Sẽ cấm xuất cảnh với người bán hàng online nợ thuế

VN sẽ cấm xuất cảnh với người bán hàng online nợ thuế

Ngày 25/2, RFA Tiếng Việt loan tin “Cục Thuế: sẽ hoãn xuất cảnh với người bán hàng online nợ thuế”.

Theo đó, cơ quan thuế sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế, trong đó có việc xem xét tạm hoãn xuất cảnh với người bán hàng qua thương mại điện tử chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.

RFA cho biết, thông tin trên được thông báo trong cuộc họp của Tổng cục Thuế, diễn ra hôm cuối tuần qua, bàn về các giải pháp chống thất thu thuế từ thương mại điện tử. Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 25/2.

RFA dẫn lời Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành nói trên tờ VnExpress rằng, hiện người bán hàng online cần đóng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân, nếu có doanh thu từ kinh doanh trực tuyến trên 100 triệu đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, cơ quan thuế không dễ quản lý đầy đủ các nguồn thu, xác định đối tượng nộp thuế, căn cứ tính thuế, phân biệt rõ loại thu nhập, kiểm soát giao dịch kinh doanh, dòng tiền. Do đó, theo ông Thành, thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục siết quản lý thu thuế từ thương mại điện tử.

Cụ thể, theo RFA, danh sách những người bán hàng online nợ thuế sẽ bị công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, cơ quan thuế sẽ cưỡng chế, trong đó có biện pháp cấm xuất cảnh với người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ. Biện pháp này, theo ông Thành, lâu nay chưa thực hiện đối với người bán hàng qua thương mại điện tử.

RFA trích Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 126 năm 2020, quy định tạm hoãn xuất cảnh với người nộp thuế đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế. Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp người nộp thuế có quyền quyết định tạm hoãn, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh. Theo Bộ Tài chính, quy định này là cần thiết để tránh các đối tượng nợ thuế bỏ trốn.

Trên thực tế, từ sau dịch Covid-19, có sự chuyển dịch từ chợ truyền thống, siêu thị… sang mua bán trực tuyến. Việc giao dịch mua bán này rất đa dạng, từ các sàn giao dịch điện tử như Shopee, Lazada… đến việc livestream chào hàng trên các mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok…

Theo quy định hiện hành, RFA cũng cho biết, sàn giao dịch thương mại điện tử phải cung cấp thông tin về người bán. Riêng các sàn có chức năng đặt hàng trực tuyến như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo còn phải cung cấp thêm doanh thu của từng người bán.

Tuy nhiên, không rõ, cơ quan thuế làm thế nào để quản lý những người bán hàng trên các mạng xã hội? Hơn nữa, làm thế nào để nắm được doanh thu của những người này?

RFA dẫn thống kê của Cục thuế, theo đó, năm ngoái có 74 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai và nộp thuế. Tổng số thuế đã nộp hơn 8.000 tỷ đồng, trong đó, gần 6.900 tỷ đồng khai, nộp trực tiếp qua cổng Thông tin thương mại điện tử, và 1.200 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ nộp thay.

RFA dẫn tin từ Bộ Công Thương cho biết, dựa vào số liệu của Statista – một nền tảng trực tuyến chuyên cung cấp dữ liệu thị trường và người tiêu dùng, trong năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt khoảng 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tính đến tháng 12/2023.

Nền kinh tế Việt Nam đang ở vào một giai đoạn rất ngặt nghèo, ngành ngành, nhà nhà đều khó khăn. Thông thường, trong những thời điểm như thế này, nhà nước cần phải miễn thuế, giảm thuế, để khoan sức dân, để những người thất nghiệp có thể tìm được hướng làm ăn khác. Mà một trong những hướng dễ tiếp cận hiện nay chính là bán hàng trực tuyến, vì giảm bớt được chi phí mặt bằng, chi phí kho bãi, nhân viên…

Tuy nhiên, vào thời điểm này, nhà nước Cộng sản Việt Nam lại tìm đủ mọi cách để tận thu, thì chỉ đẩy người dân vào bế tắc, đường cùng. Mà người Việt có câu “cùng tất biến”!

 

Xuân Hưng – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023