Chiếc ghế “nóng” của Chủ tịch nước: “Chuyện tâm linh không thể đùa được đâu”?

Chiếc ghế “nóng” của Chủ tịch nước: “Chuyện tâm linh không thể đùa được đâu”?

Trang web của Hoàng gia Hà Lan ngày 14/3 (ngày có thông tin ông Võ Văn Thưởng viết đơn từ chức), đã ra thông báo, với nội dung như sau:

“Nhà chức trách Việt Nam đã yêu cầu hoãn chuyến thăm cấp nhà nước của Vua và Hoàng hậu Máxima tới nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, vì lý do nội bộ. Chuyến thăm cấp nhà nước dự kiến ​​diễn ra từ ngày 19 đến 22/3 sẽ không được tiến hành.”

Thông tin này được các báo nước ngoài đăng tải lại. Mặc dù, chính quyền Cộng sản Việt Nam đang giữ kín chuyện Võ Văn Thưởng viết đơn từ chức, nhưng thông qua các hành động của họ, việc ông Thưởng từ chức đang dần dần hiện rõ. Chẳng phải, Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu từng nói: “Đừng nghe những gì Cộng sản nói, hãy nhìn những gì Cộng sản làm”.

Như vậy, ông Thưởng không thể đi đến hết nhiệm kỳ Chủ tịch nước. Ở nhiệm kỳ 2021 – 2026, sẽ có 3 đời Chủ  tịch nước. Trong khi đó, 3 trụ còn lại trong bộ tứ quyền lực của Việt Nam thì không hề hấn gì. Theo cách nói đùa của người dân, thì ghế Chủ tịch nước dùng rất “hao” người.

Nếu nhìn qua hiện tượng, có thể thấy, sau cái chết của ông Trần Đại Quang, những người ngồi vào chiếc ghế này đều gặp sóng gió, theo cách này hay cách khác. Ông Nguyễn Phú Trọng thì bị ngã bệnh suýt chết, ông Nguyễn Xuân Phúc thì bay ghế, nay, ông Võ Văn Thưởng có khả năng cũng lại bay ghế.

Nếu nhìn góc độ “tâm linh”, thì có lẽ, không ít người cho rằng, ghế Chủ tịch nước bị “ma ám”, hay bị dính “lời nguyền”.

Tuy nhiên, trên thực tế, có thể lý giải thích mọi sự việc theo logic, chứ không phải theo “tâm linh”.

Trường hợp ông Trọng, có thể, do ông quá chủ quan khi đến tận “sào huyệt” của Ba Dũng – đối thủ chính trị lớn nhất của ông. Thông tin chính thức là ông Trọng bị đột quỵ. Tuy nhiên, nhiều người dân tin rằng, có khả năng ông Trọng bị thuốc, nhưng thoát chết.

Trường hợp ông Phúc, được cho là do ông đã để vợ con tham gia vào Việt Á. Mặc dù chính quyền không đề cập đến sự liên quan của vợ ông, và chính ông cũng phủ nhận, thậm chí còn viện dẫn cả đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.

 

Tuy nhiên, những gì người Cộng sản nói thì rất khó để dân tin, bởi họ vẫn thường xuyên dối trá và che dấu sự thật.

Trường hợp ông Thưởng thì liên quan đến những phi vụ làm ăn mờ ám của Hậu “Pháo”, và được “lại quả” xây nhà thờ tổ. Đây là thông tin nội bộ, không phải là thông tin công khai, chắc chắn, báo chí “nô bộc” của chế độ không dám hé răng về vụ này.

Điểm lại việc “dính họa” của các đời Chủ tịch nước sau Trần Đại Quang, cho thấy, hầu hết đều là nhân họa. Nếu ông Trọng không cố chấp vào hang cọp ở Kiên Giang, thì chưa chắc ông đã dính bệnh, và để lại di chứng cho đến nay. Nếu ông Phúc không để vợ nhúng tay vào vụ Việt Á, thì ông sẽ không dính họa. Nếu ông Thưởng không ham hố xây nhà thờ tổ, thì ông cũng đâu đến nỗi phải bị như ngày hôm nay?

Thực tế, tình hình đấu đá cung đình ngày càng khốc liệt, đặc biệt là các vị trí Tứ trụ. Trong Tứ trụ, hễ trụ nào yếu nhất, thì trụ đó dễ bị tổn thương nhất. Trụ Chủ tịch nước được xác định là trụ yếu nhất, nên dễ bị rụng nhất, cũng là điều dễ hiểu. Nhiệm kỳ 2016 – 2021 có 2 đời Chủ tịch nước; nhiệm kỳ 2021 – 2026 ít nhất sẽ có 3 đời Chủ tịch nước. Như vậy, mức độ khốc liệt trong những trận thư hùng của triều đình Cộng sản đang ngày một tăng về cường độ.

Đấy là những chuyện đang xảy ra xung quanh ghế Chủ tịch nước trong những năm gần đây. Có người thì giải thích theo khía cạnh “tâm linh”, có người phân tích theo góc độ logic. Tùy theo mức độ hiểu biết và trải nghiệm của từng người, thì sẽ chọn tin theo góc độ nào.

Không biết, sau cú ngã ngựa của Võ Văn Thưởng, các quan có chê ghế này không? Hay cứ giành giật trước đã, chuyện hậu quả tính sau?

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023