Bên trong làm phản bên ngoài cầu viện, liệu Tô có giật được ngai?

Những ngày qua, chính trường Việt Nam tràn ngập những tin tức, bình luận về việc Tô Lâm làm loạn để chiếm ngôi cao nhất trong Tứ trụ. Tuy nhiên, Tô Lâm không chỉ tập trung vào việc tranh giành bên trong nội bộ, mà còn tìm kiếm hậu thuẫn từ bên ngoài, đấy là “ông bạn vàng” Trung Quốc.

Chính Nguyễn Phú Trọng cũng nhờ lấy lòng Bắc Kinh, nên mới tạo được thanh thế lớn mạnh, rồi lại tiến hành thanh trừng nội bộ để độc chiếm ghế Tổng Bí thư suốt 3 nhiệm kỳ qua.

Con đường đến với quyền lực và cách giữ ngai của ông Trọng khiến dân phản đối, vì xích lại quá gần Bắc Kinh, nhưng đó là công thức tạo thành công của ông. Về đối nội, ông nắm chắc Bộ Công an. Về đối ngoại, ông thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là với Tập Cận Bình. Công thức này đã được những người lăm le ghế Tổng Bí thư copy. Trong đó, Tô Lâm thể hiện rõ nét nhất.

Hiện nay, ông Trọng đã già yếu, dù ông có muốn tiếp tục ôm ghế quyền lực, nhưng sức cùng, lực tận, ông đã không còn đủ khả năng nữa rồi.

Dù Tập Cận Bình có cảm tình đối với Nguyễn Phú Trọng đến mấy, thì ông ta cũng phải chuẩn bị phương án thay thế cho Nguyễn Phú Trọng. Cả phương án ông Trọng sẽ “ra đi” giữa nhiệm kỳ, hay rời ghế cuối nhiệm kỳ. Lâu nay, Trung Quốc vẫn xem Việt Nam là vùng đệm, cả về kinh tế lẫn chính trị. Cho nên, thế lực chính trị nào chịu thuần phục, thì thế lực đó sẽ được Bắc Kinh ủng hộ.

Trước khi ra tay với Võ Văn Thưởng, thì Tô Lâm cũng đã chuẩn bị bước đi đối ngoại cho mình.

Ngày 10/1, ông Tô Lâm đã tiếp ông Trần Tư Nguyên – Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, đến thăm Việt Nam. Về vai vế, Tô Lâm không thể gặp Tập Cận Bình, ông chỉ có thể gặp những người có cấp bậc tương đương trong Bộ Công an Trung Quốc. Thông qua những người này, Tô Lâm gián tiếp bày tỏ sự quy phục của mình đối với Bắc Triều và Tập hoàng đế.

Trong cuộc gặp với ông Trần Tư Nguyên, Tô Lâm vẫn lặp lại những ngôn từ giáo điều Cộng sản, chẳng khác những gì ông Trọng đã lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần trước đây. Vẫn dùng dây thòng lọng “Chủ nghĩa Xã hội” để tự thắt cổ mình, để làm Trung Quốc hài lòng.

Tô Lâm nói:

“Đề nghị hai bên nhất quán sẽ quán triệt và thực hiện nghiêm túc nhận thức chung cấp cao; tăng cường trao đổi về các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan Chủ nghĩa Xã hội, Đảng cầm quyền, cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý; chống tham nhũng; kinh nghiệm giải quyết các mâu thuẫn xã hội, qua đó, bảo vệ tuyệt đối vị trí cầm quyền của Đảng Cộng sản và chế độ Xã hội Chủ nghĩa. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đấu tranh với hoạt động của các tổ chức lợi dụng tôn giáo, dân tộc chống Đảng, Nhà nước, phá hoại đoàn kết quan hệ Việt Nam – Trung Quốc…” .

Ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 11 và 12 tháng 9/2023, ông Tô Lâm đã có chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 12 đến ngày 16/9. Đây được xem là hành động “nắm bắt  thời cơ” của Tô Lâm. Không ai sốt ruột về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đến Việt Nam bằng Tập Cận Bình, bởi Trung Quốc vẫn luôn lưu ý về ngoại giao Việt – Mỹ. Chính vì thế, cứ mỗi lần mời Tổng thống Mỹ sang Việt Nam, thì ông Nguyễn Phú Trọng lại phải cử người sang Bắc Kinh để thanh minh với họ. Lần này, Joe Biden vừa bước chân lên máy bay về nước, thì lập tức, Tô Lâm phải chạy sang Trung Quốc. Sự nhanh nhảu này để làm gì, nếu không phải là vuốt giận Bắc Kinh và mong được chiếu cố cho bản thân?

Việc cầu viện Bắc Kinh cũng đã được Tô Lâm chuẩn bị kỹ và tranh thủ trước các đối thủ khác. Như vậy, chỉ cần Bắc Kinh gật đầu thì Tô Lâm có rất nhiều lợi thế. Được Bắc Kinh ủng hộ còn quan trọng hơn Tổng Bí thư ủng hộ. Tuy nhiên, Tập có ủng hộ Tô Lâm hay không thì vẫn chưa biết rõ.

Phim còn dài, vẫn cần thời gian để theo dõi đến hết.

 

Trần Chương-Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023