Toà án Hà Nội sắp xét xử Phạm Đoan Trang và hai ‘dân oan’ Dương Nội

Link Video: https://youtu.be/izwyjYpsXF0

Nhà báo Phạm Đoan Trang cùng hai nhà hoạt động cho quyền đất đai, Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm, sẽ được đưa ra xét xử trong các phiên toà riêng biệt vào đầu tháng sau tại Hà Nội, theo Luật sư Đặng Đình Mạnh.

Ông Mạnh, người sẽ bào chữa cho bà Trang và ông Phương, hôm 18/10 cho VOA biết rằng trước đó trong ngày, ông đã nhận được văn bản thông báo của Toà án Hà Nội về việc xét xử ông Phương cùng bà Tâm vào ngày 3/11, và bà Trang trong một phiên toà khác vào ngày 4/11.

Bà Trang, người từng là phóng viên cho báo nhà nước và là tác giả nhiều cuốn sách trong đó có “Chính trị Bình dân”, bị bắt cách đây hơn 1 năm tại TP HCM với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015 của Việt Nam.

Giấy triệu tập của Toà án Nhân dân TP Hà Nội gửi cho LS Mạnh, thuộc đoàn luật sư TP HCM, để tham dự vụ xét xử ngày 4/11, mà VOA được xem, cho biết bà Trang “bị Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy tố về tội ‘Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ theo khoản 1 điều 88 Bộ luật Hình sự.”

Điều 88 trong BLHS 1999 sau này trở thành điều 117 trong BLHS 2015.

LS Mạnh nhận bào chữa cho bà Trang vì theo ông cho biết nhà báo tự do, từng được tổ chức Phóng viên Không Biên giới trao giải Tự do Báo chí, đã đề nghị ông làm luật sư trong trường hợp “sa vào vòng lao lý.”

Tuy nhiên, LS Mạnh cho biết ông chưa bao giờ được gặp thân chủ của mình kể từ khi nhận bào chữa cho bà Trang từ tháng 10 năm ngoái.

Từ ngày chúng tôi làm thủ tục bào chữa cho đến thời điểm này thì tôi chưa hề được cơ quan điều tra hoặc các cơ quan tố tụng tạo điều kiện để tiếp xúc với thân chủ của mình,” LS Mạnh nói.

Vị luật sư thường tham gia bảo vệ cho các nhà bất đồng chính kiến cho biết rằng ông lo ngại không đủ thời gian để tiếp cận hồ sơ vụ án và thân chủ, đặc biệt trong bối cảnh có những hạn chế về đi lại và tiếp xúc do COVID-19.

Nếu không chúng tôi sẽ đành làm thủ tục xin đề nghị toà án cho hoãn phiên toà lại một thời gian, khoảng 3-4 tuần, và với thời gian như vậy chúng tôi có thể chuẩn bị cho vụ án tốt hơn,” LS Mạnh nói và cho biết rằng ngoài ông, còn có 6 luật sư khác, từ cả Hà Nội và TPHCM, sẽ tham gia bào chữa cho bà Trang.

Trong vụ xét xử dự kiến diễn ra vào ngày 3/11, LS Mạnh sẽ bào chữa cho ông Phương.

Ảnh: Bà Phạm Đoan Trang với tập tài liệu song ngữ “Báo cáo Đồng tâm” về vụ 3000 lính của Bộ Công an đột kích vào làng Đồng tâm lúc nửa đêm và giết chết cụ Lê Đình Kình 84 tuổi

Ông Phương và bà Tâm là những người lên tiếng mạnh mẽ vụ đột kích gây chết chóc của hàng nghìn cảnh sát cơ động vào làng Đồng Tâm hồi tháng 1/2019. Hai người này bị bắt vào tháng 6 năm ngoái và cũng bị tạm giam từ đó đến nay trong lúc cảnh sát tiến hành điều tra.

Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm của TAND TP Hà Nội mà VOA được xem cho biết ông Phương và bà Tâm cũng bị cáo buộc tội danh tương tự như bà Trang.

Họ bị Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội truy tố về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 BLHS 2015.

Có hai điều luật trong BLHS là điều 331, đó là ‘Lợi dụng quyền tự do dân chủ,’ và điều 117, điều luật thường hay được gọi với tên ngắn là ‘tuyên truyền chống nhà nước’, theo tôi lẽ ra không nên có trong bộ luật hình sự,” LS Mạnh nói.

Bởi vì hai điều luật này vô hình chung phủ nhận quyền tự do ngôn luận mà hiến pháp quy định.

Mọi sự phê bình, chỉ trích hay phân tích về những chính sách thì tôi nghĩ rằng bất kỳ một người dân nào cũng có quyền làm điều đó và nhà nước cũng nên khuyến khích điều đó.”

Các điều khoản này cũng thường bị các nhà hoạt động dân chủ và các tổ chức nhân quyền lên án là một công cụ để nhà cầm quyền sử dụng nhằm đàn áp các tiếng nói bất đồng với Đảng Cộng sản.

Truyền thông nhà nước Việt Nam hồi tháng 10 năm ngoái cho rằng bà Trang bị bắt vì có “mối liên hệ mật thiết với các tổ chức phản động lưu vong như Việt Tân và VOICE.

Vẫn theo báo chí chính thống của Việt Nam, ông Phương và 3 người khác, gồm mẹ và anh trai, bị bắt vì “phát tán các video clip, bài viết có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân nhằm mục đích chống phá nhà nước.”

Nhiều tổ chức và chính phủ quốc tế trong hơn một năm qua cũng đã kêu gọi trả tự do cho bà Trang cũng như ông Phương cùng những người dân làng Dương Nội khác, gồm bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư, bị bắt và xử phạt tù giam trong các phiên toà khác nhau.

Ảnh: bà Nguyễn Thị Tâm (bên trái), còn gọi là Tâm Dương Nội và ông Trịnh Bá Phương

Trên FB cá nhân GS Mac Văn Trang bình luận như sau:

Xấu hổ và đau xót

Đọc xong bài báo: “Hai nhà báo đoạt giải Nobel Hòa bình 2021” đăng trên VNExpress, tôi chợt nghĩ đến nhà báo Phạm Đoan Trang mà thấy xấu hổ và đau xót. Bài báo viết:

Giải Nobel Hòa bình năm nay thuộc về Maria Ressa và Dmitry Muratov, hai nhà báo người Philippines và Nga, vìnỗ lực bảo vệ quyền tự do ngôn luận”.

Tự do ngôn luận “là điều kiện tiên quyết cho nền dân chủ và hòa bình lâu dài”, Ủy ban Nobel Na Uy ra tuyên bố hôm nay, khi trao giải Nobel Hòa bình cho nhà báo Philippines Maria Ressa và nhà báo Nga Dmitry Muratov.

Ressa và Muratov được trao giải thưởng “vì sự đấu tranh dũng cảm cho tự do ngôn luận ở Philippines và Nga.

Đồng thời, họ là đại diện của tất cả nhà báo đứng lên vì lý tưởng này trong một thế giới mà dân chủ và tự do báo chí phải đối mặt với những điều kiện ngày càng bất lợi”, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Berit Reiss-Andersen nói trong cuộc họp báo tại Oslo”…

Ảnh: Việt nam đang giam giữ 276 tù nhân lương tâm, trong đó hầu hết đều là người lên tiếng về quan điểm cá nhân một cách ôn hòa

Tôi thấy XẤU HỔ vì hai nhà báo kia lập ra hai tờ báo, thực hiện quyền TỰ DO NGÔN LUẬN để phê phán các sai lầm của chính quyền, lên án tệ tham nhũng, lạm quyền và các tệ nạn xã hội, vậy mà khi họ được công khai, đàng hoàng hoạt động; được công chúng tin cậy và khi được Giải thưởng Nobel Hòa bình, chính quyền không những không ngăn cản đến nhận mà còn tự hào và chúc mừng họ.

Mà chính quyền Duterte ở Philippine và chính quyền Putin ở Nga vẫn bị coi là độc tài đấy.

Trong khi đó Tự do ngôn luận của Việt Nam được ghi trong Hiến pháp nhưng chưa bao giờ được thực hiện.

Hàng loạt nhà báo, blogger bị bắt, bị tù đày. Các nhà báo nói lên sự thật phê phán những sai trái của chính quyền một cách ôn hoà cũng bị coi là “thế lực thù địch”!

Điển hình là chính quyền bắt giam một năm nay và sắp đưa xét xử nhà báo Phạm Đoan Trang về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, được quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017”.

ĐAU XÓT vì so sánh hai nhà báo này với Phạm Đoan Trang thì nhà báo Phạm Đoan Trang có kém gì đâu, mà bị khủng bố, bôi nhọ, bắt bớ, tù đày! Phạm Đoan Trang một nhà báo yêu nước, có trách nhiệm xã hội rất cao và đặc biệt một tài năng hiếm có.

Trong vòng vài năm, cô đã xuất bản mấy cuốn sách: “Chính trị bình dân”, “Phản kháng phi bạo lực”, “Cẩm nang nuôi tù”, Báo cáo “Toàn cảnh thảm hoạ môi trường Việt Nam”, “Báo cáo về Đồng Tâm”…, thành lập trang web ‘Luật Khoa tạp chí‘ với tư cách là một hình thức báo chí độc lập tại Việt Nam để phổ biến chủ yếu về lĩnh vực pháp luật.

Ảnh: Tất cả những tác phẩm của Phạm Đoan Trang và nhà xuất bản tự do đều nhằm KHAI DÂN TRÍ VỀ CHÍNH TRỊ.

Đúng như nhiều người nhận xét: Dân trí về Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội cũng bị kìm kẹp, kém phát triển, nhưng tệ hại nhất là dân ta rất kém hiểu biết về Khoa học Chính trị, về quyền Công dân, về Dân chủ, Nhân quyền…

Phạm Đoan Trang đã dồn hết tâm trí vào lĩnh vực này. Phạm Đoan Trang không hề chửi bới, kích động “chống phá chính quyền”, thậm chí cô luôn nhắc “Phi bạo lực! Phi bạo lực! Phi bạo lực!”.

Sách của Phạm Đoan Trang cung cấp những tri thức rất cơ bản, hiện đại, thực tế; cách viết bình dân, chân thực, giản dị, hướng dẫn cho người dân có nhận thức, thái độ, hành động đúng mực để thực hiện các quyền cơ bản được ghi trong Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết.

Tôi thách Quốc hội Việt Nam tốn nhiều tỉ để ra được một cuốn sách phổ cập kiến thức Chính trị cho các Đại biểu Quốc hội và cho người dân đạt trình độ như sách “Chính trị bình dân” (hơn 500 trang) như của Phạm Đoan Trang.

Một người yêu nước, một tài năng quý giá như thế mà đem huỷ hoại đi! Thật ác độc! Thật đau xót cho đất nước này!

Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Việt Nam không phải là của hồi môn của Đảng đem biếu tặng cho Trung quốc!

>>> Vụ án Phạm Đoan Trang: Cáo trạng cho biết những gì?

>>> ‘Chưa ai thiếu ăn, thiếu mặc’: Lãnh đạo khẳng định không hề nói, báo đưa băng ghi âm

Thư Sài Gòn: Sức sống người dân thật mãnh liệt khi hết bị phong tỏa


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT