Để chống tham nhũng thành công: Truy tố Tổng Trọng tội “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”?

Kể từ sau khi Việt – Trung bình thường hóa quan hệ, sau Hội nghị Thành Đô năm 1990, Đảng và nhà nước Việt Nam đã tiến hành các chính sách kinh tế, chính trị, giống hệt như Trung Quốc. Thậm chí, nói không ngoa, Việt Nam là một bản copy gần như 100% của Trung Quốc, trên mọi khía cạnh.

Hiện nay, tình trạng tham nhũng ở Trung Quốc vẫn là nguy cơ hàng đầu. Nhà nước Trung Quốc liên tục gia tăng các biện pháp chống tham nhũng, và cũng đã gặt hái được những tiến bộ đáng kể.

Báo Tuổi Trẻ ngày 30/11 đưa tin với tiêu đề: “Đề nghị Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam đào tạo cán bộ chuyên ngành phòng, chống tham nhũng”.

Bản tin cho biết, ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương, đã đề nghị phía Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam đào tạo cán bộ chuyên ngành nội chính, pháp luật, phòng, chống tham nhũng… bằng các hình thức, cấp độ thích hợp.

Giới chuyên gia thấy rằng, với sự tương đồng về thể chế chính trị giữa Việt Nam và Trung Quốc, cho nên, sự gắn kết trong các chính sách, kể cả chính sách chống tham nhũng, là điều có thể hiểu được. Hơn nữa, công cuộc “đốt lò” của Tổng Bí thư Trọng, thực chất là bản sao của chính sách “đả hổ, diệt ruồi” của ông Tập Cận Bình.

Việc Việt Nam đề nghị Trung Quốc hỗ trợ đào tạo cán bộ chuyên ngành phòng, chống tham nhũng, cũng không phải là vấn đề mới. Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 1/2017, hai bên đã thống nhất để phía Trung Quốc đào tạo cán bộ nguồn cho Việt Nam. Điều này đã được ghi nhận trong Tuyên Bố chung của hai nước.

Gần đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng sang Quảng Đông, Trung Quốc, để dự bế giảng lớp hợp tác đào tạo cán bộ chủ chốt của Thành ủy Hà Nội, là một ví dụ.

Do đó, việc Việt Nam đưa ra đề xuất, nhờ Trung Quốc đào tạo cán bộ chống tham nhũng, cũng chỉ là một bước tiếp theo trong quá trình sao chép chính sách từ nước láng giềng. Đề nghị đó cũng đồng nghĩa với việc, Việt Nam gửi đi một thông điệp, cam kết với phía Trung Quốc rằng, Hà Nội vẫn tiếp tục ở trong quỹ đạo kiểm soát của Bắc Kinh.

Ở Trung Quốc, công cuộc chống tham nhũng dưới thời Tập Cận Bình có nhiều kết quả nổi bật. Ông Chu Vĩnh Khang, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, phụ trách công tác Nội chính của Trung Quốc bị truy tố và bắt giam, cho thấy, Ban lãnh đạo Trung Quốc rất quyết tâm và khá mạnh tay.

Sau Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình tiếp tục thẳng tay loại bỏ hai nhân vật được xem là tâm phúc của ông, đó là Thượng tướng Lý Thượng Phúc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, và Ngoại trưởng Tần Cương. Hai người này mới nhậm chức chỉ vài tháng.

Chống tham nhũng ở Trung Quốc thành công, cũng bởi họ thực hiện quyết liệt và căn cứ vào luật pháp để xử lý, bất kể cá nhân đó là ai.

Còn công cuộc “đốt lò” ở Việt Nam, Tổng Bí thư Trọng chỉ nói chứ không làm. Tổng Bí thư nhiều lần tuyên bố, “Chống tham nhũng không có vùng cấm, không có vùng tránh…”. Nhưng thực tế cho thấy, ông Trọng nói vậy mà không làm như vậy. Thậm chí, ngay từ đầu, ông Trọng đã “chặn họng” Cơ quan phòng chống tham nhũng bằng chỉ thị “đánh chuột không để vỡ bình”, thì làm sao có thể chống tham nhũng được?

Đó là chưa kể tới việc, để giải cứu cho các quan tham, Tổng Trọng đã đưa ra chủ trương “nhân văn”: “Cán bộ nào đã có sai phạm rồi tự giác xin thôi, tự giác xin nộp lại tiền, thì mình “miễn xử hoặc xử nhẹ”; Không phải cứ xử nặng mới là tốt, cách chức hết tất cả mới là tốt…”

Vấn đề đó đã được Bộ Chính trị và Ban Bí thư Đảng nghị quyết hóa theo yêu cầu của Tổng Bí thư. Điều đó đã thể hiện rõ ràng tại Thông báo số 20/BBT-TW ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị.

Chưa hết, vụ án Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan, với số tiền thất thoát lên đến hàng triệu tỷ đồng, vậy mà, Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng Bí thư Trọng lại chủ trương: “những ai nhận số tiền hối lộ lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì mới bị truy tố, xét xử. Còn người nhận hối lộ ít, hay không vụ lợi sẽ không bị xử lý về mặt hình sự, mà chỉ bị xử lý về kỷ luật Đảng và hành chính.”

Như vậy, có thể thấy, trong công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, để thành công thì chẳng cần phải học ai cả. Mà dễ nhất, cứ đuổi thẳng cổ hay truy tố ngay lập tức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với tội danh “cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng” – ngay và luôn.

Đảm bảo, bộ máy chống tham nhũng sẽ chạy băng băng, sẽ cuốn sạch rác rưởi và sâu bọ là các quan tham, chiếm tuyệt đại đa số trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam hiện nay./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023