Vì sao Vịnh Hạ Long mất sắc xanh tuyệt đẹp?

Ngày 29/12, RFA Tiếng Việt loan tin “Vịnh Hạ Long mất sắc xanh tuyệt đẹp”.

Theo đó, Vịnh Hạ Long của Việt Nam đang đánh mất sắc thái trong xanh, khi mà tình trạng ô nhiễm và phát triển quá mức đe dọa đến sinh vật tự nhiên, cũng như hình ảnh đẹp hoàn hảo của Vịnh.

RFA dẫn một trang tin quốc tế ngày 28/12 nêu thực trạng tại Vịnh Hạ Long như trên. Theo đó, khu được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên này, là một trong những điểm đến phổ biến nhất tại Việt Nam của du khách. Thống kê cho thấy, vào năm 2022 có hơn 7 triệu khách đến tham quan Vịnh nước xanh, với hơn 1.900 hòn đảo đá vôi phủ bởi mảng xanh.

Tuy nhiên, RFA cho biết, do quá phổ biến và tình trạng phát triển nhanh chóng của thành phố Hạ Long, với những cáp treo, công viên giải trí, khách sạn sang trọng, và hàng ngàn căn nhà mới xây, đã hủy hoại nghiêm trọng hệ sinh thái của Vịnh Hạ Long.

Tình trạng rác thải, túi nilon cũng gây ô nhiễm vịnh.

Theo RFA, mới tháng trước, những hình ảnh do chính truyền thông Nhà nước Việt Nam đăng công khai, về một công trình xây dựng đi qua vùng nước của một vịnh bên cạnh Hạ Long, khiến nhiều nhà bảo tồn bức xúc.

Theo giới bảo tồn, ước tính ban đầu có chừng 234 loài san hô tại Vịnh Hạ Long; nhưng nay chỉ còn khoảng phân nửa mà thôi.

Trước đó, ngày 20/11, RFA cho hay, tạp chí Fodor’s Travel của Mỹ khuyên du khách không nên đến Vịnh Hạ Long, cũng vì tình trạng rác thải và ô nhiễm của vịnh.

Tạp chí này đã xếp Vịnh Hạ Long vào danh sách No List, là danh sách khuyên khách du lịch nên xem xét lại quyết định đến thăm một nơi nào đó trên thế giới. Lý do được đưa ra là Vịnh Hạ Long quá đông khách và có quá nhiều rác.

Tạp chí này tập trung vào ba yếu tố chính là: quá tải khách du lịch, xả rác và chất lượng nước, tính hiệu quả.

“Tình trạng quá đông khách du lịch và ô nhiễm biển đang đặt sức ép lên hệ thống môi sinh (của Vịnh Hạ Long) trong nhiều thập niên qua,” tạp chí Fodor’s Travel viết.

RFA dẫn truyền thông Nhà nước cho biết, dù đã cấm việc sử dụng đồ nhựa một lần trên thuyền du ngoạn Vịnh Hạ Long từ năm 2019, nhưng khách tham quan trên tàu ở Vịnh Hạ Long vẫn được cung cấp những nước chai nước nhỏ.

Báo Tiền Phong dẫn lời một nhà nghiên cứu ô nhiễm biển, trực tiếp làm việc ở Việt Nam hơn 5 năm qua cho biết, ngoài vấn đề quá tải khách, việc quản lý cũng không tốt trong xử lý chất thải hiệu quả.

Fodor’s Travel cho biết hiện thành phố Hạ Long chỉ có khả năng xử lý 40% lượng nước thải.

Cuối tháng 10, báo Lao Động cho hay, xuất hiện nguồn nước ô nhiễm, hôi thối, đổ thẳng ra Vịnh Hạ Long.

Theo đó, một hồ nằm gần những điểm du lịch đông khách của thành phố Hạ Long – nơi du khách và người dân thường đi dạo, ngắm cảnh… bỗng ô nhiễm nặng, nước đen sì, hôi thối. Nước từ đây đổ thẳng ra Vịnh Hạ Long qua hệ thống cống ngầm nằm dưới một đường ven biển đẹp nhất Quảng Ninh.

Báo Lao động dẫn lời những người dân ở đây cho biết, xung quanh hồ có một số họng cống xả nước từ các khu dân cư quanh đó. Khi thủy triều rút cạn, nước đen và hôi thối chảy thành dòng từ họng cống này, ra đến gần tận cửa cống tại đường ven biển.

Điều đáng lo ngại hơn là nguồn nước hôi thối từ hồ hàng ngày đổ ra vịnh Hạ Long sẽ càng làm cho nước vịnh thêm ô nhiễm.

Trước đó, vào tháng 6/2023, truyền thông nhà nước dẫn lời Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, cho biết, 10.000 mét khối rác – đủ để lấp đầy 4 bể bơi Olympic – đã được thu gom khỏi mặt nước từ đầu tháng 3.

Ông Đỗ Tiến Thành, cán bộ bảo tồn của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, thừa nhận: “Vịnh Hạ Long… đang chịu áp lực”.

Hoàng Anh – thoibao.de

30.12.2023

Kasse animation 7.8.2023