Thanh niên Việt Nam đến Nam Hàn du học rồi bỏ trốn vì bế tắc

Nghĩ gì từ hiện tượng ‘du học rồi… mất tích’

Ngày 16/2, blog Trân Văn trên VOA Tiếng Việt có bài bình luận “Nghĩ gì từ hiện tượng “du học rồi… mất tích”’.

Theo đó, nhiều người Việt cư trú tại Nam Hàn thở dài trước tin, Pusan National University (PNU) tạm ngưng tiếp nhận sinh viên Việt Nam đến học Hàn ngữ. Mỗi năm, PNU tiếp nhận khoảng 400 du học sinh từ Việt Nam đến học Hàn ngữ, nhưng đa số bỏ học để ra ngoài đi làm bất hợp pháp, khiến PNU phải đưa ra quyết định này.

Tác giả cho biết, visa du học vừa được phép đến Nam Hàn cư trú, vừa có quyền đi làm bán thời gian.

Cách nay khoảng 3 tháng, ông Cho Jung-hun, Dân biểu Hạ viện Nam Hàn, đã yêu cầu Chính phủ Nam Hàn phải xem lại chính sách tiếp nhận sinh viên ngoại quốc đến Nam Hàn học hành. Dựa trên dữ liệu của Bộ Tư pháp Nam Hàn, thì có khoảng 65.000 sinh viên ngoại quốc đến Nam Hàn bằng visa học Hàn ngữ, và tính từ tháng 6/2023, có khoảng 26.000 (40%) trở thành cư trú bất hợp pháp.

Tác giả dẫn tờ The Korea Times cho biết, trong số 26.000 người đến Nam Hàn bằng visa học Hàn ngữ, nhưng sau đó bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp, thì người Việt Nam chiếm đa số (gần 23.000 người), kế đó là Uzbekistan (khoảng 1.100 người), xếp thứ ba là Mông Cổ (hơn 800 người). Tỷ lệ du học sinh học cao đẳng bỏ trốn cũng lên đến 27%.

Theo tác giả, đó cũng là lý do, nhiều người Nam Hàn tin rằng, mục đích thực sự của nhiều người đến Nam Hàn trau dồi Hàn ngữ, là để kiếm việc làm.

Tờ The Korea Times nhắc lại một số sự kiện:

Hồi tháng 8/2023, một thanh niên Việt Nam bị Tòa án quận Suwon phạt tù vì bán thuốc lắc. Thanh niên 23 tuổi này này đến Nam Hàn hồi tháng 7/2019 bằng visa D-4-1, lẽ ra phải rời Nam Hàn vào tháng 10/2021, nhưng lại không quay về Việt Nam… Khi làm việc trong một câu lạc bộ được ví là “thánh địa ma túy”, anh ta bị bắt quả tang đang bán thuốc lắc…

Hoặc sự kiện 164/1.900 du học sinh Việt Nam đến Đại học Quốc gia Incheon học Hàn ngữ đột nhiên mất tích vào cuối năm 2019, sau khi chương trình đào tạo khởi động chừng vài tháng. Điều này đã kích hoạt một cuộc săn lùng của cảnh sát khắp Nam Hàn.

Tác giả cho hay, sau vụ 164 du học sinh Việt Nam mất tích, báo điện tử VnExpress đã thực hiện một phóng sự bằng tiếng Anh, mà nội dung giống như giải thích cho thiên hạ thông cảm, rằng tại sao, du học sinh Việt Nam lại bỏ học để đi làm bất hợp pháp ở Nam Hàn.

Những người trong cuộc đã giải thích với phóng viên của VnExpress rằng, họ xin visa D-4-1 để đến Nam Hàn không phải vì hiếu học, mà vì “thủ tục đơn giản và khả năng được cấp visa lớn”, để có cơ hội đi làm kiếm tiền ở Nam Hàn. Họ chọn con đường này vì hoàn toàn bế tắc, không tìm thấy lối ra cho cả hiện tại lẫn tương lai của họ ở Việt Nam.

Ở Việt Nam, nếu tốt nghiệp đại học, có việc làm, họ cũng chỉ có thể kiếm được 250 Mỹ kim/tháng, nhưng tại Nam Hàn, họ có thể được trả từ 2.500 đến 4.000 Mỹ kim/tháng. Chi phí việc du học quá lớn (vài trăm triệu), cộng thêm hy vọng có đủ điều kiện để gầy dựng tương lai, nên nhiều thanh niên Việt Nam hy sinh tất cả mọi thứ, kể cả sức khỏe cho công việc, phần lớn làm việc suốt tuần, kể cả ngày nghỉ…

Tác giả kết luận, không phải đến bây giờ du học sinh Việt Nam ở Nam Hàn mới nổi tiếng vì mượn danh nghĩa du học để đến Nam Hàn cư trú bất hợp pháp. Năm 2018, trong số gần 14.000 du học sinh cư trú trái phép tại Nam Hàn, có 2/3 là thanh niên người Việt, dù điều đó có thể khiến họ bị phạt 5.000 Mỹ kim và sáu tháng tù. Việt Nam cũng là quốc gia mà du học sinh phải gửi vào ngân hàng Nam Hàn khoản tiền cao hơn, rút ra khó hơn. Nhưng…

 

Xuân Hưng – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023