Bắt người tùy tiện – Đảng Cộng Sản Việt Nam bị Liên Hiệp Quốc “hỏi tội”

BBC mới đây đã tiết lộ Báo cáo thường niên năm 2020 của Hội đồng Nhân quyền LHQ được trình lên Tổng thư ký LHQ cho biết ít nhất 16 người đã bị chính quyền Việt Nam bỏ tù, thu giữ giấy tờ tùy thân, xét hỏi mà không có luật sư hỗ trợ hoặc theo dõi chặt chẽ từ năm 2019 tới nay. Báo cáo cũng bao gồm lời giải trình của chính phủ Việt Nam về từng trường hợp đã nêu. Tuy nhiên, chính quyền cộng sản Việt Nam đã đưa ra những lời giải thích không đúng sự thật, tiêu biểu là trường hợp liên quan đến luật sư và nhà bảo vệ nhân quyền Việt Nam Trương Thị Hà.

Vụ bắt giữ tùy tiện Trương Thị Hà xảy ra vào 26/03/2020, có vẻ là để trả đũa việc cô hợp tác với LHQ.

Tháng 11/2019, cô Hà đã tham gia một hội thảo do Báo cáo viên Đặc biệt tổ chức – chủ đề về quyền tự do hội họp và hiệp hội hòa bình ở Geneva, nơi cô bày tỏ nỗi sợ hãi bị trả thù và sau đó tham gia hợp tác với LHQ trong vài tháng sau đó.

Vào ngày 25/3/2020, Trương Thị Hà dự định trở lại Việt Nam, sau khi làm việc tại LHQ, và dự định sẽ qua biên giới trên bộ tại Cửa khẩu Cha Lo, Dân Hoá để vào Việt Nam. Do COVID-19, cô được cho là đã bị cách ly cùng nhiều người Việt Nam khác trong hai tuần tại một khu tập trung ở Quảng Bình. Tại đây, cô bị chính quyền tịch thu chứng minh thư, bằng lái xe và hộ chiếu, cùng đồ dùng cá nhân. Cô được thả vào ngày 13/04/2020 mà không được trả lại các vật này.

Trước yêu cầu giải trình của LHQ, Chính phủ Việt Nam đã lấp liếm rằng trong thời gian cách ly bắt buộc, Hà được đối xử như những người khác; các quyền của cô được tôn trọng, bao gồm việc được theo dõi sức khỏe, giữ liên lạc với gia đình, đăng và chia sẻ thông tin cập nhật về tình hình của cô trên Facebook,được cung cấp chỗ ở và ăn uống đầy đủ. Hiện tại, Trương Thị Hà đang tự do và không phải là đối tượng bị tạm giữ, khởi tố hình sự…

Ảnh: Cô Trương Thị Hà chụp cùng Báo cáo viên Đặc biệt Clement Nyaletsossi Voule về quyền tự do hội họp và biểu tình ôn hoà tháng 11/2019 tại Geneva

Tuy nhiên, cô Trương Thị Hà đã phản bác lại nội dung mà chính quyền Việt Nam nói là lúc ở trong khu cách ly, quyền của cô được tôn trọng, được giữ liên lạc với gia đình.

Cô viết trên trang facebook cá nhân rằng: “Nhưng thực tế là gì ạ?  Khi tôi mượn một bạn trai trong khu cách ly một cái điện thoại và 1 cái Sim để liên hệ gia đình, công an tỉnh Quảng Bình đã bất ngờ gọi tôi lên thẩm vấn 2 lần và tịch thu chiếc điện đó. Bạn tôi cũng bị gọi lên thẩm vấn, bao nhiêu lần thì tôi không biết, nhưng sau đó, anh ấy không dám nói chuyện với tôi nữa và luôn trong trạng thái sợ sệt!

Đúng là lúc mới mượn điện thoại, tôi đã đăng stt trên facebook và gọi điện về gia đình được vài lần. Sau đó, tôi bị tịch thu điện thoại, cả nhà tôi vô cùng lo lắng. Có lẽ, công an Quảng Bình sợ gia đình tôi sẽ đi tìm tôi nên ép tôi phải gọi điện về nhà nói với mẹ tôi là tôi đang ổn. 

Lúc tôi gọi điện về nhà ở cửa khẩu hay ở khu cách ly, công an đều đứng bên cạnh điều khiển. Mục đích của các cuộc gọi đó không phải vì họ thương tôi, không phải vì họ muốn tôi hỏi thăm sức khoẻ gia đình, mà họ muốn đạt được mục đích của riêng họ.  ( Tại cửa khẩu, họ bắt tôi gọi điện về nhà để tìm ra người đã cho tôi mượn điện thoại ở cửa khẩu.  Tại khu cách ly, họ bắt tôi gọi điện về nhà để thuyết phục gia đình tôi không liên hệ với tôi nữa.)

Tôi cũng bao nhiêu lần nói với các cán bộ tại khu cách ly là tôi cần điện thoại để cập nhật tình hình cho gia đình.  Nhưng họ đều bơ đi, còn người dân trong khu cách ly thì sợ bị liên luỵ nên không ai dám giúp tôi một cách công khai.

Trong văn bản gửi UN, chính quyền Việt Nam cũng không đề  cập đến việc cấp dưới của mình đã tịch thu điện thoại của tôi.   Hai anh công an tỉnh Quảng Bình tịch thu điện thoại của tôi và 100 người dân tại khu cách ly làm chứng việc này chứ không phải tôi nói xạo. Sự thật mãi là sự thật! 

Nếu tôi được tự do liên hệ về gia đình, tại sao, em trai ở Sài Gòn phải lén la lén lút cho tôi mượn điện thoại, rồi trông người xung quanh để tôi gọi điện về nhà?

Nếu tôi được tự do liên hệ về gia đình, tại sao mẹ tôi và anh trai tôi như đứng đống lửa, như ngồi đống than khi không liên lạc được tôi.

Tôi không trách chính quyền Việt Nam tịch thu hộ chiếu của tôi.  Điều khiến tôi đau buồn nhất và mất niềm tin vào những người thực thi pháp luật nhất là họ quá cứng nhắc, họ không còn tình người. Tịch thu hộ chiếu và tài sản cá nhân của tôi rồi thì có cần tịch thu điện thoại của tôi nữa không?  Điện thoại tôi mượn bạn tôi là phương tiện duy nhất để tôi liên lạc gia đình, phương tiện duy nhất để tôi giải trí trong những ngày cách ly. Nhưng không! Họ chẳng quan tâm đến cảm xúc của tôi. Họ chỉ quan tâm là họ đã có thành tích tịch thu điện thoại của tôi để báo cáo lên cấp trên.

Tôi đã nói với UN về stt tôi đang viết.

UN vừa nói với tôi một câu: “Chúng tôi chẳng lạ gì khi chính quyền Việt Nam phản hồi như vậy!””

Ảnh: Cô Trương Thị Hà bị cách ly tại Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ công an Tỉnh Quảng Bình từ ngày 27/03 đến ngày 11/04/2020 sau khi bị tịch thu giấy tờ tuỳ thân, tiền, điện thoại…

Vào đầu tháng 06 vừa qua, cô Hà cũng chia sẻ rằng cô sẽ gửi LHQ những phần chính quyền Việt Nam lơ đi, và những phần chính quyền Việt Nam nói chưa đúng sự thật trong văn bản phản hồi.

Cô viết: “Tôi ghi nhận sự phản hồi của chính quyền Việt Nam đối với UN và các tổ chức quốc tế về trường hợp của tôi, dù sự phản hồi đó chưa khách quan, toàn diện. 

Với tư cách là một người hành nghề luật, tôi sẽ chỉ ra những thiếu sót và sai phạm của chính quyền Việt Nam để các lãnh đạo cấp trên thấy được sai phạm của cấp dưới mà chỉ bảo lại.  Để chính quyền Việt Nam để lại hình ảnh tốt đối với UN và bạn bè quốc tế về một chính phủ trung thực và có trách nhiệm đối với những quyết định chỉ đạo của mình và thuộc hạ mình thực thi.

Tôi muốn và có thiện chí làm việc riêng với các cơ quan công quyền Việt Nam nhưng tôi chỉ là một hạt cát, các yêu cầu hợp pháp của tôi không được đáp ứng. Vì thế, tôi phải nhờ UN và các tổ chức quốc tế can thiệp giúp đỡ tôi. Tôi biết chính quyền Việt Nam không thích điều này. Các văn thư của UN hay các tổ chức quốc tế cũng chẳng có giá trị cưỡng chế đối với chính quyền  Việt Nam. Nhưng thực sự, sự ủng hộ của UN và bạn bè quốc tế đã truyền cảm hứng và động lực để tôi tiếp tục theo đuổi đam mê của mình – một Luật sư bảo vệ nhân quyền.”

Ảnh chụp một phần văn bản phản hồi chính quyền Việt Nam ngày 25/05/2020 gửi LHQ

Cô Hà cũng cho biết là trong các văn bản từ phía chính quyền Việt Nam trả lời cô và UN, họ đều không đề cập đến việc tịch thu điện thoại của cô.  

Từ đó, thay vì gọi là “cán bộ”, cô gọi những người tịch thu điện thoại của cô là “kẻ cướp” vì cô cho rằng chỉ có kẻ cướp mới không dám nhận những việc mình làm. Còn “cán bộ” sẽ nhận trách nhiệm của họ và thuộc hạ của họ. 

Một người dùng facebook có tên Khanh Tram Nguyen Thi bình luận: “Ai lấy thì nên trả cho người ta, đừng để người dân xem thường bởi cách thức lấy của người ngang nhiên trắng trợn như vậy. CSGT đã bị mang tiếng là cướp ” bánh mỳ” rồi, đừng để an ninh bị mang tiếng là cướp điện thoại nữa…”

Facebook có tên Marco TDung đã trả lời ngay rằng: “Mạng người chúng còn cướp thẳng tay, chứ cái ĐT quá nhỏ bé ! Cụ Lê Đình Kình là một ví dụ rõ nét nhất gần đây.”

Facebooker này cũng nhận định: “Chúng là cả một băng đảng cướp suốt từ giữa thế kỷ trước kia mà ! Đám cướp ĐT của TTH (Trương Thị Hà) là bọn hậu sinh đời thứ ngót chục đấy nha !”

Trong một bài viết khác cô Hà cũng cho biết từ năm 2018 đến nay cô đã bị cướp mất 2 cái điện thoại với 5 cái sim, chưa kể 1 cái điện thoại và 2 cái sim bị côn đồ lục lọi email, tin nhắn nên cũng phải vứt bỏ luôn. Mà quan trọng là bị ‘cướp’ kiểu như cô thì chẳng có ai giải quyết cho.

Nhà hoạt động xã hội Lê Dũng Vova qua đó cũng chia sẻ gần chục năm nay ông đã bị cướp vô số đồ nghề.

Ảnh: Phong bì trả tiền về quê cho cô Hà đến từ Công an tỉnh Quảng Bình

Cho đến nay cô Hà vẫn luôn trong tình trạng bị an ninh cộng sản theo dõi nhất trong thời gian phiên tòa xét xử sơ thẩm 29 bị cáo trong vụ án Đồng Tâm vừa qua.

Cô cho biết trong buổi làm việc với công an vào sáng ngày 05/09/2020, công an đã yêu cầu cô có mặt tại địa phương và không tham gia phiên Toà xét xử vụ Đồng Tâm từ ngày 07/09/2020 đến ngày 17/09/2020 và chấp hành các quy định của pháp luật.  

Công an cùng đề nghị cô không cung cấp, đăng tải, chia sẻ các bài viết, hình ảnh và nội dung gây phương hại đến an ninh quốc gia Việt Nam và lực lượng công an nhân dân. 

Tại đó, cô đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình là: “Tôi không đồng ý các nội dung “các quy định của pháp luật hiện hành”, “an ninh quốc gia Việt Nam” và “lực lượng công an nhân dân” vì các các cụm từ này hơi chung chung, không rõ ràng.”

Cuộc làm việc được cô Hà chia sẻ tiếp như sau:

Công an:  Facebook không phải của em. Không phải cái gì cũng đăng lên được!

Hà: Facebook không phải của em thì của ai? Em vẫn sẽ đăng bài theo ý mình, nếu vi phạm luật em sẽ chịu trách nhiệm. Các anh muốn cấm em viết bài thì cứ cấm chứ đừng mang cái “quy định của pháp luật” với “xâm hại an ninh quốc gia” ra đây.

Công an:  Thời gian qua, bọn anh xử phạt hành chính một số đối tượng có liên quan đến tung tin sai sự thật, lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm hại an ninh quốc gia.

Hà:  Về tung tin sai sự thật thì em không lo vì em đăng tin gì em đều kiểm chứng. Có lẽ, tương lai sẽ bị các anh xử phạt về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm hại an ninh quốc gia.    Nhưng nếu em bị xử phạt là vì các anh cho là em vi phạm luật chứ bản thân em thấy, em chẳng đăng gì vi phạm luật cả. Em chỉ bày tỏ ý kiến của mình dưới góc độ luật pháp thôi.

Em thấy luật Việt Nam có cũng như không. Các anh chính là luật, muốn bắt ai hay xử phạt ai cũng được.  Nếu thực sự các anh sử dụng luật Việt Nam thì em chẳng làm gì sai cả. Nếu em đăng bài nào vi phạm luật, các anh nói cho em biết, chúng ta cùng phân tích đúng sai ở chỗ nào.

Hà:  Khi nào công an trả lại hộ chiếu và đồ cá nhân của em?

Công an:  Anh không rõ, ai thu của em thì người đó giữ của em.  Thế em không có biên bản bàn giao đồ vật hả?

Hà:  À! Đấy là bọn cướp tịch thu của em đấy mà.

Công an: Sao em lại nói thế?

Hà: Các anh làm việc với em có biên bản thì em gọi là công an, còn làm việc không có biên bản mà lại tịch thu đồ của em thì em gọi là cướp là đúng rồi còn gì.

Hà: Anh làm ở bộ phận nào ạ?

Công an: Đội an ninh.

Hà: À! Là đội chuyên chống bọn phản động đúng không? Ở địa bàn mình có nhiều người hoạt động như em không ạ?

Công an: Nhiều lắm.

Hà: Vậy tốt quá. Anh giúp em kết nối với họ nhé.

Công an: Cái này em phải tự làm chứ anh không giúp được.

Cuộc nói chuyện của cô Hà với nhân viên an ninh đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ cộng đồng mạng. Người thì khen cô dũng cảm, có chính kiến, có nghị lực, kiên cường và vui tính. Người thì ca ngợi “Dân luật phải thế chứ!”

Ảnh: Quang cảnh phiên Toà xét xử vụ Đồng Tâm diễn ra từ ngày 07/09/2020

Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Tuyên bố của văn phòng Liên minh châu Âu tại Việt Nam về hai bản án tử hình người dân Đồng Tâm

>>> Đồng Tâm: 2 người con cụ Kình có được bỏ án tử hình khi phúc thẩm hay?

>>> Đồng Tâm – Đảng “chém” vào lòng Dân tộc


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023