Đảng của giai cấp lao động móc túi dân nhét túi đại gia và quan chức như thế nào?

Túi của một người dân là có hạn. Nhưng tiền trong túi của 100 triệu dân lại được xem là vô hạn. Tham nhũng chính sách hiện nay là nghĩ ra cách để hút tiền từ túi dân, rồi sau đó tìm cách xà xẻo.

Thời kỳ Covid-19, chính quyền đã huy động tiền từ các nhà hảo tâm để lập ra “quỹ vaccine”. Số tiền huy động được đã lên đến 10 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó, vaccine Việt Nam sử dụng hầu hết là do các nước giàu tài trợ, trong đó Mỹ tài trợ nhiều nhất.

Thế rồi, “quỹ vaccine” đã “lạc trôi” nơi đâu, đến giờ này cũng chẳng ai hay biết.

Rồi “quỹ phòng chống thiên tai”, năm nào cũng huy động người dân đóng góp. Nhưng huy động được bao nhiêu và sử dụng vào việc gì, thì dân không hề hay biết. Hàng năm, thiên tai vẫn xảy ra, và chỉ có dân tự cứu dân. Thậm chí, nhiều nhà hảo tâm muốn bỏ tiền túi ra để cứu trợ cho đồng bào bị thiên tai, thì còn bị chính quyền gây khó dễ, để ép phải giao tiền cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện việc cứu trợ.

Trong trường học thì cũng vẽ ra cái gọi là “quỹ phụ huynh học sinh”. Tiền túi của phụ huynh học sinh thì cứ vét, nhưng chi cho việc gì thì cứ mập mờ. Có trường, năm nào cũng thu quỹ để lắp máy lạnh, nhưng lại không thấy thay máy lạnh mới.

Có thể nói, từ Trung ương đến địa phương, nơi nào cũng lợi dụng cái gọi là “gây quỹ” để trục lợi. Điều này đã trở thành căn bệnh của chế độ.

Mới đây, báo chí cho biết, “ông lớn” xăng dầu Hải Hà đã bị phạt 5 lần, liên quan “quỹ bình ổn”. Cái gọi là “quỹ bình ổn xăng dầu” là một chính sách của Bộ Công thương và Bộ Tài chính. Khi đặt ra thứ quỹ này, như thường lệ, chính quyền này khoác lên cho nó một chiếc mặt nạ, trông có vẻ “vì dân”. Để tham nhũng chính sách được trót lọt, không thể thiếu những chiếc áo khoác đẹp đẽ cho chính sách.

Theo giải thích của chính quyền, thì quỹ bình ổn xăng dầu là thu vào khi giá xăng rẻ, và bù giá khi giá xăng lên cao. Nghĩa là, chính quyền sẽ sử dụng quỹ này để điều tiết giá xăng dầu, tránh cho dân bị sốc khi giá xăng dầu lên cao đột ngột.

Tuy nhiên, trên thực tế, quỹ này không hề bù đồng nào khi giá dầu thế giới tăng cao. Mà mọi lúc mọi nơi, họ đều thu theo định mức trên mỗi lít xăng dầu bán ra, bất kể giá xăng dầu cao thấp thế nào.

Vậy, “quỹ bình ổn xăng dầu” này sẽ đi về đâu? Đây là một số tiền khổng lồ, rất béo bở. Cả doanh nghiệp đầu mối, đơn vị trực tiếp thu trên giá bán, và cả nhà nước đang giành ăn món tiền này.

Thực ra, không cần phải thu quỹ này, hãy để xăng dầu tự vận hành theo đúng với cơ chế thị trường. Nếu giá dầu thô thế giới tăng cao và neo ở mức này trong một thời gian dài, thì không quỹ nào gánh nổi, và người dân cũng phải mua xăng dầu với giá cao mà thôi.

Vậy thì cần quỹ này để làm gì? Nhiều nước trên thế giới có cần lập quỹ này đâu? Khi lập quỹ, sẽ kéo theo cả một bộ máy để quản lý nó, mà với lòng tham không đáy của những con người trong chế độ này, bằng cách này hay cách khác, người ta cũng nghĩ ra được cách để chiếm dụng.

Nói cho cùng, quỹ bình ổn xăng dầu cũng là tiền của dân trả lại cho dân. Thu của dân khi giá dầu thấp trả lại cho dân khi giá dầu cao, vậy tại sao không để giá xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, để khỏi phải nuôi một bộ máy quản lý quỹ?

Ở Việt Nam, bộ máy quản lý quỹ luôn tìm mọi cách để nuốt quỹ. Như vậy, có phải lập quỹ để móc tiền từ túi dân, đổ vào túi quan tham và các đại gia xăng dầu?

Có lẽ, Đảng không bao giờ chịu bỏ quỹ bình ổn xăng dầu, bởi nó đang là khối tiền khổng lồ vô chủ. Họ tiếp tục thu và tiếp tục tìm cách phù phép, để cho nó vào túi riêng. Bởi đây là kết quả của sự tính toán của bộ máy này, làm sao để ra chính sách, biến tiền từ túi dân vào túi quan tham và các đại gia trong nhóm lợi ích.

Ý Nhi – Thoibao.de

24.1.2024

Kasse animation 7.8.2023