Công nhân chỉ là những “anh Dậu”, “chị Dậu” mặc áo cổ xanh

Link Video: https://youtu.be/4Xw9fm-NKXU

RFA Tiếng Việt ngày 30/10 có bài bình luận của tác giả Lục Cung với tựa đề “Chị Dậu mặc áo cổ xanh”.

Tác giả kể lại câu chuyện bi thương của gia đình chị T, được đăng trên báo VietnamNet ngày 28/10. Theo đó, do công ty mất đơn hàng, công nhân mất việc hoặc bị giãn việc, lâm vào cảnh khốn khó. Chị T. đang mang thai nhưng không đủ ăn, mẹ yếu, thai suy. Cháu bé sinh ra ốm yếu, nhẹ cân và đã mất sau 1 tháng.

Con chết, chị không đủ tiền để mua cho con một chiếc quan tài. Chị đi xin một thùng mì tôm bằng giấy carton. Đặt con vào thùng giấy, chị định sẽ ôm thùng mang lên xe đò về quê an táng. May mà bà con đi chăm bệnh chung với chị T. biết chuyện, nên lập tức báo cho bệnh viện và liên hệ những nhà hảo tâm. Một chuyến xe mai táng từ thiện đã mang quan tài cho cháu, đồng thời đưa gia đình chị T. và cháu bé về quê.

Tác giả bình luận, chuyến đi của gia đình chị T. cùng cực và bi thương, không khác gì chuyến chạy dịch trối chết của hàng trăm ngàn người suốt dọc đường Nam – Bắc cách đây vài năm, dù một bên được ngồi an toàn trên xe hơi, một bên thì cầm tay lái xe máy đội mưa, đội nắng suốt cả ngàn cây số.

Theo tác giả, đối với người nông thôn, nếu không có đất canh tác, không có nghề mưu sinh, thì so với đi thu hoạch nông sản mướn ở quê, được trả công chừng 150.000 đồng/ngày, hoặc cao hơn vài chục ngàn, tùy việc tùy mùa, nhưng không ổn định, lại phải lao động cực nhọc ngoài nắng mưa, thì làm công nhân hấp dẫn hơn rất nhiều.

Tác giả so sánh, những năm trước, kinh tế còn tốt, cứ lãnh thưởng Tết xong là công nhân nghỉ việc hàng loạt. Người thì ôm mớ tiền về quê chơi bù cả năm đầu tắt mặt tối. Người đã kiếm số vốn đủ rồi ở lại quê luôn lấy vợ, lấy chồng, hoặc đổi nghề khác. Không ít người ở xa còn đủng đỉnh chơi tới hết tháng giêng mới vô. Không ai sợ mất việc vì hàng loạt công ty cứ qua Tết là tuyển công nhân rầm rộ, bảng giăng đỏ cả khu công nghiệp.

Nhưng, mấy năm nay thì xuống quá. Nhất là từ khi chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra, các công ty dệt may xuất khẩu và da giày mất đơn hàng trầm trọng. Công nhân mất việc hàng loạt.

Vẫn theo tác giả, số công nhân mất việc, một phần về quê, một phần chuyển sang các công việc khác, như làm giúp việc nhà theo giờ, bán hàng online, chạy xe ôm, buôn bán nhỏ… Số còn lại vẫn tiếp tục đi tìm việc, vì về quê cũng chẳng có ruộng đất để làm, con cái lại đang học quen ở thành phố. Họ hy vọng chiến tranh sẽ không thể kéo dài mãi, kinh tế trước sau cũng phải phục hồi và những công việc dành cho lao động phổ thông sẽ lại cần thiết.

Nhưng, tác giả cảm thán, chân trời đó bao giờ mới hé sáng?

Hình: Bài trên RFA

Một cuộc đời công nhân thời nay là cuộc đời sống trong thấp thỏm: Luôn có nguy cơ bị mất việc mà không tìm được việc thay thế; khi có thâm niên hàng chục năm, đổi lại đồng lương kha khá, thì cũng có nghĩa sẽ trở thành những đối tượng đầu tiên bị giãn việc khi công ty thiếu đơn hàng.

Tác giả cho hay, sâu trong những con hẻm ngoằn ngoèo nhỏ bé, các bãi đất hoang sình lầy và cỏ dại chờ quy hoạch ở xa trung tâm thành phố, có rất nhiều khu lều trọ công nhân mọc lên. Nơi đó có không ít em bé học hành rất say mê và thông minh, ôm ước mơ lớn lên làm bác sĩ hay kiến trúc sư. Nhưng cuộc đời các em cứ trôi nổi theo bước chân của cha mẹ khi họ thay đổi việc làm hoặc thất nghiệp phải về quê.

Tác giả cho rằng, dù lý do gì, những đứa trẻ đều khó có thể tiếp tục đến trường, vì điều kiện của chúng chỉ có thể học ở trường tình thương, nhưng trường tình thương không phải ở nơi nào cũng có.

Nếu thất học, lớn lên chúng chỉ có thể lặp lại cuộc đời của cha mẹ.

Đã nhiều chục năm, những cuộc đời công nhân quẩn quanh như thế.

Tác giả kết luận, bất chấp những danh xưng và vai trò lớn lao mà họ được gán vào, về thực chất, công nhân chỉ là những anh Dậu, chị Dậu mặc áo cổ xanh, với cái tiền đồ không sáng hơn màn đêm phủ quanh gian nhà tranh vách đất trong tiểu thuyết Tắt đèn là bao.

Hoàng Anh

>>> Tô “Rừng” để xổng cá gộc, “ngài” Bộ trưởng thừa bạo lực nhưng thiếu tính toán!

>>> Lại chuyện lãnh đạo Việt Nam háo danh, xài bằng giả để thăng tiến, bị bại lộ?

>>> Mỗi năm, Tô dùng 3.000 tỷ tiền dân để nuôi thành phần tay sai!

>>> Cảnh giác với chiêu trò “ngâm rồi ngậm” tiền quyên góp của Mặt trận Tổ quốc các cấp?

“Thực chiêu” và “hư chiêu” của phiếu tín nhiệm

Kasse animation 7.8.2023