Vụ Việt Á, Công an và Quân đội “đá nhau”, đâu là nguyên do?

Vụ Việt Á là vụ doanh nghiệp bắt tay quan chức thịt người dân để kiếm tiền đút túi. Từ khi vụ án chưa bị khởi tố, dư luận xã hội đã lên tiếng quá nhiều về việc cưỡng ép xét nghiệm Covid. Điều đáng nói là, chính người dân – những nạn nhân của tập đoàn “ma cà rồng” này – đã lên tiếng trước tiên.

Tuy nhiên, việc đúng người đúng tội trong vụ án này, là cả một vùng xám, không biết đâu là thật.

Đã có rất nhiều vụ án oan rành rành, nhưng chính quyền vẫn không chịu thừa nhận, có thể kể ra như, vụ Hồ Duy Hải, vụ Nguyễn Văn Chưởng vv… hay những vụ án bất công dành cho những nhà bất đồng chính kiến. Tòa án Việt Nam làm án một cách tùy tiện, kết án theo chỉ thị từ bên trên, chứ không phải từ kết quả điều tra nghiêm túc, bài bản, khoa học, và tôn trọng quy trình tố tụng hình sự.

Với vụ án Việt Á, dù Bộ Công an có điều tra thế nào thì cũng được dư luận ủng hộ. Những người đứng trước vành móng ngựa khó có thể nói là vô tội, với những hậu quả nặng nề mà người dân đã phải gánh chịu, bởi những chính sách bất hợp lý mà họ đã thực thi trong thời kỳ đại dịch hoành hành.

Tuy vậy, Thoibao đã nhận được thông tin từ một nguồn khả tín, nói rằng, Bộ Công an của Tô Lâm cũng điều tra vụ Việt Á theo kiểu áp đặt, không tuân theo quy trình tố tụng. Thông tin này hoàn toàn có cơ sở, bởi rất nhiều vụ án oan, án chính trị, đã chứng minh điều đó.

Nguồn tin cho biết, ông Nguyễn Huỳnh – cựu Thư ký của ông Nguyễn Thanh Long – không thừa nhận việc đã nhận 2 triệu USD; và ông Nam Liên – cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế – cũng nói rằng, ông không nhận 100 ngàn USD. Nhiệm vụ chứng minh hai người này có tội hay không, là trách nhiệm của nhân viên điều tra, và họ phải làm đúng theo quy trình tố tụng. Tuy nhiên, với Cơ quan Điều tra Bộ Công an, thì họ không cần chứng minh bị can có tội hay không, họ chỉ cần ghép tội là được. Hơn nữa, một khi đã ép buộc, thì sẽ ghép cho nặng tội nữa là khác.

Ở các nước dân chủ, công tố, điều tra và tòa án làm việc độc lập và đều có quyền thu thập bằng chứng. Nếu một bên vi phạm quy trình tố tụng, thì hai bên còn lại sẽ “tuýt còi”, buộc phải điều tra lại. Còn ở Việt Nam, cả 3 cơ quan trên đều thờ một chủ, đấy là Đảng Cộng sản. Khi một vụ án được trên cao chỉ đạo là có tội, thì cả 3 cơ quan này sẽ cùng nhào nặn cho ra tội, bất chấp chứng cứ. Đấy là sự khác biệt về bản chất giữa tố tụng ở Việt Nam và tố tụng ở các nước dân chủ.

Cho nên, khi công an không chứng minh được tội của bị can, thì họ sẽ tìm cách ép tội, có thể là bức cung nhục hình, có thể là dùng thân nhân để uy hiếp… Hai cơ quan tố tụng còn lại sẽ hùa theo. Thậm chí, cả báo chí cũng được huy động để đăng bài theo những gì công an cung cấp.

Vì vậy, ông Nguyễn Huỳnh và ông Nam Liên không có quyền lựa chọn. Nếu kiên quyết bảo vệ ý kiến của mình, cả 2 có thể sẽ bị tuyên án rất nặng, còn nếu chấp nhận kịch bản của công an, thì cái giá phải trả sẽ rẻ hơn.

Từ chỗ ép cung, dẫn đến kết quả làm án khác nhau. Cùng một vụ Việt Á, mà bên quân đội và công an cho ra kết quả điều tra khác biệt rất nhiều, trong đó, phải kể đến việc bộ kit test là thành quả của ai. Bên quân đội kết luận “không phải là kết quả nghiên cứu của Học viện Quân Y”, trong khi, bên công an kết luận “các bị cáo tại Công ty Việt Á, Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ, và một số đơn vị liên quan có hàng loạt sai phạm, biến kết quả nghiên cứu kit test Covid-19, từ tài sản nhà nước thành tài sản của Công ty Việt Á”.

Sự thật thì chỉ có một, nhưng sự ngụy tạo thì có nhiều. Nếu cả quân đội và công an điều tra đúng người đúng tội, thì kết luận phải giống nhau. Tại sao lại có kết quả điều tra khác nhau một trời một vực như thế?

Điều này cho thấy, có sự làm án tùy tiện trong điều tra, và thêm một lần nữa củng cố cho thông tin từ bên trong cung cấp, rằng, ông Tô Lâm đã không tuân thủ quy trình tố tụng, mà dùng ép cung để có được kết luận điều tra theo ý muốn.

Biết rằng, những người liên quan đến Việt Á là có tội, nhưng liệu, Công an Điều tra có công bằng với họ hay không? Đó là câu hỏi to tướng!

Ý Nhi – Thoibao.de

4.1.2024

Kasse animation 7.8.2023