Hiện nay đã là Tháng 5, chỉ còn 7 tháng nữa là đến Đại Hội 14. Đây chính là mâm ăn chia chính thức cũng là bữa tiệc chia chác lớn nhất cho các phe phái. Thời gian không còn nhiều mà còn quá nhiều việc phải làm.
Đầu tiên là đối ngoại. Vấn đề quan trọng nhất của Tô Lâm hiện nay là kết nối với Tập Cận Bình. Không thể xem thường mối quan hệ này nếu muốn yên ổn chiến đấu với các đồng chí.
Chính ông Nguyễn Phú Trọng kết nối tốt với Tập mà vững vàng trên ngôi báu, mặc dù ban đầu khi thừa hưởng ghế Tổng bí thư từ Nông Đức Mạnh, ông Trọng không đủ quyền lực chính trị để đối đầu với Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng sau đó 5 năm, thế trận đã khác hoàn toàn. Ông Nguyễn Tấn Dũng dù “mạnh vì gạo bạo vì tiền” vẫn không thể thắng được ông Trọng già mua, tiềm lực tài chính yếu hơn.
Tô Lâm khác với Nguyễn Phú Trọng là ông quan tâm đến vấn đề mị dân hơn. Dân Việt vốn “ghét Tàu”, chính vì thế ông Tô Lâm đã bạo gan đến Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên thắp hương và ngay lập tức nhận mưa lời khen. Tuy nhiên, đây là con dao 2 lưỡi, nếu làm không khéo, Tập Cận Bình để bụng thì sẽ khó khăn cho Tô Lâm.
Mới lên Tổng bí thư, chuyến thăm đầu tiên của Tô Lâm là Trung Quốc. Nó như một thủ tục trình diện trước thiên triều. Làm điều này chứng tỏ Tô Lâm không quên “phận bề tôi”. Tuy nhiên, nếu Tập Cận Bình quan sát kỹ sẽ thấy, Tô Lâm có vẻ là con người 2 mặt chứ không tuyệt đối vâng lời như Nguyễn Phú Trọng.
Trước chuyến thăm ông Tập Cận Bình sang Việt Nam hồi Tháng Tư, ông Tô Lâm đã vội vã cho tổ chức Hội nghị Trung ương 11 trước như muốn đặt Tập Cận Bình vào thế đã rồi. Mâm đã chia xong mới mời Tập Cận Bình sang ngắm nghía. Liệu rằng, cách làm việc như thế của Tô Lâm có làm phật lòng Tập Cận Bình hay không?
Thực tế, mối quan hệ của những nhân vật Tứ trụ với Thiên triều sẽ rất có lợi thế trong đối nội. Hầu hết thành phần có quyền hiện nay rất kén chọn “minh chủ”. Phải chọn phe nào có tương lai mới theo. Mối quan hệ của “minh chủ” với Bắc Kinh là ưu tiên hàng đầu. Chính vì thế, nếu được Tập Cận Bình chiếu cố, Tô Lâm cũng thuận lợi trong việc phát triển quyền lực cho Hưng Yên.
Trong cuộc chiến giữa Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng trước đây, dù ông Dũng sở hữu quyền lực đối nội mạnh, có nhiều ghế tốt để ban phát cho đàn em, có nhiều tiền để khiến đàn em tụ về thế nhưng ông Dũng đã thua đau. Có ý kiến cho rằng, khi ấy, rất nhiều thế lực khi nhìn thấy mối quan hệ của ông Trọng với Bắc Triều, họ quay sang ủng hộ ông và cán cân quyền lực thay đổi.
Cho đến lúc này, ông Tập Cận Bình cũng chưa cho thấy ông tín nhiệm Tô Lâm. Đây là một khó khăn không hề nhỏ đối với Tô Lâm. Không biết, với 45 văn kiện bí mật được ký hồi chuyến thăm vào giữa Tháng trước của ông Tập có làm cho ông Tập tín nhiệm ông Tô Lâm hơn không? Thời gian quá ngắn, chưa thể kết luận được.
Tuy thế của Hưng Yên vẫn mạnh nhất nhưng có vẻ như tại Hội nghị Trung ương lần thứ 11 vừa qua phe Hưng Yên đang đứng yên. Còn rất nhiều vị trí cần sắp xếp như vị trí Trần Lưu Quang, vị trí Hoàng Xuân Chiến vẫn không như ý. Đấy là trở ngại không hề nhỏ đối với Tô Lâm. Có khả năng Chính phủ và Bộ Quốc phòng rơi vào tay phe khác.
Đáng ngại nhất cho phe Hưng Yên là Phan Văn Giang. Một tướng Quân đội vào Tứ trụ và có đàn em đang sắp Bộ Quốc phòng, kịch bản không hề dễ chịu đối với Tô Lâm. Có thông tin cho biết, Tô Lâm đang vùng vẫy ngăn cản Phan Văn Giang nhưng vẫn chưa được, phe Phan Văn Giang cứ như “xe tăng” ủi hết mọi chướng ngại vật và tiến lên.
Có lẽ đến Đại hội, Tô Lâm vỡ mộng tham vọng thâu tóm toàn bộ, chấp nhận chia chác quyền lực với phe khác. Chấp nhận để Chính phủ và Bộ Quốc phòng vuột khỏi tay.
Thái Hà -Thoibao.de