Bịt Phương Hằng, chặn Hoa khôi Nam Em, nhưng “bãi thối” nhà quan vẫn “tỏa hương”!

Bịt Phương Hằng, chặn Hoa khôi Nam Em nhưng “bãi thối” nhà quan vẫn “tỏa hương”!

Tiếng nói của Hoa khôi Nam Em đã bị dập tắt sau chuỗi ngày livestream “bóc phốt” showbiz, gây chấn động dư luận. Chắc chắn, giới showbiz sợ cô Hoa khôi này xanh mặt, mặc dù cô chưa bạch hóa bất kỳ tên tuổi nào. Có lẽ, họ sợ lại bị Nam Em khui ra như bà Phương Hằng đã từng làm.

Có lẽ, giới showbiz đã được Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh cứu. Vào chiều 22/2, tại buổi họp báo thường kỳ ở Trung tâm báo chí, ông Nguyễn Ngọc Hồi – Phó Giám đốc Sở 4T cho biết, đang lên kế hoạch và phối hợp chặt với các cơ quan có liên quan, để xử lý trường hợp của Nam Em. Sự nhanh nhảu của cơ quan này đã khiến tiếng nói Nam Em im lặng sau đó.

Showbiz ồn ào là chuyện của showbiz, nhà nước chỉ quản lý xã hội bằng pháp luật. Tại sao Sở Thông tin Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh lại nhảy vào can thiệp chuyện lùm xùm của giới nghệ sĩ làm gì?

Có nhận xét cho biết, Sở 4T Sài Gòn làm thể là để cứu quan chức, bởi không ít chuyện chân dài và quan chức vẫn đang diễn ra một cách kín đáo sau hậu trường.

Cũng may, Nam Em chưa réo tên một quan chức nào. Nếu cô làm vậy, thì ắt hẳn, cơ quan nhà nước xử lý cô không phải là Sở 4T, mà là Công an thành phố Hồ Chí Minh, như họ đã làm với bà Nguyễn Phương Hằng. Có người nhận xét, nếu bà Phương Hằng không động chạm đến Phan Văn Mãi, thì chưa chắc bà đã bị bắt.

Chính quyền có 2 cơ quan tuyên truyền, phía Đảng có Ban Tuyên giáo Trung ương, bên Chính Phủ có Bộ Thông tin Truyền thông. Ở cấp tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương, vẫn có 2 cơ quan như vậy, là ban tuyên giáo tỉnh và sở thông tin và truyền thông của tỉnh. Đây là 2 cơ quan chuyên lo bịt những tiếng xấu cho chế độ, đồng thời cũng bốc thơm cho lãnh tụ và quan chức. Ngoài ra, công an cũng luôn sẵn sàng bịt miệng dân, bằng cách hù doạ hoặc đẩy dân vào tù, để tránh tiếng xấu của quan chức bị lan truyền trong xã hội.

Với nhiều tầng nấc bảo vệ cho quan chức như thế, liệu rằng, tiếng xấu của quan chức có bị “xì” và “tỏa hương” khắp nơi hay không?

Trên thực tế, dù có dùng nhiều tầng để che đậy, thì cũng chỉ hạn chế một phần nào đó mà thôi. Tiếng xấu vẫn theo nhiều cách mà lọt ra ngoài. “Mùi hương” của các “bãi thối” vẫn luôn bay đi, theo cách riêng của nó.

Dùng Tuyên giáo, Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng Bộ Công an để che đậy, điều này chỉ khiến cho những tật xấu của quan tham có cơ hội phát triển hơn mà thôi. Bởi khi có quyền lực khuynh đảo, tự tin triệt hạ mọi nguồn phát tán tin xấu, thì họ còn sợ gì mà không làm bậy? Cho nên, có thể nói, cách làm của chính quyền Cộng sản đã dung túng và nuôi nấng thói hư của quan chức.

Lâu nay, các nguồn tin phi chính thống vẫn có đất sống. Dù Tuyên giáo cho báo chí quốc doanh ra sức bác bỏ tin xấu ngoài luồng, dù Bộ Thông tin và Truyền thông dùng đủ mọi cách để gây áp lực đối với chủ các trang mạng xã hội lớn, buộc họ bóp tương tác, thậm chí cho bay màu các nick đưa tin, thì người dân vẫn luôn tìm đến thông tin phi chính thống.

Nguyên nhân là chỉ có những tin tức phi chính thống mới “lột truồng” chế độ này, cho người dân thấy rõ. Nếu đằng sau tấm áo đẹp đẽ được Tuyên giáo mặc cho, chế độ này không làm điều gì xấu, thì việc gì họ phải e ngại?

Thật ra, bên trong chế độ cũng có người chán ghét chế độ; và chán ghét bọn quan lại xấu xa bẩn thỉu. Cho nên, chính họ là những nguồn tin ẩn danh, cung cấp thông tin đấu đá nội bộ ra bên ngoài.

Rất nhiều tin tức thuộc diện “tối mật”, báo chí chính thống của Đảng không biết, chưa biết, hoặc bị cấm không cho đưa tin, nhưng bên ngoài đã biết.

Và đó là cách mà “hương” của “bãi thối” của Chế độ này, vẫn đều đều tỏa ra ngoài.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023