Đảo chiều chính sách ở Việt Nam dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế

Link Video: https://youtu.be/jLeYVTpUX8w

Ngày 14/3, Đài RFA đăng tải bài bình luận của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam. Bài viết có tựa đề, “Tập đoàn bất động sản FLC sụp đổ cảnh báo về hệ lụy từ “đảo chiều”chính sách”.

Theo Tiến sĩ Thọ, việc theo đuổi tăng trưởng nhanh thường làm cho nền kinh tế nóng lên, trong đó, lĩnh vực bất động sản (BĐS) là dư địa lớn. Là một trụ cột của nền kinh tế sau chu kỳ tăng nóng, lĩnh vực BĐS cần thiết phải có một cú “hạ cánh mềm” bởi sự điều hành chính sách, để tránh suy thoái. Tuy nhiên, sự đảo chiều chính sách đột ngột, trong đó có việc bắt giam một loạt các đại gia bất động sản, khiến nền kinh tế đang hứng chịu những hệ luỵ khó lường. Tập đoàn FLC đang sụp đổ là một điển hình được Tiến sĩ đề cập trong bài viết.

Tiến Sỹ Thọ nhắc lại sự kiện ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt vào ngày 29/3/2022 và nhận xét, bắt giữ một ‘đại gia’ có thể dẫn đến sụp đổ một tập đoàn. Và quả thực, đã một năm trôi qua, nhiều “xáo trộn” đã diễn ra khiến nguy cơ FLC sụp đổ hiện hữu.

Tác giả dẫn việc cổ phiếu của một số công ty con của Tập đoàn FLC gần đây đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và sàn HOSE đưa vào diện đình chỉ giao dịch vì quá hạn nộp báo cáo tài chính năm 2022. Như vậy, “họ FLC” gồm FLC, AMD, KLF, ART, HAI, ROS và GAB đến nay đã không còn mã nào được giao dịch trên thị trường niêm yết.

Tác giả cho biết tình hình kinh doanh của Tập đoàn này đang rất khó khăn. Tập đoàn này đang khủng hoảng nhân sự lãnh đạo và phải bán tài sản, bán cổ phần, kể cả cổ phần tại Hãng hàng không Bamboo Airways; chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần các dự án họ đang đầu tư để trả nợ trái phiếu, nợ vốn vay… Ngoài ra, nhiều đối tác và địa phương đã và đang “quay lưng lại” với Tập đoàn này.

Khi ông Nguyễn Xuân Phúc lên làm Thủ tướng, ông đã chủ trương một “Chính phủ kiến tạo”, với phương châm điều hành khuyến khích thay vì mệnh lệnh hành chính, đặt trọng tâm vào các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, tác giả nhận xét, Tập đoàn FLC đã có quá trình tăng trưởng “thần tốc” nhưng cũng “dính đến” pháp lý, tuy nhiên cũng đã nhiều lần lọt thoát do chính quyền “nhượng bộ” để đạt mục tiêu tăng trưởng.

Hình: Bài trên RFA

Tác giả lấy dẫn chứng về việc FLC từng bị Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra một số sai phạm vào năm 2016. Trong đó có việc quy hoạch xây dựng và thực hiện dự án khi chưa có giấy phép, tại hai địa phương đối với hai dự án du lịch nghỉ dưỡng tại Tp. Sầm Sơn, Thanh Hóa và Quy Nhơn, Bình Định. Tuy nhiên, lúc đó, lãnh đạo của hai tỉnh trên đã phản hồi về kết quả thanh tra, cho rằng những vi phạm được nêu tại văn bản thanh tra đều không nghiêm trọng, không gây thiệt hại và đều đã được khắc phục, điều chỉnh. Chính quyền địa phương cho rằng, đối với những tỉnh nghèo, khó khăn, thì việc thu hút nguồn vốn từ tư nhân vào phát triển kinh tế là đặc biệt quan trọng và cần tạo điều kiện thông thoáng và môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Đó “chính là mục tiêu của Chính phủ kiến tạo, phục vụ”.

Tác giả cho rằng, các nhà điều hành chính sách kinh tế cả ở Trung ương và địa phương đã không lường được điều gì sẽ xảy ra khi cải cách kinh tế không được đồng hành cùng cải cách chính trị. Sự đảo chiều chính sách đã diễn ra sau Đại hội 13 vào năm 2021, bởi quyền lực thắng thế nghiêng về phe Đảng. Sang đầu năm một loạt các đại gia của các tập đoàn lớn như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, FLC đã bị bắt giam, trong đó, hành vi thao túng thị trường chứng khoán và trái phiếu BĐS bị cho là phạm tội chỉ là khởi đầu.

Những cảnh báo rằng, “ông Chủ tịch Tập đoàn bị bắt nhưng đừng ‘bắt’ FLC  sụp đổ” đã tỏ ra “yếu ớt”,  bởi vì, tác giả phân tích, động thái “mạnh” như trên không chỉ mang tính răn đe, mà hơn thế, nó phản ánh bản chất chuyên chế của chế độ trước sự thách thức của “tư bản”. Thực tế cho thấy, sau những vụ bắt bớ, “khủng hoảng” ở lĩnh vực BĐS đã không những không ngăn chặn được mà ngược lại, còn thêm trầm trọng. Nền kinh tế như một cơ thể sống với những quan hệ mật thiết đang chịu tác động nặng nề do sự sụp đổ mang tính domino. Hiệu ứng sụp đổ đang lan sang tài chính, ngân hàng, việc làm, thu nhập của hàng trăm ngàn lao động bị cắt giảm… Người ta không chỉ “bi quan” về BĐS, mà còn lo lắng về sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế.

Cuối cùng, tác giả kết luận, những biện pháp hình sự hoá kinh tế từng bị coi là “ấu trĩ”, chỉ áp dụng trong thời kỳ bao cấp, nhưng dường như đang “hồi sinh” trong bối cảnh tái thiết lập chế độ toàn trị. Hơn cả “hạ cánh cứng” bởi các chính sách kinh tế, sự đảo chiều chính sách đột ngột mang tính chính trị, sự can thiệp hành chính vào các quan hệ kinh tế, trấn áp tư bản “bành trướng vô trật tự” khiến giới doanh nhân hoang mang, ‘đình trệ kinh doanh lấy đâu ra tăng trưởng!?’… Và, giai đoạn trì trệ của nền kinh tế là hệ luỵ nhãn tiền.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)


>>> Tổng Trọng vẽ bùa, Thủ Chính bước mãi không qua

>>> Giáo dục “nổ”, khi nào “búa bổ” vào ghế Nguyễn Kim Sơn, Phùng Xuân Nhạ?

>>> Chiến dịch “tằm ăn dâu” của Tổng Trọng, đủ thâm, đủ hiểm để đe dọa Thủ Chính?

Nhiều tổ chức người Việt ở khắp thế giới kêu gọi Việt Nam kiện Trung Quốc


Kasse animation 7.8.2023