Chỉ mới “phóng” được 2%, VFS của ông Vượng đã xìu như “tàu lá rũ”!

Còn nhớ, ngày 28/8, khi kết thúc phiên giao dịch, giá cổ phiếu VFS của VinFast tại sàn Nasdaq cao ở mức không tưởng – 82,35 USD/cổ phiếu. Trong ngày hôm đó, có thời điểm, cổ phiếu VFS vụt lên đến 93 USD/cổ phiếu, làm cho hệ thống báo chí trong nước lên đồng.

Thực ra lúc đó, số cổ phiếu VFS niêm yết chỉ 4,5 triệu, chiếm 0,2% tổng số cổ phiếu phát hành. Vì lượng cổ phiếu bán ra cực ít, nên giá cổ phiếu nhảy múa không lường. Lúc đấy, chỉ cần một cá nhân mua 10.000 cổ phiếu, cũng đã đẩy giá VFS tăng lên. Lợi dụng cơ hội này, ông Vượng cho báo chí trong nước tát nước theo mưa. Cả dàn hợp xướng thi nhau cất cao giọng tung hô VinFast. Trên báo, nhiều bài viết ca tụng về một VFS “Thánh Gióng” tại trời Tây.

Nhưng cuộc vui nào rồi cũng tàn. Các cổ đông sáng lập VinFast rồi cũng phải bán ra công chúng lượng cổ phiếu lớn hơn, để lấy tiền cho VinFast đốt. Khi lượng cổ phiếu tung ra nhiều hơn, thì xu hướng đã đảo chiều.

Vào thời điểm tháng 8, với 0,2% lượng cổ phiếu niêm yết, tương đương với 4,5 triệu cổ phiếu, lượng giao dịch mỗi ngày khoảng từ 10 đến 20 triệu đơn vị. Tuy nhiên, dường như thị trường đã bão hòa ở mức này.

Giờ đây, khi lượng cổ phiếu ra công chúng tăng lên, nhưng lượng giao dịch lại không tăng, chỉ trong khoảng từ 5 đến 7 triệu đơn vị/ngày. Kết quả là, giá VFS từ 82 USD ngày 28/8, rơi thẳng đứng xuống còn 9,8 USD vào ngày 2/10. Mức giá này rất thấp so với mức giá 22 USD/cổ phiếu, khi VFS chào bán trong phiên ra mắt vào ngày 15/8 trên sàn Nasdaq.

Vào đầu phiên giao dịch ngày 2/10 (giờ Mỹ), Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đã công bố bản chào bán hơn 75 triệu cổ phiếu của các cổ đông VinFast ra công chúng có hiệu lực. Ở thời điểm này, cổ phiếu VFS mới chính thức được bán ra công chúng. Đây cũng là lúc mà VinFast chính thức thu được đồng vốn từ thị trường chứng khoán Nasdaq. Và cho tới nay, các cổ đông của VinFast đã chào bán được 46 triệu cổ phiếu, chiếm 2% lượng cổ phiếu phát hành.

Bốn ngày sau khi các cổ đông VinFast tung ra 46 triệu cổ phiếu, thì đến ngày 6/9, giá cổ phiếu VFS chỉ còn 8,03 USD. Đấy là lượng cổ phiếu ra công chúng chỉ mới ở mức 2%, mà giá đã rơi thê thảm rồi. Đến khi bung hết 75 triệu cổ phiếu đợt đầu, thì rất có thể, giá VFS còn xuống thấp hơn nữa. Vậy khi các cổ đông tung cổ phiếu phổ thông, lên đến con số hàng trăm triệu cổ phiếu, thì không biết, giá của VFS sẽ đi về đâu?

Trong ngắn hạn thì giá cổ phiếu lên xuống thất thường. Còn trong dài hạn, giá cổ phiếu sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của công ty. Với tình cảnh làm ăn thua lỗ triền miên của VinFast như hiện nay, thì có thể nói, cổ phiếu VFS là một loại cổ phiếu rất mạo hiểm, khả năng có thể thành cổ phiếu rác.

Khi số lượng cổ phiếu phổ thông được bán ra chỉ mới 2%, mà giá cổ phiếu đã quá thấp, thì rõ ràng, việc huy động vốn từ thị trường chứng khoán sẽ không như kỳ vọng. Với 2,3 tỷ cổ phiếu và với mệnh giá 22 USD/cổ phiếu (tính ra vốn hóa dự định là 50 tỷ USD), thì ông Vượng kỳ vọng gọi được hơn con số 4 tỷ đô la cho nhà máy VinFast tại Mỹ. Tuy nhiên, có vẻ như, để gom được 4 tỷ cho VinFast Mỹ đủ đốt trong thời gian xây dựng nhà máy, hiện nay đã là một kỳ vọng mong manh.

Có vẻ như, ông Vượng cũng đã tính tới khả năng gọi vốn tại thị trường Nasdaq không đủ, nên trước đó, ông mới hứa tặng cho VinFast 1 tỷ đô la và Vinhomes hỗ trợ VinFast 2,5 tỷ đô la Mỹ. Cho đến nay, ông Vượng đã chuyển được 7.000 tỷ đồng, tương đương 29 triệu USD cho VinFast.

Nhưng con số này cũng chỉ như “muối bỏ biển”, nếu so với tốc độ đốt tiền của hãng xe này. Ngoài ra, việc phát hành 10.000 tỷ trái phiếu cho VinFast cũng thất bại ê chề, ông Vượng chỉ gom được gần 700 tỷ đồng mà thôi. Điều này cho thấy, nhà đầu tư nội cũng không còn tin tưởng VinFast, chứ đừng nói đến nhà đầu tư ngoại.

Mới “phóng” 2% cổ phiếu VFS ra thị trường, mà giá cổ phiếu của hãng xe này đã xìu “như tàu lá rũ”, thì xem ra, nếu “phóng” tiếp, thì giá cổ phiếu này có thể “teo” về 0.

Ý Nhi – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023