Tranh cướp đồ cúng cô hồn và trách nhiệm của Nhà nước của dân, do dân và vì dân

Ngày rằm tháng Bảy vừa qua, một sự kiện hy hữu đã xảy ra ở quận 6, Sài Gòn. Đó là việc hàng trăm người tập trung trước cổng Thẩm mỹ viện JT Angel, để chờ đợi nhận gạo, tiền, từ thiện.

Một đoạn video dài 3 phút lan truyền trên mạng xã hội Facebook ngày 1/9, cho thấy cảnh hàng trăm người chen lấn, giành giật hàng phát chẩn. Thậm chí, nhiều người tràn ra đường, xô đẩy nhau, xô cả rào chắn inox trong sự bất lực của lực lượng công an và nhân viên bảo vệ.

Theo VNExpress cho hay, trước đó, Thẩm mỹ viện JT Angel thông báo sẽ tổ chức phát quà từ thiện gồm 2.5 tấn gạo và 500 phong bì có trị giá 300,000 đồng. Nhưng do “không lường hết được người dân đến nhận phần quà quá đông”. Vì số phần quà ít hơn số người có mặt, nên đã xảy ra hỗn loạn.

Sau khi sự việc xảy ra, trên trang Facebook của Thẩm mỹ viện JT Angel, đã đăng thông báo, bày tỏ lời xin lỗi người dân đã đến mà không được nhận quà. Thẩm mỹ viện JT Angel cho biết, “Chính quyền địa phương yêu cầu dừng lại, không được phát phong bì, vì sẽ xảy ra lộn xộn, nên chúng tôi buộc phải chấp hành, không còn cách nào khác”.

Được biết, trong lúc chen lấn hỗn loạn, đã có một số người bị ngất xỉu, và có một số người quá khích, cầm dao đe dọa nhân viên của Thẩm mỹ viện, đã khiến buổi phát tiền phải dừng lại.

Cùng ngày, báo Tuổi Trẻ cũng ghi nhận, có một số vụ việc tương tự ở các địa điểm phát chẩn của thành phố. Như vụ giật đồ cúng cô hồn ở phường 16, quận 11, dẫn đến việc một nhóm thanh niên mang theo mã tấu, chém bị thương ba người.

Sự việc xảy ra vào trưa 31/8, tại tiệm bán sơn nước trên đường Nguyễn Thị Nhỏ, phường 16, quận 11. Khi chủ cửa hàng cúng xong, con heo quay còn chưa tàn hương, thì xuất hiện một nhóm thanh niên khoảng hơn chục người chuyên đi “giật đồ cúng cô hồn”, đi trên nhiều xe gắn máy, khi đi ngang qua thấy cúng, nên dừng lại chờ để giật thịt heo.

Khi chủ cửa hàng chia cho nhóm này một cái đầu heo, lúc đó, đã có chuyện lời qua tiếng lại, dẫn đến mâu thuẫn với một người chạy xe ba gác ở khu vực. Tức giận, nhóm thanh niên này lên xe rời đi, và 15 phút sau, quay lại với hung khí, lao vào chém tài xế xe ba gác. Hai khách ngồi cùng tài xế cũng bị chém thành thương.

Đây là một vấn đề xã hội mà chính quyền các cấp cần phải quan tâm, để có biện pháp giải quyết. Đừng để chỉ vì vài ký gạo và vài trăm ngàn từ thiện, mà khiến người dân sẵn sàng chen lấn, xô đổ cổng rào chắn, kể cả sự có mặt của lực lượng công an, dân phòng. Để giành được quà, người dân bất chấp tất cả, không chịu xếp hàng.

Mấy năm trước, ở Nhật bị sóng thần đã làm tan hoang các thành phố, làng mạc. Song, ở các điểm phát chẩn, người dân Nhật Bản vẫn kiên nhẫn xếp hàng có thứ tự, hoàn toàn không có hiện tượng tranh cướp như ở Việt Nam. Có lẽ, gốc của vấn đề là sự nghèo đói và việc giáo dục đạo đức cho dân chúng ở Việt Nam đã không được quan tâm đúng mức, đã khiến sự liêm sỉ của con người đã bị vật chất lấn át.

Đừng nói người dân bình thường, mà kể cả những cựu chiến binh từng hy sinh xương máu cho chế độ cũng như vậy.

Theo báo Dân trí ngày 8/2, trong bài viết với tiêu đề “Nỗi thống khổ của người bệnh binh giữa Thủ đô “thèm” bữa cơm có thịt”, bài báo cho biết, cựu chiến binh Hoàng Công Đức ở số 8, ngách 87, đường Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, nói, “Bao năm chinh chiến, tôi không sợ đói khổ, chỉ thương bà ấy và thằng con bệnh tật. Giá mà có chút tiền để bữa cơm của 2 mẹ con có tí thịt, thì đỡ xót lòng”.

Một đất nước với những vấn đề xã hội nhỏ như thế mà không được giải quyết, vậy mà, những năm gần đây, hội nghị nào người ta cũng thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố theo lối khoe khoang,“Đất nước chúng ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Trong khi còn nhiều triệu đồng bào ở Việt Nam vẫn còn vật lộn với cơm áo, gạo tiền, họ chỉ dám mơ một “bữa cơm của vợ con có tí thịt”, thì thử hỏi Tổng Bí thư Trọng, ông và các đồng chí của ông đang chiến đấu vì cái gì, đã làm gì cho dân cho nước hay chưa, hay chỉ biết bốc phét để mị dân, “Đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày nay”“chính quyền ở Việt nam là “của dân, do dân, vì dân…” bằng những lời sáo rỗng./.

Trà My – Thoibao.de