Có “bùa thiêng”, đại gia điếu cày không cần sai khiến thì Chính quyền cũng nguyện “làm tôi”!

Giới lãnh đạo cùng với doanh nghiệp làm sai thì cơ hội làm giàu mới lớn. Vụ rừng Sóc Sơn là một ví dụ sống động nhất trong việc lãnh đạo làm sai, sai có hệ thống, sai từ nhiều đời lãnh đạo nối tiếp nhau. Và giờ cái sai đó không thể sửa được nữa, bởi nếu sửa, thì phải móc ra hàng đống lãnh đạo đưa vào tù, phải ủi sạch hàng ngàn căn nhà được cấp giấy phép xây dựng trên đất rừng. Vậy nên giờ đây, lãnh đạo đời sau hợp thức hóa cái sai lãnh đạo tiền nhiệm để tránh rắc rối, và có khi trong rắc rối đó có dính luôn lãnh đạo đương nhiệm.

Lại thêm một cơ quan nữa sợ bùa Lê Thanh Thản

Chuyện quy hoạch khiến thành phố Hà Nội bị băm nát cũng là một ví dụ rõ nét về việc lãnh đạo làm sai, giờ phải hợp thức hóa để cái sai thành đúng. Thời ông Nguyễn Thế Thảo làm Chủ tịch Hà Nội, ông này đã thả cho hàng loạt công trình ngang nhiên vi phạm quy hoạch. Giờ muốn sửa thì phải phá bỏ những công trình sai phạm, đồng thời lôi cổ ông Nguyễn Thế Thảo ra trước vành móng ngựa. Tuy nhiên, việc chống tham nhũng của ông Tổng Bí thư cho đến nay vẫn là chống tham nhũng có vùng cấm (mặc dù ông luôn miệng bảo là “không có vùng cấm”). Nguyễn Thế Thảo đang là một vùng cấm.

Các tạo vùng cấm của ông Tổng Bí thư cũng rất đa dạng, có thể, ông chỉ đạo miệng rằng, vụ án này hay vụ án kia chỉ khui đến thế là dừng, và cũng có khi ông lại ban cho người vi phạm một lá bùa thiêng nào đấy. Chẳng hạn như ông Lê Thanh Thản, ông chủ của Tập đoàn Mường Thanh, đã sở hữu 4 câu thơ mà ông Tổng Bí thư viết tặng. Tuy ông Tổng không bảo đó là “kim bài miễn tử”, nhưng qua cách hành xử của chính quyền, thì thấy, đấy đích thị là “kim bài miễn tử”.

Với những tội danh thuộc loại “gây hậu quả nghiêm trọng”, hiếm có ai được đặc ân, dù bị khởi tố nhưng không bị bắt giam như ông Lê Thanh Thản.

Sai phạm của ông Lê Thanh Thản là quá rõ ràng, tuy nhiên, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vào năm 2019, nhưng không dám bắt giam. Đến đầu năm 2023, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội cũng khởi tố lần nữa nhưng vẫn không dám bắt. Rồi mới đây, ngày 10/8, khi ông Thản bị triệu tập ra tòa, thì tòa giải tán. Tòa lấy lý do “trả hồ sơ về điều tra tiếp”. Đây là hành động đùn đẩy nhau giữa 3 cơ quan tố tụng, anh nào cũng né không dám động vào “bùa thiêng”.

Mới đây, báo chí nhà nước cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa gỡ bỏ tên Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên của đại gia Thanh Thản, ra khỏi danh mục công khai vi phạm. Lý do mà Bộ này đưa ra là, do doanh nghiệp này đã nộp đủ số tiền bổ sung vì điều chỉnh quy hoạch tại dự án Khu đô thị mới Xa La.

Nói cho dễ hiểu, thì doanh nghiệp của Lê Thanh Thản sai phạm, nhưng Bộ Tài nguyên Môi trường không dám xử lý đến nơi đến chốn, nên điều chỉnh quy hoạch để hợp thức hóa sai phạm của ông Thản. Làm như thế có nhiều cái lợi, cái lợi thứ nhất là Bộ này không động vào “bùa thiêng”, bởi một khi động đến lá bùa này thì sẽ không biết hậu quả thế nào. Và cái lợi thứ nhì là để những quan chức trước đây và hiện nay không bị lôi đầu ra.

Qua cách hành xử của chính quyền, từ thành phố Hà Nội đến cơ quan cấp bộ trong Chính phủ, thì đủ thấy, họ dường như được lập ra là để làm tôi cho lá bùa của ông Thản vậy. Sai thì rõ mười mươi mà 3 cơ quan tố tụng của thành phố Hà Nội cứ đùn đẩy cho nhau, chẳng ai dám chạm vào ông Thản. Giờ đây, đến Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thế, cũng điều chỉnh để hợp thức hóa cái sai của chính quyền và cũng để né tránh việc động chạm đến “lá bùa thiêng”.

Bao nhiêu cơ quan chức năng, từ Trung ương đến địa phương mà cứ né tránh một ông già có bùa. Vậy thì nhà nước này là nhà nước “pháp quyền” thế nào đây?

Thu Phương (Tổng hợp)

 

Kasse animation 7.8.2023