EVN thua lỗ, liệu có phải sau thiếu xăng sẽ đến thiếu điện?

Link Video: https://youtu.be/8Ey-WHJ9uxM

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố, Tập đoàn này ước tính lỗ gần 16.000 tỷ đồng trong 10 tháng đầu năm và dự kiến sẽ lỗ khoảng 31.360 tỷ trong cả năm. Nguyên nhân chủ yếu là do giá nhiên liệu để sản xuất điện tăng vọt.

Tuy đã ở vào thế kỷ 21, nhưng nhiệt điện vẫn giữ một tỷ trọng rất cao trong ngành điện – một ngành sản xuất vừa tốn kém, vừa gây ô nhiễm môi trường và đã bị nhiều nước tiên tiến trên thế giới loại bỏ từ lâu. Nhiệt điện Việt Nam chiếm đến 32,2% trong tổng sản lượng điện quốc gia, và đây chính là nguyên nhân thua lỗ của ngành điện trong năm nay. Vì nhiệt điện sử dụng than và dầu, những loại nguyên liệu hoá thạch mà Việt Nam phải nhập khẩu.

Năm nay, do ảnh hưởng của chiến tranh Ukraine và việc Indonexia cấm xuất khẩu than đã làm cho giá than trên thị trường thế giới tăng mạnh, cùng với sự biến động mạnh của tỷ giá USD… tất cả đã ảnh hưởng đến giá bán của các nhà máy điện. EVN cho biết, Tập đoàn này đã tìm mọi cách để cắt giảm chi phí, như chi phí sửa chữa, chi thường xuyên… nhưng vẫn không đủ để bù lỗ cho chi phí mua điện đang tăng cao. Chưa kể đến các dự án vay vốn ODA của EVN để đầu tư lưới điện, khi tỷ giá biến động cũng gây thua lỗ đến 756 tỷ đồng.

Hình: Một bài báo nói về việc EVN thua lỗ khu

Hiện nay, EVN đang gặp những khó khăn sau:

  • Không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các nhà máy điện, ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy, dẫn đến ảnh hưởng việc bảo đảm cung cấp điện.
  • Chi phí sửa chữa đã bị cắt giảm từ 10-30%, nếu tiếp tục cắt giảm sẽ ảnh hưởng đến an toàn vận hành hệ thống điện, có thể gây ra sự cố.
  • Khó khăn trong huy động vốn, cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án điện, sửa chữa và bảo dưỡng các công trình điện.

Ông Nguyễn Tài Anh – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN cho biết, với mức thua lỗ hiện nay, trong ngắn hạn thì sẽ chưa ảnh hưởng gì, nhưng về lâu về dài thì các tổ chức cho vay quốc tế sẽ đánh giá tiêu cực, “họ sẽ không cho vay nếu tình trạng thua lỗ kéo dài”. Theo ông, “Chính phủ và các bộ ngành cũng phải tính toán, làm sao có giải pháp để đảm bảo hài hoà lợi ích”.

Theo tính toán của EVN, giá bán điện bình quân năm nay ước tính là 1.786đ/kWh, trong khi giá mua bình quân là 2.500,46đ/kWh. Sau 5 năm liên tục có lãi, đây là lần đầu tiên EVN thua lỗ khủng.

Theo dự báo, giá nhiên liệu thế giới năm 2023 chưa có dấu hiệu giảm, tỷ giá ngoại tệ USD vẫn tăng, tỷ trọng nguồn điện giá rẻ giảm (ví dụ thuỷ điện) và tỷ trọng nguồn điện giá cao tăng (nhiệt điện)… EVN vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong cân đối dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện, cân đối và huy động vốn để đầu tư các dự án điện… Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của EVN trong những năm tới. Không chỉ giá điện mà cả sản lượng điện đang chịu áp lực lớn, khi mà giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện đều tăng vọt và nguồn ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu lại đang thiếu hụt.

Hình: Phân bổ nguồn điện

Tuy EVN khẳng định, sẽ tiếp tục sản xuất, cung ứng điện an toàn, phục vụ sự phát triển của kinh tế – xã hội và sinh hoạt của người dân, nhưng qua bài học thực tế về việc thiếu xăng kéo dài thời gian qua, có lẽ không mấy ai có thể lạc quan với lời hứa hẹn của những ông quan điện lực này.

Một vấn đề lớn nữa cần đặt ra cho bài toán năng lượng của Việt Nam là, vì sao Việt Nam lại thiếu than, lại phải nhập khẩu than, trong khi Việt Nam là một quốc gia dồi dào tài nguyên thiên nhiên, dồi dào mỏ quặng than?

Câu trả lời nằm ở chỗ, từ nhiều năm trước Việt Nam đã cho xuất khẩu than đá và khai thác than bữa bãi. Các mỏ than hiện nay đang dần cạn kiệt, than lộ thiên không còn nữa. Khô kiệt đến mức, mỏ than lộ thiên lớn nhất ở Quảng Ninh đã phải đóng cửa vào năm 2021. Những mỏ than sâu trong lòng đất thì chưa đủ công nghệ để khai thác. Chính vì thế khi nhu cầu sử dụng tăng thì giá than nội địa cũng tăng theo. Dẫn đến việc buộc phải nhập khẩu than đá từ nước ngoài. Chỉ riêng với ngành điện lực, tổng nhu cầu than cho sản xuất điện giai đoạn 2016-2030 khoảng 1,4 Tỷ tấn, trong khi đó than trong nước chỉ sản xuất được khoảng 735 triệu tấn, nhu cầu nhập khẩu khoảng 650 triệu tấn. Ngay trong năm 2022, khi lo ngại về tình hình biến động than trên thế giới ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, Indonexia đã ra lệnh cấm xuất khẩu than, thế nhưng, ngành than Việt Nam vẫn đường hoàng cho xuất khẩu 2 triệu tấn than.

Bức tranh toàn cảnh cho thấy một tương lai rất ảm đạm cho người Việt.

Hình: Lợi nhuận sau thuế của EVN những năm gần đây

Tú Ngọc – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Bộ trưởng Nghị “đánh trống bỏ dùi” hay đang nghĩ cách hạ nhóm lợi ích Hà Nội?

>>> Shark Thuỷ và những khoản nợ khó đòi

>>> VIN – ngàn cân treo sợi tóc, canh bạc nào có thể cứu nguy?

Trần Đại Quang và Nguyễn Bá Thanh đã đi đâu trước khi ngã bệnh? Ông Lê Văn Thành lặp lại?


Kasse animation 7.8.2023