Ai là người đã vận động bà Trương Mỹ Lan đứng ra hợp nhất ngân hàng?

Ngày 28/3, BBC Tiếng Việt cho hay “Phiên toà Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan khai gì về Tướng Công an đã chết?”

Theo đó, tại phiên xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan đã có tiết lộ chấn động về danh tính người đứng ra mời bà tham gia tái cơ cấu và hợp nhất 3 ngân hàng thành Ngân hàng SCB, vào năm 2012.

BBC cho biết, phi vụ sáp nhập này, theo bà Lan, có liên quan đến một Tướng Công an và một cựu lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước.

Theo cáo trạng, bà Lan đã thông qua 74 pháp nhân, cá nhân, để sở hữu, chi phối hơn 85% cổ phần SCB, ngay sau khi 3 ngân hàng được sáp nhập.

Do đó, bà Lan được cơ quan điều tra xác định là người nắm toàn bộ quyền lực, chi phối SCB, sau khi hợp nhất.

BBC nhắc lại, trước toà, bà Trương Mỹ Lan đã khai rằng, chính một số lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã “động viên”, nhờ đích danh bà đứng ra giúp đỡ, dù bà đã từ chối nhiều lần, vì cho rằng mình không có nghiệp vụ về ngân hàng.

Sau đó, 2 cái tên mà bà Lan đã thốt lên trước tòa là: Trần Minh Tuấn và Phạm Quý Ngọ.

Theo bà Lan, họ cần bà chính vì bà “là người không làm ngân hàng và sẽ không tham gia ngân hàng”.

Điều đáng nói là, theo BBC, khi báo chí tường thuật về sự việc này, chỉ nhắc đến ông Trần Minh Tuấn – nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Còn Thượng tướng Phạm Quý Ngọ – cựu Thứ trưởng Bộ Công an, thì không được nêu tên.

Chưa rõ vì sao báo chí trong nước lại cắt lời khai của bà Lan về cố Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, nhưng trước đây, đã có những bằng chứng về mối liên quan giữa bà Lan với ông Ngọ, trong vụ án của ông Dương Chí Dũng vào năm 2014.

BBC đề cập đến phiên tòa xét xử vụ án “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” và những điều kỳ lạ xung quanh vụ án này.

Theo đó, ngày 7/1/2014, ông Dương Chí Dũng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines – khai trước toà rằng: Chính Thượng tướng Phạm Quý Ngọ là người đã “mật báo” về quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Dũng.

Tướng Ngọ chính là Trưởng ban Chuyên án điều tra vụ Vinalines của Dương Chí Dũng.

Ông Dương Chí Dũng còn khai rằng, ông đã đưa cho Tướng Ngọ 1 triệu USD từ bà Trương Mỹ Lan. Đây là tiền hối lộ liên quan tới dự án di dời và chuyển đổi mục đích sử dụng Cảng Sài Gòn.

Vẫn theo BBC, 2 ngày sau lời khai của ông Dũng, Vạn Thịnh Phát đã “xin rút, không tham gia dự án”.

Ngày 17/2/2014, ông Phạm Anh Tuấn – Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương lúc bấy giờ, nói “đã có một số ý kiến đề xuất đình chỉ công tác đối với Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ”, để đảm bảo việc điều tra những nội dung tố cáo của ông Dương Chí Dũng.

Tuy nhiên, BBC tiếp tục cho hay, chỉ một ngày sau đó, ông Ngọ đã qua đời tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, do ung thư gan. Do ông Ngọ mất, vụ án “làm lộ bí mật nhà nước” có liên quan đến ông cũng bị đình chỉ.

Ngoài ông Ngọ, bà Lan còn khai ông Trần Minh Tuấn là người đã kêu gọi bà ra tay giúp đỡ việc sáp nhập, cơ cấu SCB.

BBC cũng cho biết, ông Tuấn đảm nhiệm vị trí Phó Thống đốc của Ngân hàng Nhà nước từ năm 1998, đến khi ông về hưu vào tháng 6/2013.

Ông Tuấn mất ngày 12/2/2014, chưa đầy 1 tuần trước khi ông Ngọ qua đời.

Như vậy, 2 nhân vật mà bà Lan nhắc đến trong phiên tòa đang diễn ra, đều đã chết vào tháng 2/2014.

BBC cho biết thêm, dù bị nhắc tên trong vụ án đưa 1 triệu USD cho ông Phạm Quý Ngọ, thông qua ông Dương Chí Dũng, trong phiên toà năm 2014, bà Trương Mỹ Lan không được coi là bị can của vụ án này và cũng không bị tòa triệu tập để làm nhân chứng.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước nói không có thông tin về việc vận động bà Lan sở hữu 65%, mà chỉ nhận diện nhóm cổ đông có 65% do bà Lan là người đại diện.

 

Quang Minh – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023