cũng đã nhắc lại mối quan ngại sâu sắc của EU về sự kiện diễn ra ở xã Đồng Tâm và việc sử dụng bạo lực với bất kỳ hình thức nào, như đã được tuyên bố bởi Người Phát ngôn Cơ quan Ngoại giao EU.
Trang Facebook của EU tại Việt Nam đưa tin về cuộc gặp nêu trên và viết rằng:
EU lấy làm tiếc về sự thương vong xảy ra trong cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người dân và yêu cầu tính minh bạch đầy đủ trong việc đánh giá nguyên nhân và bối cảnh của sự kiện.
EU sẽ tiếp tục theo sát tình hình và sẵn sàng giúp đỡ chính quyền Việt Nam trong quá trình điều tra độc lập và minh bạch.
EU bày tỏ sự thương tiếc tới gia đình và những người bạn của những nạn nhân.

Hội nhà báo Độc lập Việt nam với 80 thành viên có thể nói là tổ chức lề trái lớn nhất VN đã hoạt động liên tục 5 năm kể từ ngày 4/7/2014 cho tới khi Chủ tịch Phạm Chí Dũng bị bắt.

Vụ bắt nhà báo tự do Phạm Chí Dũng ngày 21/11/2019 – đến nay đã 3 tháng nhưng gia đình và luật sư bào chữa vẫn chưa được tiếp xúc.
Hôm 3/12, video của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng chuẩn bị cho hội nghị Nhân quyền và Tự do Mậu dịch EU-Việt Nam đã được công bố, trong đó ông kêu gọi Nghị viện Châu Âu không phê chuẩn Hiệp định EVFTA, hay IPA .

Một số thành viên trong nghị viện châu Âu đã lên tiếng kêu gọi EU tạo áp lực lên chính phủ Việt Nam, cũng như cân nhắc việc phê chuẩn EVFTA vì sự đàn áp nhân quyền và tự do báo chí ở Việt nam.

Trên Facebook của mình, tiến sĩ Nguyễn Văn A viết “Tô Lâm là kẻ phá hoại hiệp định EVFTA hiệu quả nhất“.
Mới đây Tiến sỹ Nguyễn Quang A lại tiếp tục kêu gọi áp dụng Luật nhân quyền Magnisky vào vụ thảm sát này:
HÃY ĐƯA KẺ CHỦ MƯU VỤ TÀN SÁT ĐỒNG TÂM VÀO DANH SÁCH CHẾ TÀI CỦA LUẬT MAGNITSKY MỸ, CANADA, ANH, ESTONIA, LATVIA, LITVA, (và chắc sẽ có ở toàn EU và Úc).
Muốn thế thông tin từ các “đồng chí” của họ là quan trọng và các tổ chức XHDS hãy vào cuộc truy tìm (những) kẻ chủ mưu này ngay từ bây giờ.

Hiệp định thương mại EU-VN được ký kết cơ bản là điều đáng mừng vì nó đem lại lợi ích lớn cho các doanh nghiệp Việt nam và Châu Âu mua bán hàng hóa với nhau.

Tuy nhiên đây cũng là nơi mà các nhà hoạt động lên tiếng công khai để thức tỉnh các nhà lãnh đạo Cộng sản rằng việc bảo vệ Nhân quyền phải được đảm bảo bởi Luật pháp và Chính quyền, chứ không thể dùng bạo lực để phục vụ cho các nhóm lợi ích.

Người dân Việt nam đã thức tỉnh, biết đòi hỏi quyền làm người theo các tiêu chuẩn được áp dụng ở chế độ dân chủ và một ngày không xa sẽ đứng lên xóa bỏ chế độ Cộng sản dối trá tàn ác hiện nay ở VN.

Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (tổng hợp)

Kasse animation 7.8.2023