Lở đất kinh hoàng: 13 người mất tích cùng Thiếu tướng Phó tư lệnh

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=R3Oe7BmniVc

13 cán bộ, chiến sĩ trong số 21 người trong đoàn đi cứu hộ, cứu nạn Thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên Huế) hiện đã mất liên lạc sau một vụ sạt lở đất lúc 00h đêm rạng sáng ngày 13-10, vùi lấp trạm kiểm lâm và 2 lều dã chiến, trong đó có thiếu tướng Nguyễn Văn Man, phó tư lệnh Quân khu 4.

Tám (08) người trong số đó đã liên lạc được vào sáng hôm sau.

Chiều 13/10, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên – Huế cho biết 40 công nhân thủy điện Rào Trăng 3, trong đó có 3 chuyên gia Ấn Độ, đã “băng rừng thoát nạn về nhà máy thủy điện Rào Trăng 4” trong cùng xã Phong Xuân.

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ , Phó chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho biết thông tin trên, chiều 13/10.

Đoàn công tác có 21 người do Phó tư lệnh Quân khu 4, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man cùng ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, dẫn đầu. Đại tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng có mặt trong đoàn này.

Đoàn xuất phát lúc 14 giờ ngày 12/10 từ Huyện ủy huyện Phong Điền đi thủy điện Rào Trăng 3. Đến 16 giờ, đoàn đến ngầm tràn sâu trên đường 71, ô tô không thể đi qua được. Vì vậy, đoàn để lại ô tô, đi bộ vào Thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 13 km.

Đến 21 giờ cùng ngày, Đoàn đến tiểu khu 67, trạm Kiểm lâm Sông Bồ (đóng trên đường di chuyển) nghỉ ngơi để sáng sớm tiếp tục lên đường.

Theo thông tin báo về tỉnh lúc 22 giờ ngày 12/10, Đoàn dừng nghỉ tại nhà Kiểm lâm.

Ảnh 1: Hiện trường vụ sạt lở đất khiến 13 người mất tích. Bên trái là trạm Kiểm lâm 67 Sông Bồ nơi đoàn nghỉ đêm và bên phải là hình ảnh của khu vực trạm kiểm lâm sau vụ sạt lở đất từ cái đồi đối diện với trạm

Lúc 0 giờ sáng ngày 13/10 xuất hiện tiếng nổ lớn, núi, đất đá bị sụt đổ trùm lên nhà Kiểm lâm nơi Đoàn đang nghỉ, đồng thời chôn vùi hai lều dã chiến.

Sau đó, 8 người đã thoát được ra ngoài hiện đã liên lạc được, 13 người còn lại đã mất tích, trong đó có 11 cán bộ Quân đội và hai cán bộ địa phương.

Trước đó, vào lúc 13 giờ ngày 12/10, nhận được tin báo từ người dân có công nhân đang thi công Thủy điện Rào Trăng 3 ở huyện Phong Điền bị đất đá sạt lở (do mưa lũ) vùi lấp, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 trực tiếp chỉ huy các lực lượng tiếp cận tìm kiếm.

Tuổi Trẻ Online đã liên lạc được với ông Nguyễn Thanh Bình, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, người tham gia nhóm cứu hộ, cứu nạn đã trở về an toàn sau sự cố giữa đêm.

Ông Bình cho biết ông và một số thành viên trong nhóm đã về an toàn lúc 5h sáng nay, vẫn còn một số thành viên mắc kẹt lại.

Trao đổi Tuổi Trẻ Online, lúc 14h40 ngày 13-10, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ , Phó chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết khi ấy vẫn chưa tiếp cận được hiện trường nơi 13 cán bộ, chiến sĩ gặp nạn trên đường vào thủy điện Rào Trăng 3.

Hiện các lực lượng chưa tiếp cận được vị trí đoàn gặp nạn vì toàn bộ đường đồi núi nên sạt lở đất gây chia cắt đường. Hiện tại đi rất nguy hiểm có thể sạt lở bất cứ chỗ nào nên công tác tiếp cận gặp nhiều khó khăn. Đối với phương án dùng trực thăng để tiếp cận, hiện đang tính toán điều kiện thời tiết và các điều kiện khác như địa hình, cây cối nên cần thời thị sát thì mới cho phép bay vào” – ông Tỵ thông tin thêm.

Trong khi đó, có 3 công nhân đang xây dựng thủy điện Rào Trăng 3 được đại diện Công ty cổ phần thủy điện Rào Trăng 3 xác nhận là đã thiệt mạng và đang được đưa ra ngoài bằng đường bộ.

Chiều nay (13/10), trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3 thông tin, tổng số người chết, mất tích hiện tại là 30 người gồm 17 công nhân (3 người chết, 14 người mất tích) và 13 cán bộ, chiến sĩ đoàn cứu hộ (mất tích).

Ảnh 2: bản đồ vị trí trạm Kiểm lâm 67 so với Thủy điện Rào Trăng 4 và Thủy Điện Rào Trăng 3. Trạm 67 nơi xảy ra vụ sạt lở, cách TP Huế khoảng hơn 60km về phía tây. Đồ họa của báo Tuổi trẻ

Hiện xác định có 40 công nhân Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 đã di chuyển bằng đường rừng qua Nhà máy thủy điện Rào Trăng 4 trú ẩn an toàn. Lượng lương thực ở Nhà máy thủy điện Rào Trăng 4 chỉ còn đủ dùng cho 1 ngày.

Khu vực 2 thủy điện này đều đang bị sạt lở nghiêm trọng, muốn tiếp cận phải đi bằng đường thủy nhưng nước đang chảy xiết do lũ.

Báo Tuổi Trẻ cho biết Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế tối 13/10 nói lực lượng cứu hộ đã dùng 2 canô ngược dòng hồ thủy điện Hương Điền lên thủy điện Rào Trăng 4 để tiếp thức ăn, thức uống, thuốc men… cho nhóm công nhân bị mắc kẹt tại đây và Lực lượng cũng đã đưa 5 công nhân bị thương trong nhóm này lên canô và chở về tới bệnh viện để cấp cứu.

Ông Nguyễn Văn Phương, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nói lực lượng cứu hộ đã lên phương án trong ngày 13/10 sẽ cố gắng đưa toàn bộ người đang mắc kẹt tại thủy điện Rào Trăng 4 về bằng canô.

Báo Thanh Niên đưa tin hiện cơ quan chức năng đang thành lập Sở Chỉ huy tiền phương để lên phương án cứu hộ, cứu nạn trong đó có sự tham gia của xe máy xúc, xe đặc chủng, cùng máy bay trực thăng.

Thiếu tướng Vũ Văn Kha, Quyền Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, được Vnxpress dẫn lời nói hiện nay việc cứu hộ, cứu nạn ở khu vực thủy điện Rào Trăng 3 là “nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng của Quân chủng“.

Không quân vận tải và không quân trực thăng đã có mặt tại đây và đang thực hiện nhiệm vụ“, Thiếu tướng Kha nói thêm.

Ảnh 3: Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4 (hàng đầu, thứ hai từ phải qua), cùng trong số 13 người mất tích sau vụ sạt lở đất giữa đêm 13-10

Truyền thông trong nước đưa tin do trời mưa lớn nên tuyến đường khoảng 20 km vào thủy điện Rào Trăng 3 có hơn 10 điểm sạt lở lớn với 4 con suối nước chảy siết.

Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế đã hoàn tất 90% hạng mục xây dựng.

Nhà máy có công suất lắp máy 11 MW, với tổng nguồn vốn đầu tư 290,8 tỉ đồng và diện tích đất dự kiến sử dụng là 11,1 ha.

Bộ đội công binh đang dùng mọi phương tiện để mở đường vào khu vực Nhà máy thủy điện, hiện các lực lượng còn cách hiện trường vụ sạt lở khoảng 2km.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế hiện vừa quyết định hoãn tổ chức Đại hội Đảng bộ để tập trung ứng phó thiên tai.

Năm 2017, mạng báo Zing từng đưa tin cảnh báo về việc 4 thủy điện trong đó có Rào Trăng 3 và 4 đang xây dựng trong khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế  khiến 200 ha rừng đặc dụng bị mất, ảnh hưởng đến bảo tồn, đa dạng sinh học.

Tính đến ngày 12-10, mưa lũ đã làm 23 người chết, 18 người mất tích

Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết, thống kê đến 17 giờ 30 ngày 12.10, mưa lũ trong những ngày vừa qua tại các tỉnh miền Trung và Tây nguyên đã làm 23 người chết (Quảng Bình 2 người, Quảng Trị 8 người, Thừa Thiên-Huế 3 người, Đà Nẵng 1 người, Quảng Nam 4 người, Quảng Ngãi 3 người, Gia Lai 1 người, Đắk Lắk 1 người).

Ảnh 4: khu vực gần thủy điện Rào Trăng 3 là địa hình đồi dốc rất nguy hiểm

Ngoài ra, mưa lũ cũng khiến 18 người đang mất tích (Quảng Trị 6 người, Thừa Thiên-Huế 3 người, Đà Nẵng 3 người, Quảng Nam 2 người, Quảng Ngãi 3 người, Gia Lai 1 người).

Miền Trung có khả năng ngập lụt tiếp với đợt mưa lớn

Hiện mưa ở các tỉnh Trung Trung Bộ đã giảm, lũ xuống chậm. Tuy nhiên, từ ngày 16 đến 20-10, dự báo mưa lớn sẽ quay trở lại và gây ngập lụt kéo dài tại các tỉnh miền Trung.

Ông Vũ Đức Long, phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết như vậy tại buổi thông tin về cơn bão số 7 và mưa lũ ở miền Trung, diễn ra chiều 13-10.

Theo ông Long, các tỉnh Trung Trung Bộ không chịu ảnh hưởng của bão số 7, nên từ hôm nay mưa đã giảm dần. Lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam đang xuống chậm.

Tuy nhiên, ở một số điểm như hạ lưu sông Kiến Giang (Quảng Bình), sông Thạch Hãn, Ô Lâu (Quảng Trị) lũ vẫn cao, trên báo động 3. Dự báo lũ trên các sông đêm nay tiếp tục xuống nhưng tình trạng ngập lụt vẫn còn kéo dài tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), khu vực giáp ranh giữa Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, do khu vực này trũng thấp.

Còn sông Hương ở Thừa Thiên Huế hiện vẫn ngập khá sâu, mực nước trên báo động 3. Người dân cũng cần lưu ý, không loại trừ khả năng các hồ thủy điện, hồ chứa ở Thừa Thiên Huế tăng xả xuống nên ngập lụt.

Ông Long cho biết, khoảng ngày 15-10, sau khi bão số 7 suy yếu, một áp thấp nhiệt đới di chuyển từ ngoài khơi Philippines vào Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão sẽ gây mưa lớn ở Trung và Nam Trung Bộ.

Cơn bão này cùng tương tác của không khí lạnh sẽ gây mưa lớn kéo dài ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi từ ngày 16 đến 20-10.

Ảnh 5: người chồng gào thét trong bất lực giữa biển nước dữ, sau khi cùng vợ chuẩn bị sinh con nhưng ghe lật chìm mất vợ. Sáng ngày 12/10/2020 tại xã Phong An (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), anh Nguyễn Văn Minh đưa vợ đi sinh. Khi còn cách đường quốc lộ 100m, đoạn đường giao thông đã ngập sâu, anh Minh nhờ một người dân đang thả lưới đưa giúp vợ đi qua điểm ngập bằng ghe. Khi còn cách bờ 20m thì không may ghe bị lật ghe, người chèo ghe đã nhảy xuống cứu vợ nhưng không kịp.

Trọng tâm mưa từ ngày 17 đến 20-10, các tỉnh Trung Trung Bộ tiếp tục đối mặt với ngập lụt trở lại” – ông Long cảnh báo.

Dự kiến 13h ngày 14-10, bão số 7 ngay trên vùng biển các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với gió giật cấp 11. Trong khi đó áp thấp nhiệt đới mới có thể mạnh thành bão số 8 hướng vào miền Trung.

Thông tin này được ông Hoàng Phúc Lâm, phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết tại buổi thông tin báo chí về cơn bão số 7 diễn ra chiều tối 13-10.

Đặc điểm của bão số 7 là có gió tương đối mạnh và mưa rất lớn sau bão. Hoàn lưu bão tương đối rộng, vùng mây hiện nay bao trùm toàn bộ phía Tây Bắc Biển Đông, đảo Hải Nam và vịnh Bắc Bộ.

Theo ông Lâm, nguy hiểm nhất đối với cơn bão này là mưa lớn ở trên đất liền các tỉnh Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, dự báo mưa lớn diễn ra từ ngày 14 đến 16-10, lượng mưa dự báo phổ biến 200 – 350mm cả đợt, có nơi trên 400mm. Các tỉnh vùng núi ở Bắc Bộ có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất rất cao và ngập úng tại các đô thị.

Ngoài ra, lũ sẽ lên nhanh trong ngày 14 và 15-10, hoàn lưu sau bão sẽ gây mưa lớn tại khu vực thượng Lào cũng có thể khiến lượng nước đổ về gây nên lũ ở Thanh Hóa và Nghệ An.

Cảnh giác với hồ thủy điện xả lũ

Trong ngày 14 và 15-10, do mưa bão số 7, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có một đợt lũ trên sông Thao, sông Mã, sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố. Các sông có khả năng lên báo động 2, có nơi lên báo động 3. Sông Thao, sông Chảy có thể lên trên báo động 2.

Bắt đầu từ 18h chiều 13-10, hồ Hòa Bình đã mở 1 cửa xả đáy đầu tiên..

Ảnh 6: Mưa lớn cộng thêm việc các hồ Tả Trạch và Hương Điền xả lũ khiến nhiều điểm ở thành phố Huế ngập hơn 1 m. Trong thành phố người dân phải di chuyển bằng thuyền, theo trang mạng Zing.vn

Trung Nam – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Đảng họp – Dân chi tiền

>>> Hội nghị trung ương 13: Ghế “ngon” đã có chủ – Dân chỉ biết đứng nhìn

>>> Những điều chưa biết về Phạm Đoan Trang

Công đoàn quốc doanh “rung động”- Các doanh nghiệp cùng lúc “vùng lên”

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023