Hội đồng thẩm phán tòa tối cao bác kháng nghị, y án tử hình Hồ Duy Hải

Chiều nay, toà giám đốc thẩm đã bác kháng nghị. Nghĩa là, hy vọng về con đường sống cho Hồ Duy Hải vừa le lói đã bị dập tắt.

Tòa bất chấp qui trình điều tra lủng củng, chứng cứ không có hoặc mâu thuẫn, chỉ đem lời nhân chứng mặc dù mâu thuẫn để bẻ cong sự thật với lời phán “đúng người đúng tội” nhằm y án tử hình Hồ Duy Hải. Đây đích thực là phán quyết chính trị chứ không hề có công lý.

Phiên giám đốc thẩm này chính là phiên toà vạch trần thực trạng một nền tư pháp không còn hy vọng. Đó là bình luận của nhà báo Bạch Hoàn trên Facebook cá nhân với trên 200 ngàn người theo dõi.

Tôi vừa xem clip em gái Hồ Duy Hải khản tiếng kêu oan cho anh trai mình chiều nay sau khi toà tuyên án. Tất cả những gì còn lại trong tôi là cảm giác tim mình thắt lại. Mạng người mong manh. Công lý xa vời. Đau cho thân phận con người. Đau cho một xã hội thiếu vắng công lý.

Khi nguyên tắc trọng chứng hơn trọng cung bị gạt bỏ, nguyên tắc suy đoán vô tội bị bước qua, thì bất kỳ người mẹ nào cũng có thể sẽ phải khóc như tiếng khóc của mẹ Hồ Duy Hải hôm nay, bất kỳ cô em gái nào cũng có thể phải kêu gào thảm thiết như em gái Hồ Duy Hải hôm nay.

Tương lai nào cho một đất nước mà ở đó công lý đã mù loà?

Đất nước này, nhìn vào những gì xảy ra hôm nay, thực sự đã tuyệt vọng rồi.

Vụ án Bưu điện Cầu Voi xảy ra vào đầu tháng 1-2008 và Hồ Duy Hải bị bắt giữ. Khi ấy, ông Nguyễn Hoà Bình là phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, phó Thủ trưởng cơ quan điều tra Bộ Công an.

Sau khi bị toà tuyên án tử hình, gia đình Hồ Duy Hải liên tục kêu oan. Năm 2011, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định không kháng nghị bản án. Ông Nguyễn Hoà Bình lúc này là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Năm 2020, khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án, phiên giám đốc thẩm được mở ra để xem xét lại những sai sót trong quá trình điều tra, tố tụng. Lúc này, ông Nguyễn Hoà Bình lại là chánh án Toà án nhân dân tối cao và ngồi ghế chủ toạ toà giám đốc thẩm.

Kết quả là, nguyên tắc suy đoán vô tội bị bỏ qua. Điều tra sai sót, chứng cứ nguỵ tạo nhưng kết quả điều tra vẫn đúng. Hồ Duy Hải lại trở về vạch xuất phát, kể từ khi án tử treo trên đầu.

Nguyễn Hoà Bình thì… tuổi vẫn còn, quyền hành vẫn còn, cơ hội leo cao vẫn còn.

Trong nền tư pháp này, Hồ Duy Hải chỉ như cỏ dại, nhưng cái tên Hồ Duy Hải sẽ bám theo Nguyễn Hoà Bình suốt cả cuộc đời.

Và tất nhiên, nhân dân cũng ghi tên ông vào sổ nợ, để đến một ngày đòi lại cho bằng hết.” Nhà báo Bạch Hoàn bình luận.

Ảnh: Ông Nguyễn Hòa Bình từng là , phó Thủ trưởng cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát viên nhân dân tối cao và nay là Chánh án tòa án nhân dân tối cao

Trước đó, Hội đồng thẩm phán biểu quyết từng nội dung cụ thể.

Chủ tọa phiên giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC, ông Nguyễn Hòa Bình đã lấy biểu quyết từng vấn đề.

1. Vụ án đã có những sai sót về tố tụng như đã nêu. Những sai sót đó có làm thay đổi bản chất vụ án hay không?

Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không thay đổi bản chất vụ án”.

2. Bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm kết án Hồ Duy Hải có đúng người, đúng tội, đúng mức án hay không?

Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Đúng người, đúng tội, đúng mức án”.

3. Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17/5/2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực, Quyết định kháng nghị số 15/QĐ-VKSNDTC-V7 của VKSNDTC có đúng pháp luật hay không?

Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không đúng pháp luật”.

4. Chấp nhận kháng nghị, hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung hay không chấp nhận kháng nghị ?

Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không chấp nhận kháng nghị”.

Một ý kiến đáng chú ý liên quan đến thủ phạm được chia sẻ trên mạng xã hội là câu nói của luật sư Phạm Công Út. Ông Út tiết lộ: “Luật sư đồng nghiệp của tôi nói rằng họ có một video clip chứng minh người khác là thủ phạm. Như vậy, nếu clip đó có thì nó phải nằm trong một camera an ninh nào đó nhưng đã bị thu giữ. Trong clip đó có thể không phải là Hồ Duy Hải. Tôi cũng đã từng la toáng lên rằng phải đưa cái clip đó ra để minh oan cho một mạng người. Tuy nhiên, vị luật sư đồng nghiệp của tôi nói rằng không thể đưa ra được vì nếu đưa ra thì cứu được một người nhưng sẽ chết nhiều người.”

Luật sư, Tiến sỹ Luật Trần Đình Triển đưa ra hàng loạt chi tiết mâu thuẫn và khẳng định Hồ Duy Hải không phải là hung thủ, ông viết: “Tôi đặc biệt quan tâm đến biên bản phiên toà, khi Hội đồng xét xử đặt câu hỏi: “Anh không đến tại bưu điện hôm đó tại sao trong bản tự khai và lời khai tại Cơ quan điều tra mà anh tả rõ từ cái thớt, con dao, con gấu bông, hoa quả ?,….”. Hồ Duy Hải đều im lặng và không dám nói ra sự thật. Lời nói sau cùng của Hồ Duy Hải tại 2 cấp toà đều kêu oan và đề nghị với Tòa: “Xin tòa xem xét lại vụ án này thật kỹ”.

Những lần thăm gặp Hải đều đề nghị gia đình ra Hà Nội kêu oan cho Hải.

Trong đơn trình bày của bà Nguyễn Thị Loan (mẹ ruột của Hải) và bà Nguyễn Thị Rưỡi (dì ruột của Hải) trình bày: Những lời nhận tội của Hải là do bị sắp đặt và Hải bị đánh

đánh nhiều đến nỗi không đi được, phải có người dắt 2 bên tại thời điểm trước khi xét xử phúc thẩm, Hải không dám nói rõ điều này bởi vì đang bị giam tại trại tạm giam công an tỉnh Long An nên nếu nói ra sự thật thì sợ bị hành hạ”.

VỀ DẤU VÂN TAY, DẤU DÉP VÀ DẤU VẾT MÁU THU GIỮ TẠI HIỆN TRƯỜNG:

Theo kết luận điều tra, cáo trạng, bản án sơ thẩm và phúc thẩm thì thời gian Hồ Duy Hải đến Bưu điện Cầu Voi lúc 19 giờ 30 phút. Khoảng 20 giờ 30 phút thì Hải giết Hồng và Vân. Trong khoảng gần 1 giờ ngồi nói chuyện với Hồng và Vân; Hồng rót nước mời Hải , Hải đưa tiền cho Vân đi mua hoa quả, Hải nẩy sinh ý định quan hệ tình dục với Hồng dẫn đến xô xát giết Hồng rồi khi Vân đi mua hoa quả về sợ bị bại lộ nên giết cả Vân để che dấu.

Nếu sự thật diễn ra như vậy, thì Hải không có dự mưu, toan tính từ trước để giết Hồng và Vân để cướp tài sản. Đồng thời, quá trình đó Hải sẽ để lại rất nhiều dấu vân tay trên cốc uống nước, trên bàn, ghế, cửa, chậu và cần gạt nước trong nhà vệ sinh; vết giày dép,…

– Khám nghiệm hiện trường thu giữ các vết vân tay trên cửa kính ra vào, cửa nhà vệ sinh, đặc biệt là dấu vân tay trên cần gạt nước mà các kết luận của cơ quan tiến hành tố tụng đều ghi nhận: 2 lần Hải vào rửa dao và rửa tay,…Nhưng kết quả giám định kết luận: tất cả các dấu vân tay thu giữ tại hiện trường KHÔNG PHẢI LÀ DẤU VÂN TAY CỦA HỒ DUY HẢI;

– Dấu dép thu giữ trên mặt ghế không phù hợp với dép mà Hải đi hôm đó;

– Các dấu vết máu thu giữ ở cửa nhà sau và nhà vệ sinh tại hiện trường, hơn 5 tháng sau mới được trưng cầu giám định tại Phân Viện thuộc Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an tại TP. Hồ Chí Minh.

Câu hỏi lớn đặt ra về vấn đề này cần được làm sáng tỏ là: Phải chăng những vết máu này đã được giám định từ trước cho kết quả không phải vết máu của Hồng, Vân và Hải ? (Bản án sơ thẩm đã ghi: ” vết máu thu giữ tại hiện trường khi giám định không phải là của bị cáo” – Như vậy là đã có giám định từ trước, giám định đó hiện ở đâu, không có trong hồ sơ vụ án?).

Điều đó khẳng định là tại hiện trường có vết máu của hung thủ do quá trình xô xát bị thương để lại, không phải là Hồ Duy Hải?

Tại sao không giám định tại Phòng Khoa học hình sự Công an tỉnh Long An và Bệnh viện Đa khoa Long An như các giám định khác trong vụ án? mà để hơn 5 tháng sau mới đưa lên Bộ Công an giám định, do mẫu vật để lâu, không bảo quản tốt nên bị phân hủy không giám định được?

Đây là một trong những chứng cứ vô cùng quan trọng để kết luận vụ án: Kẻ nào là hung thủ giết Hồng và Vân; nhưng đáng tiếc là từ kết luận điều tra, cáo trạng và 2 bản án đều bỏ ra ngoài hoặc phớt lờ, đánh giá qua loa đại khái !?

DẤU HIỆU TẠO DỰNG CHỨNG CỨ “GẮP LỬA BỎ TAY NGƯỜI”:

– Về con dao được cơ quan tiến hành tố tụng xác định là hung khí:

Trong biên bản khám nghiệm hiện trường không có ghi nhận việc phát hiện và thu giữ con dao. Sau khi có kết luận giám định tử thi có vết cắt cổ; bắt đầu mới có kế hoạch tìm kiếm con dao. Được “ manh mối, tạo lập” bởi các nhân chứng là sau khi khám nghiệm xong hiện trường, họ được thuê làm vệ sinh, dọn dẹp lại trụ sở bưu điện, họ phát hiện 1 con dao, có báo cho Công an xã nhưng không thấy nói gì nên họ đốt mất rồi ( Vị trí con dao cũng khai báo không giống nhau); họ tưởng tượng ra hình thù, loại, màu sắc, kích cỡ ( xin nói thêm là những yếu tố này khai báo khác nhau của nhân chứng và của Hải),…của con dao, lấy thêm lời khai nhân chứng; đi mua con dao khác tương tự để làm vật chứng vụ án.

Mặt khác, những người dọn dẹp hiện trường phát hiện một vỏ bao màu vàng đựng dao còn mới tại hiện trường, thì tình tiết này bị dập đi không điều tra.

– Về cái thớt được dùng làm chứng cứ:

Sau khi giám định tử thi, kết luận có những dấu vết khác ngoài việc sử dụng dao; trong biên bản khám nghiệm hiện trường có ghi nhận có 1 cái thớt tròn bằng gỗ tại hiện trường (nhưng không thu giữ vật chứng); từ đó cho nhân chứng đi mua cái thớt gỗ tương tự về để làm vật chứng.

Về cái ghế sử dụng làm vật chứng tại Tòa: Hơn 2 tháng kể từ ngày khám nghiệm hiện trường, Cơ quan điều tra mới tiến hành thu giữ 1 chiếc ghế inox tại Bưu điện. Đến ngày 10/7/2008, tiến hành cho Hải nhận diện. Tại Tòa, Chủ tọa đưa ghế cho Hải xác nhân và Hải xác nhận đúng là hung khí Hải dùng để đập vào đầu Vân.

Ảnh: Toàn cảnh phiên xét xử Giám đốc thẩm

Tuy nhiên, so sánh đặc điểm của 2 chiếc ghế là hoàn toàn khác nhau:

– Chiếc ghế trong biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 14/01/2008 là: khi xếp ghế lại có chiều cao là 0,98m; Tem đảm bảo chất lượng bị rách mất một góc nhỏ ở bên phải phía dưới; mã số HPN2 447052.

– Chiếc ghế trong biên bản tạm giữ đồ vật ngày 25/3/2008 và đưa ra tại Tòa là: Khung ghế chiều cao 67cm khoảng cách từ lưng dựa đến nệm, ngồi 25 cm, từ nệm ngồi xuống đất 45 cm; tem bảo đảm chất lượng Hòa Phát mã số HPM2 44705.

Với những hành vi này, đủ để xem xét trách nhiệm các cá nhân trong các cơ quan tiến hành tố tụng của vụ án này.

HỒ DUY HẢI KHÔNG CÓ MẶT TẠI BƯU ĐIỆN. Đây là chứng cứ chứng minh ngoại phạm vô cùng quan trọng cho Hồ Duy Hải.

Theo kết luận điều tra, cáo trạng và 2 bản án thì: Hồ Duy Hải đến Bưu điện Cầu Voi lúc 19h30 và giết chết Ánh Hồng và Thu Vân vào khoảng 20h30. Nếu theo kết luận này với chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đủ để chứng minh Hồ Duy Hải là ngoại phạm, cụ thể như sau:

Thứ nhất, cơ quan tiến hành tố tụng đã bỏ ngoài các kết luận những chứng cứ vô cùng quan trọng:

– Lời khai của anh Hồ Văn Bình khẳng định: Khoảng 19h ngày 13/1/2008 tôi gửi xe ở Cầu Voi lúc này bưu điện đã mở đèn sáng, tôi nhìn vào phòng khách thấy 1 thanh niên ngồi trên ghế nói chuyện với Hồng, tôi đi qua nhà anh Mẫn độ khoảng 10 phút và khoảng lúc 19h30 tôi đến bưu cục lấy xe vẫn thấy Hồng và thanh niên trên còn ngồi nói chuyện. Điều đáng lưu ý ở đây là có 1 thanh niên đến bưu cục ngồi tại phòng khách nói chuyện với Hồng vào lúc 19h.

– Lời khai của anh Đinh Vũ Thường: Tôi ghé Bưu điện Cầu Voi gọi điện thoại thấy 1 người thanh niên và 1 người nữ ngồi ghế salon. Cuộc điện thoại này (điện thoại buồng của bưu cục) xác định anh Thường gọi vào lúc 19h39 phút. Anh Hồ Văn Bình và anh Đinh Vũ Thường cùng đến bưu cục vào 2 thời điểm khác nhau nên không gặp nhau. Chứng cứ xác thực nhất là cuộc điện thoại do anh Đinh Vũ Thường gọi tại buồng điện thoại của bưu cục vào lúc 19h39 phút. Điều đó khẳng định người thanh niên nói chuyện với Hồng phải là lúc 19h.

Thứ hai, Hồ Duy Hải đến tiệm cầm đồ của bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh để cầm điện thoại. Tại đây Hải gọi điện cho anh Võ Lộc Đang (lúc 19h13 phút 39 giây theo bảng kê điện thoại). Như vậy, Hải có mặt tại tiệm cầm đồ từ khoảng 19h14 phút đến 19h30 phút.

Mà khoảng cách từ tiệm cầm đồ của gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh đến Bưu điện Cầu Voi là 7,5km (đoạn đường khó đi, nhiều nơi không có đèn đường và phải đi qua cầu). Trên đường đi về: Hải qua nhà đổi xe Wave lấy xe Dream, chạy đến quán Bảy Thanh đưa tiền thua cá cược bóng đá cho Võ Lộc Đang, Đang đếm tiền cho vào túi rồi nhờ Hải chở đến quán Hai Thượng; Đang xuống xe còn Hải thì đi đến Bưu điện Câù Voi (đó là nội dung của các kết luận của cơ quan tiến hành tố tụng).

Như vậy, khoảng 19h30 Hải đang có mặt ở tiệm cầm đồ; từ tiệm cầm đồ đến Bưu điện Cầu Voi khoảng cách 7,5 km (đường khó đi) đồng thời còn làm bao nhiêu việc khác: về nhà đổi xe máy, đến quán Bảy Thanh trả tiền cho Đang, chở Đang đến quán Hai Thường rồi mới đi đến Bưu điện Cầu Voi. Tổng thời gian như vậy nếu nhanh thì khoàng 20h Hồ Duy Hải mới có mặt tại Bưu điện Cầu Voi. Trong khi đó lời khai của nhân chứng Hồ Văn Bình và Đinh Vũ Thường là lúc 19h đã có chiếc xe máy để trong sân Bưu điện và có 1 người thanh niên ngồi ở bàn salon nói chuyện với cô Hồng.

Đó là chứng cứ khách quan không chỉ: lời khai nhân chứng mà còn thể hiện chính xác thời gian các cuộc điện thoại, thời gian cầm đồ, thời gian trả tiền cho Đang và độ dài quãng đường,… đủ căn cứ chứng minh người thanh niên có mặt tại Bưu điện Cầu Voi là người khác chứ không phải Hồ Duy Hải.”

Luật sư, Tiến sỹ Luật Trần Đình Triển đưa ra kết luận.

Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)

Vụ án Hồ Duy Hải: Những hành động kỳ lạ của cơ quan điều tra
Kasse animation 7.8.2023