Liệu T. T. Anh còn được an toàn khi cựu CTN T. Đ. Lương qua đời?

Sự kiện nguyên Chủ tịch Nước Trần Đức Lương vừa qua đời, ngay lập tức giới quan sát chính trị đã đặt lại một câu hỏi lớn, đó là: cựu Ủy viên Bộ Chính trị, Trần Tuấn Anh – con trai ông Lương liệu còn được che chắn an toàn hay không?

Khi cách đây chưa lâu, Tổng Bí thư Tô Lâm tuyên bố sẽ “xử lý đến cùng” mọi trường hợp vi phạm, bất người đó là ai trong các lãnh đạo cao cấp trong bộ máy Đảng và Nhà Nước?

Đặc biệt, khi ông Tô Lâm đang đẩy mạnh công cuộc chỉnh đốn Đảng, và được kỳ vọng không ngại động đến những “tượng đài chính trị” từng được xem là bất khả xâm phạm. Như các ông Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ hay Trương Hòa Bình.

Với các sai phạm “nghiêm trọng” của ông Trần Tuấn Anh tại Bộ Công Thương, đã gây thất thoát hơn 1.000 tỷ đồng nhưng không bị xử lý hình sự, ông Trần Tuấn Anh là một trong số ít cựu lãnh đạo cấp cao thoát hiểm đầy “ngoạn mục”.

Tuy nhiên, Bộ Công An đã đưa ra kết luận không truy cứu trách nhiệm hình sự với ông Trần Tuấn Anh với lý do: ông Tuấn Anh do không biết việc mở rộng diện ưu đãi là “trái quy định”, cũng như “không có động cơ vụ lợi”. 

Không thể phủ nhận, vị thế chính trị của ông Trần Tuấn Anh không tách rời ảnh hưởng của cha ông là nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Ông Lương, là một chính khách được đánh giá trung dung, kín kẽ và có quan hệ tốt với các lãnh đạo cấp cao trong trong bộ máy chính trị Việt nam. 

Chính vì vậy, vào đầu năm 2024, ngay cả khi ông Trần Tuấn Anh bị buộc phải rời Bộ Chính trị, khi đó, nguồn tin nội bộ cho rằng ông Tuấn Anh “thoát” không bị xử lý kỷ luật Đảng cũng là nhờ sự che chắn “vô hình” từ Tổng Trọng và tầm ảnh hưởng của gia đình. 

Theo giới thạo tin, ông Trần Tuấn Anh là một tay chân thân tín của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Trần Đức Lương – cha đẻ của ông Trần Tuấn Anh là một “ân nhân” đã giúp đỡ Tổng Trọng rất nhiều trên hoạn lộ.

Tuy nhiên, đến nay, với sự ra đi của cố Chủ tịch Nước Trần Đức Lương, thì dường như các lá chắn “chính trị” ấy đối với ông Trần Tuấn Anh đang dần mất hiệu lực. 

Ngay sau khi nhậm chức Tổng Bí thư, ông Tô Lâm đã liên tục phát đi thông điệp chống tham nhũng không có “vùng cấm”, không có trường hợp “ngoại lệ”. Việc xử lý hàng loạt lãnh đạo cấp cao, đã cho thấy quyết tâm chính trị của ông Tô Lâm.

Thậm chí, trong bản Kết luận Điều tra bổ sung gần nhất, Bộ Công an đã kiến nghị cần xem xét kỷ luật Đảng đối với ông Trần Tuấn Anh. Đây là điều chưa từng xuất hiện trong các kết luận trước đó.

Động thái này được cho là nhằm “mở đường” cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục vào cuộc, để đưa vụ việc các sai phạm “nghiêm trọng” của ông Trần Tuấn Anh ra khỏi phạm vi “miễn trừ chính trị”.

Đáng lưu ý, ông Trần Tuấn Anh từng nắm nhiều vị trí được xem là quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam. Một câu hỏi đặt ra, đó là, liệu Trần Tuấn Anh còn đủ “uy lực” che chắn và bảo vệ từ thế lực chính trị cũ để giữ vững vị thế an toàn cho mình hay không?

Trong khi, Tổng Bí thư  Tô Lâm với xu hướng đang “tính sổ” các sai phạm của các quan chức thuộc hệ thống “chân rết” của ông Nguyễn Phú Trọng, với mục đích nhằm nâng cao tính chính danh và vị thế chính trị của mình. 

Việc cựu ủy viên Bộ Chính trị Trần Tuấn Anh trong vai trò ký văn bản quan trọng với sai phạm trong vụ án thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng, thì rõ ràng không nằm ngoài nguy cơ vừa kể.

Vụ việc liên quan đến ông Trần Tuấn Anh là bài kiểm tra đối với cam kết không có trường hợp “ngoại lệ” của ông Tô Lâm. Do đó, sự ra đi của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương có thể chấm dứt một giai đoạn “che chở” ngầm về mặt chính trị cho con trai ông.

Điều đó sẽ khiến ông Trần Tuấn Anh sẽ trở thành một “đích đến kế tiếp”  nhằm phục hồi uy tín chính trị cho Tổng Bí thư Tô Lâm trong thời gian tới không còn là điều quá xa vời. 

Trà My – Thoibao.de