Đói khổ thêm trầm trọng khi phong tỏa kéo dài trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư

Link Video: https://youtu.be/mxhlYty8RoU

Nhiều hoàn cảnh thương tâm

Trước nguy cơ bệnh dịch COVID-19 lây nhiễm tràn lan trong cộng đồng, Chính phủ Hà Nội từ trung tuần tháng bảy đã bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16 một cách nghiêm ngặt, đặc biệt tại miền Nam. Đây là khu vực kinh tế trọng điểm của Việt Nam.

Trong hơn hai tuần qua, nhiều hình ảnh thương tâm được cộng đồng chụp lại và lan tỏa trên mạng xã hội. Chẳng hạn như bức hình một người đàn ông còm cõi đang lục tìm thùng rác, dưới bóng đèn đường rọi xuống con phố vắng tanh.

Đây có phải chỉ là một trường hợp cá biệt trong bối cảnh hàng triệu người Việt Nam đang gồng mình trước hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát nghiêm trọng?

Thực tế cho thấy đó không phải là trường hợp cá biệt! Truyền thông Nhà nước Việt Nam liên tục đăng tải những thông tin về hoàn cảnh của rất nhiều người, khiến động lòng trắc ẩn trong công luận.

Trang mạng VOV.VN, vào ngày 11/7, ghi nhận một nhóm 47 người dân tộc H’Rê, đang làm thuê ở tỉnh Khánh Hòa, rủ nhau đi bộ về quê ở Quảng Ngãi vì họ không còn tiền mua thức ăn và cũng không có phương tiện đi lại.

Vietnamnet.vn, vào ngày 20/7, loan tin có bốn ngư dân đi bộ từ Ninh Thuận về Phú Yên trong tình cảnh nhịn đói xuyên ngày và bị gục bên đường.

Bốn ngư dân này nói với báo giới rằng họ đi theo tàu cá đến Ninh Thuận được hai tháng. Thế nhưng, họ không có thu nhập do dịch COVID-19. Họ buộc phải đi bộ về quê vì hết tiền và không có xe liên tỉnh.

Tiếp đến vào ngày 21/7, Vietnamnet.vn kể lại câu chuyện của một nữ công nhân, ở Sài Gòn phải đi “mót” rau, củ hỏng ở chợ về nấu cơm cho gia đình với bốn miệng ăn. Chị công nhân tên Hồng đành phải cầu cứu với người thân ở quê gửi tiền và thực phẩm tiếp tế cho gia đình chị.

Báo mạng Xã Luận, vào ngày 24/7, đăng lại một câu chuyện được chia sẻ trên mạng cộng đồng xe ôm, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Một con đường bị phong tỏa để chống dịch ở phường 4, quận 3, TP.HCM

Câu chuyện nói về một chú chạy xe ôm, đến quán ăn để đặt đồ ăn và giao cho khách. Trong lúc chờ nhận đồ ăn, chú xe ôm nhìn thấy một cái đùi gà còn dư lại trên đĩa của một thực khách ở trong quán. Chú xe ôm đã hỏi xin nhân viên cho chú mang cái đùi gà thừa đó về cho cháu của mình ăn.

Bây giờ bán ở chợ thì bán không được. Bán được đến 11 giờ sáng thì bắt phải nghỉ rồi. Mà họ giăng dây tùm lum, không cho đi tới đi lui. Từ phường này đi qua phường kia đã khó rồi. Hôm qua, tôi có bán nhưng bán được ít lắm. Hôm nay, tôi không ra chợ bán luôn. Không có người đi chợ. Ít lắm-Chị Tâm

Đời sống khó khăn, kiệt quệ

Đài RFA vào tối ngày 28/7, trò chuyện với một số người dân và được nghe họ chia sẻ rằng cuộc sống trong những ngày giãn cách xã hội nghiêm ngặt do dịch bệnh COVID-19 rất đỗi khó khăn và kiệt quệ.

Mấy ngày trước đó, chúng tôi cũng được dịp trao đổi với vài tài xế công nghệ và được nghe họ than phiền về hoàn cảnh rất đỗi thiếu hụt, do ra đường chạy kiếm cơm không được bao nhiêu mà còn bị phạt và dễ bị lây nhiễm bệnh. Một tài xế chạy Grab bộc bạch rằng anh không nhận được một đồng hỗ trợ nào từ chính quyền và đang rất lo ngại trong tình hình tiếp tục giãn cách xã hội nghiêm ngặt thì cả gia đình sẽ bị đói.

Một tài xế chạy xe tải hạng nhẹ, chuyển giao hàng ở Đồng Tháp, cho biết:

Trước mắt chỉ hỗ trợ là làm cho mình một giấy đi đường. Nhưng họ lại xiết chặt, mỗi ngày mỗi khác, mỗi ngày mỗi căng. Hôm nay đòi giấy này, mình vừa làm giấy này xong thì ngày mai lại đòi giấy khác. Ngày càng căng thẳng và khó khăn hơn quá. Bây giờ chở hàng từ kho về nhà còn không được. Mạnh ‘ông’ nào thì ‘ông’ nấy có quyền, mỗi ‘ông’ phường có mỗi luật khác nhau.”

Chị Tâm, một tiểu thương bán ở chợ thành phố Cao lãnh, thủ phủ của tỉnh Đồng Tháp, vào tối ngày 28/7, lên tiếng với RFA:

Bây giờ bán ở chợ thì bán không được. Bán được đến 11 giờ sáng thì bắt phải nghỉ rồi. Mà họ giăng dây tùm lum, không cho đi tới đi lui. Từ phường này đi qua phường kia đã khó rồi. Hôm qua, tôi có bán nhưng bán được ít lắm. Hôm nay, tôi không ra chợ bán luôn. Không có người đi chợ. Ít lắm!”

Chị Tâm cho biết thêm rằng khi đợt dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, chị bán rất chạy mặt hàng trứng vịt, trứng gà, là thực phẩm mà nhiều người nghèo chọn mua để ăn trong những ngày dịch bệnh. Thế mà, tình hình khó khăn đã và đang gây ra tình trạng người mua không thể có thức ăn, còn người bán thì ôm hàng chịu lỗ.

Dân tình sẽ đói khổ?

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, tại Hội nghị về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, diễn ra hôm 14/7/2021, đã phát biểu “Cần nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho đối tượng yếu thế, không để dân thiếu ăn thiếu mặc, không bỏ sót người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.”

Đài RFA ghi nhận ý kiến của người dân cho rằng giới chức lãnh đạo cứ tiếp tục hô hào hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, trong thực tiễn dân tình ngày càng khổ sở khi dịch bệnh kéo dài hơn một năm rưỡi và đợt bùng phát hiện tại sẽ khiến cho dân chúng lâm vào cảnh đói khổ, nếu như nhà nước không kìm hãm được đợt dịch này.

Ở nhà có rau, củ, quả rất dồi dào. Trồng nhiều lắm. Lúc trước còn tiếp tế cho mấy người bạn, quen biết nào bầu, rau, cải…Hôm rày thì không ai được tới lui gì hết. Tình hình căng lắm. Ở đây, bây giờ nhiều người nhờ dịch vụ xe grab đưa đồ. Đồ thiết yếu thì được, còn những thứ không quan trọng là bị chặn lại và phạt liền-Ông Năm

Uỷ ban Nhân dân TP.HCM, ngày 28/7, thông báo sẽ có những đánh giá về toàn bộ tình hình dịch của thành phố và có thể áp dụng biện pháp giãn cách xã hội thêm một, hai tuần nữa.

Hầu hết những cư dân Sài Gòn Đài RFA tiếp xúc đều đồng loạt cho rằng tình hình sẽ càng tồi tệ hơn khi thành phố tiếp tục biện pháp giãn cách xã hội.

Song song với việc đi lại khó khăn theo Chỉ thị 16, nhiều thông tin về những nơi phân phát đồ ăn, thực phẩm thiện nguyện và miễn phí được lan tỏa trên mạng xã hội, qua những số điện thoại được phổ biến rộng rãi.

Ông Năm, một cư dân ở Bình Dương, tâm tình với RFA rằng nhà ông có đất đai vườn tược nhiều và ông trồng trọt cũng nhiều. Việc làm này như một thú tiêu khiển của tuổi già, đồng thời tặng cho bà con chòm xóm, trong đó có những công nhân tứ xứ về ở trọ và làm việc tại khu công nghiệp Bình Dương.

Ở nhà có rau, củ, quả rất dồi dào. Trồng nhiều lắm. Lúc trước còn tiếp tế cho mấy người bạn, quen biết nào bầu, rau, cải…Hôm rày thì không ai được tới lui gì hết. Tình hình căng lắm. Ở đây, bây giờ nhiều người nhờ dịch vụ xe Grab đưa đồ. Đồ thiết yếu thì được, còn những thứ không quan trọng là bị chặn lại và phạt liền.”

Trong khi đó truyền thông chính thống loan tin Chính quyền TP.HCM xử phạt được hơn 18 tỷ đồng, tính đến chiều ngày 23/7 và Chính quyền TP. Hà Nội xử phạt hơn 1,5 tỷ đồng trong ba ngày đầu áp dụng giãn cách xã hội.

Ngun: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-the-poor-people-survive-in-the-fourth-covid-19-outbreak-in-vn-07282021165244.html

Kasse animation 7.8.2023