Khi Trương Mỹ Lan nhận án tử: Số phận Lê Minh Hưng sẽ ra sao?

Vụ án Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, và bị cáo Trương Mỹ Lan, là vụ lừa đảo lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. Vụ này được đánh giá là một “quả bom tấn”, có thể làm rung rinh chế độ ở Ba Đình.

Đây là một vấn đề được cho là hết sức nhạy cảm, mà Ban lãnh đạo Hà Nội hết sức tránh né, không dám đối diện với sự thật.

Báo Tuổi Trẻ ngày 11/4 đưa tin, “Tòa tuyên tử hình bà Trương Mỹ Lan”. Bản tin cho biết, ngày 11/4, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên tử hình đối với bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Bà trùm Trương Mỹ Lan phải chịu trách nhiệm về số tiền lừa đảo 304 nghìn tỷ đồng,  tương đương với 12,46 tỷ USD. Ngoài ra, Hội đồng Xét xử xác định, bà Trương Mỹ Lan còn phải bồi thường hơn 673.800 tỷ đồng, trong số 1.243 khoản vay.

Việc bà Lan phải nhận bản án tử hình là bất ngờ lớn, trái với đánh giá của truyền thông quốc tế, vốn nghi ngờ về những nỗ lực giải cứu cho bà trùm bất động sản này, từ các quan chức hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Giáo Sư Zachary Abuza đánh giá trong bài viết, “Đảng Cộng sản cũng “dọn nhà” trước Tết”, cho rằng, đây là vụ tham nhũng gây thiệt hại lớn chưa từng thấy. Nếu vụ án này được điều tra hoàn toàn độc lập và làm tới nơi tới chốn, thì chắc chắn, sẽ có nhiều quan chức cấp cao của Đảng đứng trước vành móng ngựa.

Trước đó, đã xuất hiện những đồn đoán rằng, theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Trọng, không tiếp tục điều tra về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước cũng như giới chức Chính phủ, trong vụ án này. Bà Đỗ Thị Nhàn – người đứng đầu Đoàn Thanh tra, là giới chức Chính phủ cao nhất bị truy tố.

Công luận đặt câu hỏi: Trách nhiệm thuộc về ai, và tại sao, tình trạng quản lý lỏng lẻo lại để thất thoát tới hơn một triệu tỷ đồng? Đây là số tiền mà bà Lan đã lừa đảo trong suốt 10 năm. Trong 10 năm đó, tại sao, Ngân hàng SCB chỉ bị thanh tra duy nhất một lần.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp từ Singapore đánh giá, vụ án Vạn Thịnh Phát là một sự bẽ bàng cho chính trường Việt Nam. Theo đó, “việc cho đến nay, chưa có lãnh đạo cấp cao nào chịu kỷ luật về vụ bê bối và điều này là khá là bất thường”.

Vậy tại sao, trách nhiệm của các cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước như ông Nguyễn Văn Bình, ông Lê Minh Hưng, và đương kim Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, không được điều tra để làm rõ?

Theo BBC Việt ngữ, một số nhà quan sát cho rằng, trách nhiệm của ông Lê Minh Hưng – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2016 – 2020, không thể chối bỏ. Lâu nay, ông Lê Minh Hưng được giới quan sát đánh giá là một chính trị gia đầy triển vọng, trước khi vụ việc Vạn Thịnh Phát vỡ lở.

Công luận cho rằng, sau thời gian làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, số tiền tư túi rất nhiều, nên ông Hưng chuyển sang ngạch Đảng, làm Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương Đảng, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực, kể từ năm 2021 đến nay.

Trước Hội nghị Trung ương 8, khóa 13 (tháng 10/2023), báo Tiếng Dân cho hay:

“Tin hành lang cho biết, Lê Đức Thọ phân bua rằng, anh ta làm sao giàu bằng Lê Minh Hưng – cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đương kim Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, một tay hòm chìa khóa của Tổng Bí thư Trọng. Ông Hưng đã được Tổng Bí thư quy hoạch vào Bộ Chính trị khoá 14, sẽ nắm chức Thường trực Ban bí thư, hoặc Bộ trưởng Bộ Công an.”

Vẫn theo BBC, một nhà quan sát chính trị Việt Nam nói rằng, “ông Hưng nên chịu một phần trách nhiệm cho vụ án Vạn Thịnh Phát, nhưng không hiểu vì lý do gì, tới bây giờ, tên ông ấy vẫn không được nhắc đến trong tài liệu vụ án hay trên báo chí”.

Theo giới thạo tin, ông Lê Minh Hưng phải là người chịu trách nhiệm cao nhất. Bởi ông Hưng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vào năm 2016, là thời điểm Ngân hàng SCB đang ăn nên làm ra.

Được biết, ông Lê Minh Hưng là con trai cố Bộ trưởng Bộ Công an Lê Minh Hương (1936 – 2004). Giới thạo tin tiết lộ, bố của ông Lê Minh Hưng mất năm 2004, khi đang là Ủy viên Bộ Chính trị. Ông Lê Minh Hương đột ngột qua đời một cách bất thường, giữa lúc Trung ương đang truy cứu trách nhiệm của ông trong vụ án Năm Cam.

Hơn nữa, cố Bộ trưởng Lê Minh Hương là dân Hương Sơn, Hà Tĩnh, thuộc phe Nghệ Tĩnh. Đó là lý do tại sao, ông Hưng không bị truy cứu trách nhiệm trong vụ án Vạn Thịnh Phát.

Theo một hãng tin quốc tế, một thành viên gia đình bà Trương Mỹ Lan nói rằng, bà Lan sẽ kháng cáo. Trong phiên phúc thẩm tới đây, khi đã đối mặt với bản án tử hình, thì số phận các quan chức cấp cao của Đảng, đặc biệt là ông Lê Minh Hưng, chưa chắc đã được yên.

Theo giới phân tích, khả năng cao, tại tòa phúc thẩm, bị cáo Trương Mỹ Lan sẽ công bố nhiều sự thật về các khoản quà cáp trị giá hàng triệu USD, cho các quan chức. Chúng ta hãy chờ xem.

 

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023