Việt Nam ân xá chỉ để làm đẹp bộ mặt với quốc tế?

Ngày 9/2, RFA Tiếng Việt có bài bình luận “Liệu có tiến bộ về nhân quyền khi Chủ tịch nước ân xá hàng chục án tử hình?”

Theo RFA, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gần đây đồng ý ân giảm nhiều án tử hình xuống thành chung thân, tuy nhiên, một số nhà hoạt động cho rằng, đó vẫn chưa phải là bước tiến về nhân quyền ở Việt Nam.

RFA cho biết, ngày 27/12/2023, ông Thưởng đã ký quyết định ân xá cho 18 tử tù. Hơn một tháng sau đó, ngày 6/2, 5 bị án có đơn xin ân giảm gửi Chủ tịch nước, được giảm xuống án chung thân, tuy nhiên, danh tính của những người này không được công bố.

RFA dẫn lời Tiến sỹ Nguyễn Bá Tùng, Trưởng ban Điều hành của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam tại California, cho rằng:

Họ vẫn xử tử hình như một phương cách để dằn mặt, đồng thời, đến cuối năm hoặc trong những dịp lễ, họ cho Chủ tịch nhà nước ân xá, để tạo ra bộ mặt nhân đạo trước thế giới. Các tổ chức nhân quyền thế giới sẽ thấy rõ điều đó.”

RFA dẫn báo cáo mới nhất của tổ chức Ân xá Quốc tế, Việt Nam đứng thứ 8 trên bảng xếp hạng các nước tuyên án tử hình nhiều nhất trong năm 2022, với ít nhất 102 người bị kết án. Năm 2021, Việt Nam đứng thứ 7 với 119 người.

Chỉ vài tuần trước khi ông Thưởng ký lệnh ân xá cho 5 người, ngày 22/1, một toà án ở tỉnh Nghệ An đã kết án tử hình 9 người trong một đường dây mua bán ma tuý.

Bên cạnh đó, Luật sư Nguyễn Văn Đài nói với RFA:

Hàng năm, Việt Nam kết án hàng trăm án tử hình đối với các tội phạm như là buôn bán ma túy hay là giết người và nếu thực thi hết các án đã được tuyên thì con số sẽ rất lớn và chế độ sẽ bị cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ.

Cho nên họ lựa chọn những người có hành vi phạm tội nhẹ hơn một chút nhưng mà cũng đã bị kết án hình họ sẽ giảm đi. Ngoài ra, ở trong chế độ Cộng sản Việt Nam, có hiện tượng chạy án tử hình, nạn tham nhũng hối lộ trong ngành thi hành án cũng xảy ra.”

Sự tiến bộ phải tạo ra sự bình đẳng trong việc đặc xá hay giảm án cho tất cả những tù nhân chính trị, cũng như thường phạm, thì lúc đó chúng ta mới coi đó là một tiến bộ.

Tuy nhiên, trong Luật Thi hành án hình sự của Việt Nam, không áp dụng đặc xá hay đại xá cho những người mà họ gọi là vi phạm an ninh quốc gia. Điều này đã tạo ra sự bất bình đẳng rồi, và do vậy, tôi không coi hành động ân xá là tiến bộ.”

Vẫn theo RFA, trong năm 2022, Việt Nam đã ân giảm án tử hình cho tổng cộng 31 người, bao gồm 4 người nước ngoài.

Tuy nhiên, năm 2023, Việt Nam vẫn thi hành án tử hình với tử tù Lê Văn Mạnh, người đã kêu oan suốt 18 năm, bất chấp những phản đối của giới luật sư và lời kêu gọi không thi hành từ nhiều tổ chức quốc tế và chính phủ nhiều quốc gia.

Hiện vẫn còn 2 tử tù khác đang kêu oan nhiều năm chưa được ân giảm, là Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải. Tuy nhiên, họ không có cơ hội được Chủ tịch nước xem xét ân xá.

RFA dẫn lời ông Nguyễn Trường Chinh, bố của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, nói:

Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải đều không xin ân giảm án, vì họ có phạm tội đâu mà xin!”

RFA cho biết thêm, theo luật pháp Việt Nam hiện hành, để có cơ hội được Chủ tịch nước ân xá, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án phải gửi đơn xin ân giảm lên người đứng đầu Nhà nước.

RFA dẫn tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết, Việt Nam hiện đang giam giữ hơn 150 tù nhân chính trị. Chính quyền luôn phủ nhận việc giam giữ tù nhân lương tâm, nói rằng, họ chỉ bỏ tù những người vi phạm pháp luật.

 

Minh Vũ – thoibao.de

10.2.2024

Kasse animation 7.8.2023