Vụ Vạn Thịnh Phát đã bị phát hiện hơn 10 năm, nhưng không xử lý: Trách nhiệm thuộc về ai?

Hàng loạt đại án tham nhũng đã, đang và sắp đưa ra xét xử trong những ngày cuối năm 2023, theo chỉ đạo của Cơ quan Phòng Chống tham nhũng và tiêu cực, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.

Những vụ án đã xét xử như, AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chuyến bay giải cứu…, rồi sắp tới là FLC của Trịnh Văn Quyết, Tân Hoàng Minh của Đỗ Anh Dũng, cùng với đại án Việt Á, Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan v.v…, song cũng chưa phải là hồi kết.

Với thành tích chống tham nhũng của Tổng Bí thư Trọng mà truyền thông nhà nước luôn ca ngợi, nhưng không hiểu vì sao, càng chống tham nhũng, thì tham nhũng càng lan rộng, đặc biệt lớn về tầm vóc và quy mô. Trước đây, quan tham chỉ dám tham nhũng nhiều nhất là đôi ba tỷ, những hiện nay, tham nhũng tối thiểu cũng vài chục tỷ, thậm chí hàng ngàn tỷ là chuyện bình thường.

Chỉ một Trưởng đoàn Thanh tra liên ngành của Chính phủ đối với Ngân hàng SCB, vậy mà, SCB đã hối lộ cho cá nhân bà Đỗ Thị Nhàn lên tới 5,2 triệu USD, tương đương 118 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền hối lội đó có mục đích để Đoàn Thanh tra bao che và không xử lý đối với những vi phạm trầm trọng của Ngân hàng SCB.

Trong những ngày này, dư luận bi quan và đặt câu hỏi, rồi tới đây, không biết sẽ còn bao nhiều “đại án” và “siêu đại án” nữa sẽ bị lộ. Vì sau khi vụ án Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan bị phát giác, thì không có gì đảm bảo rằng, những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cỡ khủng, như VinGroup, SunGroup, NovaLand… nếu bị sờ tới thì điều gì sẽ xảy ra?

Kể từ sau Đại hội 12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khởi động một chiến dịch “đốt lò”, một bản copy của chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Tập Cận Bình ở Trung Quốc.

Ban đầu, dân chúng vỗ tay ca ngợi Tổng Trọng hết lời, vì đã “quật ngã” Đinh La Thăng – một việc làm chưa từng thấy. Khi đó, dân chúng hồ hởi hy vọng, cái “lò tôn” của ông Trọng sẽ ngày càng đỏ lửa, rồi công cuộc chống tham nhũng sẽ phát hiện và quét sạch hết “giặc nội xâm”?

Nhưng khi đó, người dân Việt Nam quên mất một nhân vật khác, cũng “vua biết mặt, chúa biết tên”, cũng là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh như ông Đinh La Thăng. Đó là “sâu chúa” Lê Thanh Hải, với tội trạng được cho là gấp trăm, gấp vạn lần Đinh La Thăng. Vậy mà, không hiểu tại sao “sâu chúa” này vẫn bình an vô sự cho đến nay?

Công luận khẳng định, nếu như Tổng Trọng chống tham nhũng thực sự như ông thường xuyên khẳng định, “Chống tham nhũng không có vùng cấm, không có vùng tránh”, thì chắc chắc, sẽ không để cho Lê Thanh Hải sử dụng quyền lực, tạo điều kiện cho Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát phát triển. Để rồi, nhóm lừa đảo này dễ dàng chiếm đoạt hơn 300 ngàn tỷ, tương đương với 12,5 tỷ USD tại Ngân hàng SCB.

Đáng chú ý, sự vô tình hay hữu ý của Tổng Bí thư, được Giáo sư Zachary Abuza, khi phân tích vụ án Vạn Thịnh Phát đánh giá, “đây là một thất bại nặng nề của việc giám sát, kiểm tra trong công tác chống tham nhũng”. Vậy mà, một năm sau khi Trương Mỹ Lan bị bắt, cho đến nay, không có bất kỳ một quan chức lãnh đạo cấp cao nào trong Chính phủ hay hệ thống Ngân hàng Nhà nước bị xử lý vì vụ bê bối này.

Sau vụ việc Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát bị phát giác, những người lâu nay vẫn tự hào về việc Tổng Bí thư chống tham nhũng, mới bừng tỉnh than rằng, ông Trọng đánh “giặc nội xâm” mà lại để cho quân của Tổng Bí thư bảo kê, chiếm lĩnh hết trận địa, quậy cho đất nước tanh bành chưa từng thấy? Chứng tỏ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chẳng tài giỏi cái nỗi gì?

Cơ quan Chống Tham nhũng có tên gọi rõ ràng, “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Nói ra để thấy, không chỉ có CHỐNG, mà còn có chức năng PHÒNG. Thậm chí “phòng” còn quan trọng hơn cả “chống” tham nhũng. Tổng Bí thư Trọng đã quên mất trách nhiệm quan trọng này, khi không quan tâm đến việc “phòng tham nhũng”.

Cụ thể, ngày 9/1/2014, báo Vietnamnet đăng bài “Bà Lan Vạn Thịnh Phát trong lời khai Dương Chí Dũng”. Bài viết có đoạn:

“Chiều ngày 8/1, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự “Làm lộ bí mật nhà nước”. Hội đồng xét xử còn đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội có yêu cầu đề nghị đối với Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, điều tra hành vi nhận 500.000 USD và 20 tỉ đồng của một cán bộ cấp cao… Nếu đủ căn cứ, phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật.”

Sau khi bài báo được đăng, cho đến nay, câu trả lời cho vấn đề mà Vietnamnet đề cập vẫn còn bỏ ngỏ.

Công luận đặt câu hỏi, khi báo chí đã phản ánh, nhưng Tổng Bí thư – trong vai trò người đứng đầu – và các cơ quan chức năng đã bỏ qua, không xử lý, khiến xảy ra hậu quả lớn, thì ai phải chịu trách nhiệm?./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023