Đầu tư ở nước ngoài: Việt Nam thu hút công ty Đức – nhưng liệu nước này có thực sự tốt hơn Trung Quốc?

Wirtschaftswoche (Tuần Kinh Tế), một tạp chí hàng đầu của Đức về kinh tế, ngày 12-2-2024 có bài viết về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Sau đây là lược dịch bài báo.

Các công ty đang tìm kiếm giải pháp thay thế cho địa điểm sản xuất ở Trung Quốc – và khám phá ra Việt Nam. Tại sao quốc gia này có thể được dùng làm một nơi sản xuất, nhưng mà vẫn không thể thay thế Trung Quốc?

Ông Norman Goldberg, Giám đốc điều hành công ty TESA

Ông Norman Goldberg vừa trở về từ Việt Nam – và vẫn đầy phấn khởi với quốc gia này: Đầu tư vào đó là “hoàn hảo”, sếp công ty Tesa của Đức (chuyên về băng keo và chất kết dính) nói trong chương trình podcast “Boss Talk” của tuần báo WirtschaftsWoche. Người Việt Nam “cực kỳ chăm chỉ” và họ muốn “thăng tiến”. Ông Goldberg hào hứng nói rằng, đất nước này “có chút gợi nhớ đến Trung Quốc 20 năm trước”.

Lời ca ngợi dành cho Việt Nam cũng chính là lời tự khen của công ty Tesa, một công ty con về chất keo dính của Tập đoàn Beiersdorf (Đức). Công ty đã mở một nhà máy ở đất nước cộng sản này hồi tháng 10 năm ngoái: một cơ sở sản xuất rộng 70.000 mét vuông, rộng bằng 10 sân bóng đá, bước đầu tạo việc làm cho 130 công nhân. 40 triệu mét vuông băng dính có thể được sản xuất ở đây mỗi năm. Công ty Tesa đầu tư 55 triệu euro vào thành phố Hải Phòng, cách Hà Nội khoảng 100 km về phía đông.

Ông Goldberg là Giám đốc điều hành công ty Tesa từ năm 2020. Trước đây ông đã sống ở Đông Nam Á một thời gian với tư cách là giám đốc công ty Henkel.  Ông Goldberg cho biết trong chương trình podcast rằng công ty có hàng trăm nhân viên ở Philippines vào thời điểm đó.

Ông Goldberg tiếp tục hào hứng nói: Việt Nam đang ra sức thu hút những công ty nước ngoài với “nhiều nghị lực và nhiệt huyết”. Nước này còn lôi cuốn công ty của ông bằng những ưu đãi thuế “cực tốt”. “Chúng tôi đã tìm thấy một môi trường tuyệt vời, một khu kinh doanh có nguồn cung cấp điện bền vững, v.v.

Việt Nam được điều hành bởi một chế độ cộng sản, do đó “không cần phải ảo tưởng, nhưng các quốc gia ở Đông Nam Á đều có những phức tạp chính trị nhất định của nó”, ông Goldberg nói. Công ty  Tesa đã thảo luận về địa điểm sản xuất mới trong khu vực trong một thời gian dài và tự hỏi “có lẽ nên là Thái Lan, Việt Nam hoặc Malaysia”. “Tôi nghĩ công ty đã đưa ra quyết định đúng đắn”.

Ông Goldberg nói: Nó “hoàn toàn đúng”. Nhất là vì quyết định xây dựng nhà máy này được đưa ra vào năm 2020 và việc cân nhắc đầu tư ở nơi này đã bắt đầu sớm hơn nhiều: “Nhiều năm trước khi các chính trị gia đưa ra chiến lược Trung Quốc cộng một”, các sếp của công ty Tesa đã bắt đầu coi Việt Nam là một địa điểm sản xuất để bàn luận. “Nếu người ta thường xuyên phải cân nhắc chuỗi cung ứng (ở Trung Quốc) và rủi ro của nó trên toàn cầu, thì người ta có thể xem xét một chút đến một nơi nào khác trên thế giới”.

Rủi ro bị mang tai tiếng ở Trung Quốc

Nhiều giám đốc doanh nghiệp Đức hiện đang lo ngại về Trung Quốc, nước láng giềng lớn phía bắc của Việt Nam. Tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc tiềm ẩn những rủi ro về danh tiếng cho doanh nghiệp của mình. Đó là cách chính quyền Trung Quốc đối xử với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ – điều đang gây phẫn nộ ở phương Tây: Bất cứ ai sản xuất ở Tân Cương, nơi có nhiều người Duy Ngô Nhĩ sinh sống, đều phải tính toán đến chuyện họ sẽ bị các nhà đầu tư né tránh. Và trên hết là nỗi sợ về căng thẳng địa chính trị ngày càng tăng – và trường hợp xấu nhất: một cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan, có thể sẽ phá vỡ quan hệ với phương Tây.

Do đó, “Trung Quốc cộng một” là mệnh lệnh thời nay theo quan điểm của nhiều doanh nhân: các tập đoàn không còn chỉ đầu tư vào Trung Quốc mà còn sản xuất ở các nước châu Á khác. Và nhiều doanh nghiệp đang để mắt đến Việt Nam, đặc biệt là vì một số công ty Đức từ lâu đã có những cơ sở quan trọng ở đó: chẳng hạn như Bosch, Schaeffler, Knauf và B. Braun đã đầu tư tổng cộng hàng trăm triệu euro vào quốc gia Đông Nam Á này.

Việt Nam có phải là nơi thay thế hoàn hảo cho Trung Quốc?

Cuối cùng, chúng tôi quyết định chọn Việt Nam vì chúng tôi biết rằng phần lớn chuỗi giá trị từ Trung Quốc sẽ kết thúc ở Việt Nam”, sếp công ty Tesa là Goldberg cho biết trong chương trình podcast “Boss Talk”. Ví dụ, các nhà sản xuất điện tử Hàn Quốc đã sử dụng Việt Nam làm nơi sản xuất (mà không nghiên cứu, phát triển sản phẩm). Ngoài ra, khách hàng Trung Quốc cũng có thể được cung cấp sản phẩm từ Việt Nam “tương đối dễ dàng”.

Vậy Việt Nam có phải là nơi thay thế hoàn hảo cho Trung Quốc? Rõ ràng là không: các công ty phương Tây cho đến nay vẫn không chuyển các khâu quan trọng về nghiên cứu, phát triển sản phẩm sang đất nước này. Ông Goldberg thừa nhận: “Đông Nam Á trước nhất giống như một địa điểm sản xuất hơn là nghiên cứu, phát triển”. Công ty Tesa “rõ ràng đã quyết định thành lập một nhà máy chỉ để sản xuất” tại Việt Nam. Cho đến nay, ở Việt Nam rất khó gây dựng năng lực chuyên môn vừa đủ để nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Trái lại, tại Trung Quốc, công ty Tesa vẫn giữ các phòng thí nghiệm nghiên cứu, phát triển. Nhà sản xuất chất kết dính này cho biết họ có tổng cộng khoảng 500 nhân viên ở thành phố Tô Châu và Thượng Hải của Trung Quốc.

Và công ty Tesa cũng có thể sớm nghiên cứu các sản phẩm mới ở Singapore. Ông Goldberg cho biết các sếp của công ty Tesa hiện đang bàn thảo về một địa điểm nghiên cứu phát triển ở Singapore. Ông hy vọng sẽ có quyết định về dự án này “trong vòng ba đến sáu tháng tới”. Bởi vì rõ ràng: “Khu vực này ngày càng trở nên quan trọng hơn, hiện đang bùng nổ”. Singapore có nhiều năng lực chuyên môn về nghiên cứu, phát triển và “không phải là không quan trọng”: ở đó việc bảo vệ sở hữu trí tuệ được đảm bảo.

Tổ chức Thương mại và Đầu tư của Đức (GTAI) cho biết “vẫn còn chỗ cần cải thiện”. Trong phân tích về điểm mạnh và điểm yếu của Việt Nam, GTAI phê bình “thiếu công nhân lành nghề được đào tạo“, “chi phí hậu cần cao do thiếu hụt cơ sở hạ tầng” và “tham nhũng và bảo vệ pháp lý bị hạn chế“.

Khánh thành nhà máy tại Hải Phòng

“Ấn Độ có nhiều khả năng hơn Việt Nam để trở thành một lựa chọn thay thế cho Trung Quốc”

Chiến dịch chống tham nhũng, thậm chí làm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mất chức khoảng một năm trước, đã tạo hy vọng. Nhưng cuộc chiến chống tham nhũng, theo GTAI, hiện cũng đang khiến các cơ quan chính phủ ngại đưa ra quyết định nhanh chóng. Các quan chức không muốn mạo hiểm bị nghi ngờ tham nhũng nên đã trì hoãn việc đưa ra quyết định. Ở Việt Nam đang có “nhu cầu cấp bách về các quyết định”, chẳng hạn như “về định hướng tương lai của ngành năng lượng, mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông và số hóa hành chính”. Và: “Việc xin và thay đổi giấy phép kinh doanh, giấy phép lao động có thể khó lường và tốn thời gian”.

Hơn nữa, không có gì chắc chắn rằng đầu tư vào Việt Nam sẽ được bảo vệ nếu xung đột lớn với Trung Quốc nổ ra. Manuel Vermeer, cố vấn các doanh nghiệp và giáo sư tại Viện Đông Á ở Ludwigshafen (Đức), cảnh báo: “Nó không bảo vệ các công ty tránh khỏi rủi ro địa chính trị nếu họ đầu tư vào Việt Nam thay vì Trung Quốc“. Đất nước này “quá nhỏ để có thể coi là một thị trường tiêu thụ thay thế cho Trung Quốc”. Ngoài ra, nhiều sản phẩm sơ chế cũng không thể có nguồn gốc từ Việt Nam. Ông Vermeer cho biết: “Những mặt hàng này nhập khẩu từ Trung Quốc, vì vậy hoạt động sản xuất tại Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị với Trung Quốc”. Ông Vermeer nói: “Ấn Độ có nhiều khả năng hơn Việt Nam để trở thành một lựa chọn thay thế cho Trung Quốc”.

Nguồn:

https://www.wiwo.de/my/unternehmen/industrie/investitionen-im-ausland-vietnam-lockt-deutsche-unternehmen-aber-ist-das-wirklich-besser-als-china-/29648200.html

Hiếu Bá Linh (lược dịch)

Kasse animation 7.8.2023