Từ bỏ thiên đường Bác xây, cầu thủ Công Phượng chạy sang xứ “Tư bản giãy”

Ắt hẳn cầu thủ Công Phượng từng được dạy 5 điều Bác Hồ dạy, từng học về thiên đường Xã hội Chủ nghĩa – một con đường mà “Bác Hồ đã chọn”. Ắt hẳn anh cũng sẽ được học rằng, Việt Nam tiến lên Xã hội Chủ nghĩa, bỏ qua giai đoạn Tư bản Chủ nghĩa. Ắt hẳn, Công Phượng cũng đã từng được dạy rằng, Xã hội Chủ nghĩa là hình thái xã hội ở bậc cao hơn xã hội Tư bản Chủ nghĩa, và nó là con đường quá độ tiến lên Chủ nghĩa Cộng Sản – nơi mà không có người bóc lột người, nơi mà con người làm theo khả năng hưởng theo nhu cầu v.v… và rất nhiều thứ khác nữa.

Bất cứ ai trải qua 12 năm phổ thông trung học tại Việt Nam cũng đều được học như thế, chứ không phải riêng Công Phượng. Khi đầu óc còn non nớt, học sinh tin vào điều ấy. Nhưng khi bị “thiên đường” hành cho “ra bã”, thì nhiều người đã ngộ ra. Nhưng đến khi ngộ ra được, xã hội này là địa ngục chứ không phải thiên đường, thì đa số đã quá nửa đời người. Có người may mắn được ra nước ngoài từ rất sớm, thì có cơ hội để so sánh, sẽ ngộ ra sớm hơn.

Công Phượng là lứa cầu thủ đầu tiên của lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal JMG và được đánh giá là cầu thủ hàng đầu khu vực. Công Phượng là cầu thủ được nhiều câu lạc bộ nước ngoài mời chào, và anh từng đá cho các câu lạc bộ ở nhiều nước khác nhau, như: Mito HollyHock – Nhật Bản, Incheon United – Hàn Quốc, Sint-Truiden- Bỉ. Hiện anh đang thi đấu cho Yokohama – Nhật Bản. Hiếm có cầu thủ nào có dịp đi nước ngoài nhiều như Công Phượng. Mà điều đặc biệt là, anh toàn thi đấu cho các câu lạc bộ ở các nước “tư bản giãy chết”.

Mới đây, báo chí Việt Nam cho biết, tiền đạo Nguyễn Công Phượng đã có quốc tịch Nhật Bản từ đầu năm 2023. Theo thông tin từ Công Phượng, anh muốn nhập quốc tịch để thuận tiện hơn trong việc kinh doanh tại Nhật. Công Phượng không túng thiếu đến mức phải đi tìm kiếm kế sinh nhai để đổi đời, như nhiều người xuất khẩu lao động. Ngược lại, anh còn có điều kiện tài chính tốt nữa là khác. Vậy mà anh lại chọn Nhật Bản để định cư, thì rõ ràng, môi trường xã hội của đất nước này mang đến cho anh những giá trị như thế nào, thì anh mới quyết định như thế. Được biết, nhập quốc tịch Nhật Bản không hề dễ dàng.

Có nhiều loại tị nạn, như: Tị nạn kinh tế, tị nạn giáo dục, tị nạn chính trị… Vậy, với người có tiền, có địa vị xã hội, không chống đối chế độ, sao vẫn muốn mua một suất định cư tại một quốc gia “tư bản bóc lột”?

Câu trả lời là do môi trường xã hội. Các nước “tư bản bóc lột” cho họ một môi trường sống tốt, mà cho dù có tiền cũng không mua được. Xã hội văn minh, người với người có lòng tin, có sự tử tế. Đó là những điều, dù có tỷ đô cũng không mua được. Xã hội Việt Nam không có những điều đó, nên họ ra đi. Đó là thực tế không thể chối cãi.

Còn đối với cầu thủ Công Phượng, anh đi vì lý do gì, chỉ có chính anh là hiểu rõ nhất. Theo lời anh nói là để thuận tiện làm ăn, và có lẽ, đấy là câu trả lời hay nhất cho việc anh xin nhập quốc tịch Nhật Bản. Nếu trả lời thẳng, e rằng lại động chạm đến lòng tự ái của khối kẻ mang tâm thức “tự hào quá Việt Nam ơi!”

Ai định cư được tại một quốc gia văn minh, thì đó là điều đáng mừng cho họ, quyền mưu cầu hạnh phúc là quyền cơ bản của con người. Sống trong địa ngục với một chính quyền tự tung tự tác, cấm đoán đủ điều, đạo đức xã hội xuống cấp, thì rất khó để mưu cầu hạnh phúc, dù có nhiều tiền. Con người sống trong xã hội Việt Nam, chủ yếu chỉ là tồn tại, chứ không được sống đúng nghĩa.

Thiên đường Xã hội Chủ nghĩa là cái thiên đường mà Đảng Cộng sản luôn rả rả rằng, đó là “con đường mà Bác đã chọn”. Nhưng không người dân nào muốn chọn con đường này. Cực chẳng đã không đi được, thì mới phải gồng mình mà sống, chứ chẳng ai muốn sống trong cái xã hội do “Bác đã chọn”. Nó thật là kinh khủng!

Ý Nhi – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023