Thủ Chính biến nền kinh tế từ bại thành xuội, Võ Thưởng ca bài ca phát triển bền vững

“Chưa đầy 5% doanh nghiệp có tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận”, đó là tựa đề bài báo được một tờ báo nổi tiếng trong nước đăng tin. Được biết, trong năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận sự giảm sút về đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận rất rõ rệt so với năm trước.

Năm 2023 đã sắp qua, nhưng xem ra, nền kinh tế Việt Nam rất ảm đạm. Doanh nghiệp trong nước khốn đốn. Các kênh huy động vốn như ngân hàng, thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu, vô cùng bất an cho nhà đầu tư.

Mới đây, cơ quan điều tra thông báo một kết quả làm chấn động xã hội, đó là, bà Trương Mỹ Lan, thông qua ngân hàng SCB trong hệ sinh thái của mình, đã hốt một lượng tiền khổng lồ tương đương với 12,5 tỷ đô la Mỹ. Và hiện nay, mô hình dùng ngân hàng để lùa gà đang là ung nhọt cực lớn của nền kinh tế. Liệu ông Nguyễn Phú Trọng có dám khui tiếp hay chỉ khui đến đó là dừng?

Năm ngoái, ung nhọt của thị trường cổ phiếu bị khui với vụ án Trịnh Văn Quyết của FLC, thị trường trái phiếu bị khui với vụ án Đỗ Anh Dũng của Tân Hoàng Minh, và vụ án Trương Mỹ Lan của Vạn Thịnh Phát. Thực chất, vụ đổ bể của Ngân hàng SCB đã diễn ra từ năm ngoái, nhưng năm nay, Bộ Công an mới công bố.

Ngân hàng, chứng khoán bùng ra những ung nhọt lớn, xem như thị trường vốn của Việt Nam đang nhiễm căn bệnh hiểm nghèo nhưng không dám phẫu thuật. Bởi nếu phẫu thuật thì nền kinh tế từ bại thành liệt luôn.

Thị trường vốn gặp vấn đề, thì chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam được xây dựng trên 3 chân trụ, đó là khối tư nhân, khối nhà nước và khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, khối tư nhân chết như ngả rạ vì đói vốn, đói đơn hàng. Khối nhà nước lâu nay vẫn ăn bám là chính. Còn lại, nền kinh tế Việt Nam chỉ cậy vào nguồn vốn ngoại. Nền kinh tế tan nát, phố xá tiêu điều, hàng quán trả mặt bằng khắp nơi, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế cho năm nay dự tính khoảng 5,8%.

Khối FDI chỉ chiếm 3% số doanh nghiệp toàn quốc, nhưng tạo ra 19% GDP, cung cấp 35% việc làm và đóng góp cho xuất khẩu đến 74% tổng giá trị. Hầu hết, những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ít chịu tác động xấu từ thị trường vốn Việt Nam, nên họ vẫn tương đối ổn định, và đang gánh GDP cho nền kinh tế Việt Nam. Khối này đang cứu Đảng Cộng sản và giúp ông Thủ tướng khoác lác với toàn dân.

Hiện nay, vì lợi ích của các nhóm ký sinh trong các tập đoàn nhà nước, mà quá trình chuyển đổi xanh đang rất chậm chạp. Vì nguyên nhân này mà các doanh nghiệp gia công Việt Nam hiện nay đói đơn hàng, phải tinh giảm đến mức gần như giải thể.

Chỉ khi điều kiện chuyển đổi xanh của phương Tây áp đặt lên hàng hóa xuất khẩu, đập cho các doanh nghiệp Việt Nam tan nát, thì Chính phủ mới hô vào về việc chuyển đổi xanh và nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản cũng chỉ giỏi hô hào và hội họp là chính, còn thực hiện thì rất tệ. Để nền kinh tế tan nát như thế này, là trách nhiệm của ông Phạm Minh Chính chứ không ai khác.

Từ lâu, Đảng Cộng sản chỉ giỏi hô hô khẩu hiệu ồn ào, còn làm kinh tế thì chẳng ra gì. Nền kinh tế Việt Nam đang đi từ bại đến xuội, và công cuộc chuyển đổi xanh đang rất chậm trễ, nếu không muốn nói là thất bại. Vậy mà, ông Võ Văn Thưởng vẫn chém gió tại Hội nghị APEC rằng: “Việt Nam tăng trưởng kinh tế bền vững luôn đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội”.

Nói là quyền của kẻ khoác lác, tin hay không là quyền của người nghe. Muôn đời Đảng Cộng sản vẫn thế, chỉ khoác lác mà chẳng làm được gì cho dân cho nước.

Nâng cao mối quan hệ với Mỹ mà để cho Tập đoàn Intel từ chối đầu tư thêm và chuyển hướng sang Ba Lan, là một thất bại ê chề của Chính phủ. Lẽ ra, ông Võ Văn Thưởng phải lấy điều này làm nỗi nhục, thì ông lại bám vào các khẩu hiệu để tự hào về những giá trị ảo. Với cách lãnh đạo không dám nhìn thẳng vào sự thật, thì mãi mãi, đất nước này không ngóc đầu lên được.

Ý Nhi – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023