Người Việt lệch pha với thế giới về quan niệm chính trị?

Link Video: https://youtu.be/t1oDWzu-6w0

Thể chế Cộng sản độc đảng độc tài, toàn trị chỉ còn ở Việt nam Trung quốc, Bắc Hàn và Cu ba, đương nhiên cách làm chính trị hoàn toàn khác biệt so với thế giới.

Luật sư Ngô Ngọc Trai đưa ra bình luận về chủ đề “Người Việt lệch pha với thế giới về quan niệm chính trị” đăng trên BBC Tiếng Việt với nội dung như sau:

Đảng Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị tiến tới Đại hội lần thứ 13. Đây là lúc diễn ra nhiều thông tin sự kiện chính trị và khi xét kỹ thì thấy nhiều quan niệm chính trị của người Việt đang lệch pha so với thế giới.

Ai có khả năng?

Lâu nay nhiều người giữ lối nhận thức rằng những người hoạt động chính trị phải có tầm cỡ ghê gớm lắm, phải có tài chính mạnh, các mối quan hệ và truyền thống gia đình chính trị lâu đời.

Hoặc nhiều người nhìn vào các lãnh đạo chính trị qua cương vị họ đang nắm giữ để rồi hoảng hốt về bộ máy nhân sự hàng nghìn vạn người mà nhân vật chính trị đang đứng trên, để rồi thấy mình như bé bỏng khó thể nào đạt được tầm cỡ như vậy nên bỏ đi ước mơ làm chính trị.

Ngược với đó tôi cho rằng hoạt động chính trị đơn thuần là một khuynh hướng khả năng của mỗi người, nó không khác bao nhiêu so với những người có ham thích với chơi chim, nuôi cá cảnh hoặc vẽ tranh.

Một người có trình độ học thức, có năng khiếu diễn giải thuyết phục, quen làm việc và tiếp xúc với các vấn đề chính trị xã hội, thì hoàn toàn có thể được vun đắp đào tạo trở thành một nhà chính trị. Hoạt động chính trị theo đó cũng có thể xem như một lĩnh vực ngành nghề trong đời sống xã hội.

Nếu như đời sống chính trị dân chủ, có nhiều đảng phái và tổ chức hội đoàn độc lập, thì đó sẽ là những ngôi trường đào tạo hình thành lên các nhà hoạt động chính trị. Thông qua các sinh hoạt vận động một người sẽ sớm được đào tạo kỹ năng chính trị và trưởng thành.

Bởi vậy ở nhiều nước trên thế giới có dàn lãnh đạo chính trị khá trẻ, có khi chỉ mới 30, 40 tuổi.

Ảnh: Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu, biểu quyết thông qua chương trình Hội nghị Trung ương 13 của Đảng

Còn nếu thực tế chỉ có duy nhất một đảng phái chính trị như Việt Nam thì đương nhiên sẽ làm hạn chế đi số người có cơ hội được tham gia vào môi trường đào tạo để có thể trở thành lãnh đạo chính trị.

Và cũng do thiếu những sinh hoạt có tính chất đào tạo khiến mất nhiều thời gian hơn mới cho ra một lãnh đạo chính trị và tuổi đời người làm chính trị trở lên cao hơn.

Quan trọng là năng lực

Nền chính trị nhiều nước cho thấy, với cơ chế dân chủ và sinh hoạt chính trị phong phú, những người chỉ với hai bàn tay trắng, hoặc có rất ít những điều kiện về tiềm lực kinh tế hay quan hệ gia đình, chỉ với năng lực và tố chất bẩm sinh thì họ vẫn có thể thành công.

Tổng thống Obama là một ví dụ, bố là người Kenya, mẹ là một nhân viên ngành ngoại giao cấp thấp, hai đời chồng, ông Obama từng sống ở Indonesia nơi người bố dượng thứ hai mang quốc tịch và rồi sống ở Hawaii với ông bà ngoại.

Ông Obama chỉ bằng nỗ lực tự học và cơ chế đa đảng dân chủ mà được vun đắp trở thành lãnh đạo chính trị. Bằng tài năng nhãn quan chính trị của mình ông thấy rằng nước Mỹ nên có các chính sách đường lối phát triển như thế nào, ông đã thuyết phục được người Mỹ về điều đó và họ bầu ông làm Tổng thống.

Hoặc như ông Bill Clinton tổng thống Mỹ trước đó, bố mất sớm, mẹ là một y bác sĩ, ông cũng qua trường luật học hành mà lên, không có tiềm lực gia đình tài chính hay quan hệ gì đặc biệt.

Hay như Thủ tướng Nhật Suga mới đây là con một nông dân ở nông thôn xa đô thị, cũng nhờ quá trình tự học và làm việc mà trưởng thành.

Như thế không như nhiều người Việt nghĩ, với cơ chế dân chủ thì tiềm lực kinh tế hay thân thế sự nghiệp gia đình có cũng tốt, nhưng đó không phải là yếu tố quyết định một người có thể trở thành lãnh đạo chính trị.

Ảnh: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng báo cáo nội dung kỳ họp.

Ban phát bổng lộc

Nhiều người Việt nghĩ rằng lãnh đạo chính trị là người nắm quyền sinh sát và có thể ban phát bổng lộc cho thân thuộc.

Trong khi ở nhiều nước người hoạt động chính trị phụ thuộc vào luật pháp, họ không nắm giữ quyền lực sinh sát hay ban phát bổng lộc của các ông vua quan thời phong kiến.

Người hoạt động chính trị dựa chủ yếu vào những lý lẽ biện giải về các sự vật sự việc, có phương hướng tầm nhìn dẫn dắt công chúng. Người hoạt động chính trị dựa chủ yếu vào tri kiến và một khả năng nhất định về sự thuyết phục.

Qua bầu chọn mà thành người giữ cương vị lãnh đạo, hết nhiệm kỳ lại trở về với chỉ hai bàn tay.

Bên cạnh những người hoạt động chính trị thì có bộ máy chính quyền, hay bộ máy hành chính, bao gồm các công chức được ký hợp đồng trả lương. Lãnh đạo chính trị không có quyền hành bao nhiêu với bộ máy hành chính.

Tổng thống Trump chỉ có quyền với bộ máy chính phủ bao gồm các bộ trưởng do ông và đảng của ông lựa chọn, ông chẳng có quyền gì với một nhân viên hành chính trong các phòng ban ở các quận hay thành phố. Những việc ông có thể làm là đưa ra các dự luật mà muốn đạt được thì phụ thuộc vào sự thuyết phục và tính đúng đắn xác đáng của nội dung vấn đề.

Tựu chung lại bộ máy chính trị của Việt Nam phản ánh phần nào tầm mức nhận thức của dân chúng, nhiều quan niệm chính trị của người Việt lệch pha so với thế giới.” Luật sư Ngô Ngọc Trai kết luận.

Ảnh: chiếc áo vest trong 428 bộ Complet giá 6 triệu đồng may tặng đại biểu dự đại hội Đảng tỉnh Tuyên Quang với yêu cầu có chất liệu CASHMERE (Italy), nguyên phụ liệu: Cúc áo, khóa quần, chỉ may nhập của Đức; chất liệu vải lót trong của Nhật.

Các bình luận ‘mong Đảng Cộng sản dân chủ hóa, thậm chí đa đảng’

Một nhà quan sát chính trị ở Hà Nội cho rằng chính sách nhân sự của Đảng Cộng sản hiện vẫn là “một người, một nhóm người từ cấp huyện, tỉnh đến trung ương có quyền xếp đặt“.

Nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh, cựu Giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, nói như vậy với BBC ngày 29/9.

Tôi thấy rằng qua các hiện tượng, đơn cử trong đó có các quyết định người này làm bí thư Đảng ủy thành phố Bắc Ninh, người kia làm phó bí thư Thành ủy Hà Nội v.v…, trước Đại hội 13 cho ta thấy rằng, chính sách nhân sự của ĐCSVN là một người, một nhóm người từ cấp huyện, tỉnh đến trung ương có quyền xếp đặt các chức vụ lãnh đạo Đảng và Chính quyền của Đảng.

“Điều này tất dẫn đến việc bầu bán ở hội trường chỉ là hình thức. Ta không thấy có ít nhất hai ứng viên bí thư huyện ủy hay tỉnh ủy tranh cử ở các Đại hội đảng đã diễn ra.”

Vì thế ông Sinh cho rằng “cách thức tuyển chọn nhân sự lãnh đạo đảng Cộng sản không có gì khác các kỳ Đại hội đảng trước đây“.

Theo ông để chống nạn chạy chức, chạy cơ cấu, đảng CSVN không thể giữ nguyên cách làm cũ này.

Chỉ có dân chủ hóa việc bầu chọn người lãnh đạo bằng cách các ứng viên tranh cử tự do, các đảng viên được quyền bầu chọn người lãnh đạo của họ thì công việc xây dựng đảng và quản trị xã hội mới tốt đẹp, thoát khỏi sự tha hóa đang hủy hoại sự nghiệp của đảng này.”

Trong khi đó, nói từ góc độ người dân ở Sài Gòn, blogger Sương Quỳnh nói với BBC rằng bà mong Đảng “phải chấp nhận và để cho chế độ đa đảng xuất hiện, tồn tại để các đảng phái chính trị cạnh tranh công khai, công bằng“.

Ảnh: Các lãnh đạo Việt Nam

Xem đảng nào có những quyết sách tốt nhất, được ủng hộ nhất đưa đất nước phát triển và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, cũng như ai phục vụ nhân dân tốt nhất và được nhân nhân tín nhiệm giao phó trọng trách điều hành việc nước,” bà Sương Quỳnh chia sẻ.

Chia sẻ nhận định này, nhà bất đồng Nguyễn Vũ Bình (nguyên Biên tập viên Tạp chí Cộng sản của ĐCSVN) nói với BBC:

Tôi thấy rằng cách làm nhân sự của ĐCS Việt Nam hiện nay không có sự cạnh tranh công khai, minh bạch. Tất cả các quy định, thủ tục lựa chọn nhân sự chỉ để hợp thức hóa việc lựa chọn người theo phe cánh, quan hệ và việc mua quan bán tước (tiêu cực, hối lộ, đút lót). Đó là cách lựa chọn nhân sự được chính các đảng viên và nhân dân đúc kết: thứ nhất hậu duệ – thứ nhì quan hệ – thứ ba tiền tệ – thứ tư trí tuệ. Trong khi đó cũng có sự cạnh tranh nhưng là cạnh tranh ngầm giữ các phe cánh.”

Tóm lại phải thực hiện cạnh tranh công bằng và công khai minh bạch quá trình lựa chọn, ứng cử và bầu cử,” ông Vũ Bình khẳng định.

Ý thức hệ và điều cần thay đổi?

Về khía cạnh ý thức hệ và tư duy cầm quyền, kể cả tư duy về pháp quyền, liên quan tới thể chế, chế độ hiện nay, khi được hỏi liệu đảng Cộng sản đang cầm quyền ở Việt Nam có điều gì cần phải suy nghĩ, xem lại và cần thay đổi không, cải tổ không, các ý kiến nói với BBC.

Ông Lê Văn Sinh nghiêng về mô hình phát triển xã hội của Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan.

Muốn giữ vững độc lập và chủ quyền quốc gia, Việt Nam không thể học Trung Hoa cộng sản. Học họ thì cùng lắm chỉ trở thành học trò dù “xuất sắc” mấy mà thôi. Đó là cách tốt nhất và duy nhất để thoát Trung,” ông Sinh nói.

Ông bày tỏ: “Theo tôi, đảng có giữ được quyền lãnh đạo đất nước hay không tùy thuộc vào các chính sách của đảng có vì dân hay không? Có coi dân là thế lực thù địch hay không? Có để cho nạn kiêm tính, tước đoạt hay thâu tóm đất đai của dân nhân danh ‘nhà nước quản lý’ tạo ra một tầng lớp dân oan ngày càng đông đảo nữa hay là không?”

Ông Nguyễn Vũ Bình tán đồng: “Theo tôi, tất cả cần thay đổi, tự thay đổi để phù hợp với các diễn biến của tình hình mới.”

Việc mở rộng không gian tự do cho người dân cần thực hiện ngay, sau đó có các bước đi chuyển hóa dần sang thể chế dân chủ. Đây là các lựa chọn thực tế cho đảng Cộng sản và nhà cầm quyền ở Việt Nam.”

Ảnh: Một đại hội Đảng bộ cấp xã với trang trí hoa tươi lòe loẹt

Về kỳ Đại hội 13 của ĐCSVN dự kiến nhóm họp vào đầu năm 2021, khi được hỏi liệu có kỳ vọng, trông đợi hay lời khuyên nào cho chính quyền và đảng cầm quyền hay không về kỳ đại hội này, các nhà quan sát nêu quan điểm với BBC.

Ông Lê Văn Sinh không hy vọng gì mấy: “Cung cách chuẩn bị nhân sự và đường lối xây dựng xã hội không thay đổi, vẫn là kiên trì xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vẫn coi học thuyết xây dựng xã hội của Lenin làm nền tảng tư tưởng- lý luận thì đừng mong một sự thay đổi tốt đẹp.”

Tuy nhiên, tôi hy vọng trong tương gần sẽ xuất hiện một nhà lãnh đạo mới cấp tiến dám từ bỏ những giáo điều tệ hại kìm hãm sự phát triển của đất nước Việt Nam.”

Bà Sương Quỳnh cũng bi quan: “Thực lòng tôi cũng chẳng kỳ vọng gì cả vì ai lên nắm quyền, nếu vẫn giữ nguyên con đường tiến lên Chủ nghĩa Xã hội mà như chính ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng chẳng biết hết thế kỷ này có tới được chưa, mà vận mệnh đất nước cũng như sự phát triển bị đưa theo một con đường mù mờ như thế thì có hy vọng gì.”

Cho nên, tôi thấy nếu còn giữ tư duy lãnh đạo tới tận nay của đảng cộng sản VN, thì họ chỉ làm đất nước này ngày càng lụn bại.”

Ông Nguyễn Vũ Bình lại có nhận định lạc quan hơn: “Kỳ đại hội XIII này, sẽ thực hiện sau cuộc bầu cử ở Mỹ, cuộc bầu cử sẽ quyết định tình hình chính trị thế giới và khu vực. Cuộc đối đầu Mỹ – Trung sẽ gay gắt tới mức một mất một còn nếu ông Donald Trump tái trúng cử. Trong trường hợp đó, các diễn biến tiếp theo sẽ không thể lường trước được. Nếu không có cuộc đối đầu Mỹ – Trung hoặc kết quả cuộc bầu cử ông Joe Biden trúng cử, thì không có kỳ vọng và trông đợi gì ở đại hội lần này.”

Ngược lại, có thể có những thay đổi trong đại hội nếu như ông Donald Trump tiếp tục tái cử. Hoặc dù không có thay đổi trong đại hội XIII thì tình hình của Việt Nam cũng sẽ phải thay đổi bởi Việt Nam nhiều khả năng sẽ không còn lựa chọn Trung Quốc làm đồng minh nữa.”

Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Lối thoát cho Đảng Cộng Sản Việt Nam: Tạ lỗi trước nhân dân và vứt bỏ CN Marx-Lenin

>>> Thừa Thứ trưởng Công an – Trung ương đảng loay hoay, lúng túng

>>> Nguyễn Thanh Nghị làm Thứ trưởng – Cú móc “ngược” của Ba X


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023