Ông Trương Tấn Sang thăm nghĩa trang Vị Xuyên vào ngày 17/2

Vì sao nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Vị Xuyên vào ngày 17/2?

Ngày 17/2, RFA Tiếng Việt loan tin “Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tưởng niệm các liệt sĩ chống Trung Quốc ở Vị Xuyên”.

Theo đó, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác đã dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang), tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến chống Trung Quốc ở biên giới phía Bắc.

RFA cho biết, truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 17/2, nhân kỷ niệm 45 năm ngày Trung Quốc xua quân xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam (1979 – 2024)

Theo RFA, Vị Xuyên là một trong những điểm nóng trong cuộc chiến chống Trung Quốc, suốt giai đoạn từ cuộc chiến Biên giới hồi tháng 2/1979, cho đến năm 1989, sau khi quan hệ Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu có những cải thiện.

Trên thực tế, ít người Việt Nam biết rằng, cuộc chiến Biên giới phía Bắc không kết thúc vào ngày 5/3/1979, ngày Trung Quốc tuyên bố rút quân. Bởi sau đó, họ vẫn duy trì 12 sư đoàn và hàng chục trung đoàn độc lập, áp sát biên giới Việt Nam.

Đặc biệt, từ tháng 4/1984 đến tháng 10/1989, Trung Quốc lại mở cuộc tấn công xâm lược lấn chiếm biên giới Việt Nam, tập trung tấn công lấn chiếm một phần đất ở khu vực biên giới huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang và Tuyên Quang).

Theo bản tin trên RFA, cùng tham gia lễ dâng hương với ông Trương Tấn Sang, có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn, cùng các lãnh đạo tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang… Ông Trương Tấn Sang và đoàn đã thỉnh chuông tại đền thờ liệt sĩ, ghi sổ lưu niệm và dâng hoa tưởng nhớ các liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên.

RFA nhắc lại, vào ngày 17/2/2016, ông Trương Tấn Sang trên cương vị Chủ tịch nước, cũng đã thắp hương từng ngôi mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ Trà Lĩnh (Cao Bằng), nơi yên nghỉ của hơn 300 liệt sĩ trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979.

Vẫn theo RFA, việc các lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ Việt Nam thắp hương tại các nghĩa trang liệt sĩ trong các cuộc chiến chống Trung Quốc, không được diễn ra thường xuyên, liên tục. Phần lớn các cuộc tưởng niệm ngày 17/2 là do người dân, những người hoạt động xã hội tự động tổ chức ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng, một số cuộc tập trung như vậy thường bị chính quyền địa phương can thiệp, giải tán.

Tuy vậy, RFA cho biết thêm, vào năm ngoái (28/5/2023), truyền thông nhà nước loan, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã làm lễ dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến chống Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, tại Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang).

Chuyến thăm của ông Chính đến một nghĩa trang liệt sĩ ở biên giới phía Bắc, được nói là diễn ra vào khi quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đang có những căng thẳng, sau khi Trung Quốc điều tàu khảo sát Hướng Dương Hồng cùng các đoàn tàu hộ tống liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, từ đầu tháng 5/2023.

Dường như, lãnh đạo Việt Nam chỉ đến thăm hay nhắc đến cuộc chiến Biên giới khi họ cần dùng nó cho một mục đích chính trị nào đó.

Dư luận Việt Nam cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền của họ, từ sau Hội nghị Thành Đô năm 1990, đã tỏ ra vô cùng hèn nhát, nhu nhược trước Trung Quốc. Hèn nhát không dám nhắc đến, không dám tưởng niệm cuộc chiến đẫm máu mà quân xâm lược Trung Quốc đã gây ra cho người dân Việt Nam. Hèn nhát không dám làm gì trước sự khiêu khích, lấn lướt của Trung Quốc trên Biển Đông.

Đây là sự phản bội trắng trợn đối với tiền nhân – phản bội đối với hàng triệu người, từ ngàn năm qua cho đến vài chục năm trước, đã hy sinh thân mình để bảo vệ đất thiêng Tổ quốc.

 

Hoàng Anh – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023