Liệu Quốc hội và CT T. T. Mẫn có “dập tắt” tham vọng ĐSCT Bắc Nam của Vingroup?

Việc VinSpeed một công ty con thuộc hệ sinh thái Vingroup gửi văn bản tới Chính phủ, để xin được làm chủ đầu tư dự án Đường sắt Cao tốc Bắc – Nam (ĐSCT Bắc – Nam), với nhiều ưu đãi đặc biệt chưa từng thấy.

Dư luận xã hội ngay lập tức đã xuất hiện nhiều luồng ý kiến tranh luận gay gắt về sự vội vã đầy “bất thường”, và có chủ ý của các lãnh đạo cấp cao. 

Dự án ĐSCT Bắc – Nam đã được Quốc hội Việt Nam thông qua về mặt chủ trương vào ngày 30/11/2024. Tuy nhiên, việc lựa chọn chủ đầu tư, phương án tài chính và cơ chế thực hiện… vẫn chưa được làm rõ.

Nếu được chấp thuận, đây sẽ là Dự án đầu tư công về giao thông lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, với mô hình để cho “công ty tư nhân vay tiền nhà nước để khai thác tài sản quốc gia”. 

Điều đáng nói, công ty VinSpeed không có tài sản thế chấp, khả năng hoàn vốn chưa được kiểm chứng, và rủi ro mất kiểm soát là điều gần như chắc chắn. Nhưng Vingroup vẫn khẳng định sẽ hoàn tất dự án trong thời gian không tưởng chỉ 5 năm.

Hơn nữa, Vigroup muốn toàn quyền xây dựng và vận hành tuyến Đường sắt huyết mạch Bắc – Nam trong 99 năm, tức là gần như độc quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng giao thông của quốc gia trong thế kỷ tới. 

Nếu Vingroup trong quá trình xây dựng và vận hành chuyển nhượng dự án này cho nước ngoài – mà khả năng cao là Trung Quốc thì điều gì sẽ xảy ra? 

Đó là chưa kể đến một kịch bản xấu hơn: VinSpeed bị phá sản, để thâu tóm bởi nhà đầu tư nước ngoài, và Việt nam sẽ mất quyền kiểm soát hạ tầng trọng yếu. 

Trong bối cảnh đó, công luận thấy rằng đề xuất của VinSpeed như một “cú đấm” thẳng vào khoảng trống chính sách của nhà nước, để nhằm trục lợi với sự hậu thuẫn của một số lãnh đạo cấp cao nhằm hốt cú lớn.

Tuy nhiên, chủ trương này không nhận được sự đồng thuận trong nội bộ của đảng. Ngày 22/05/2025, báo Sài gòn Giải phóng – tiếng nói của Thành Ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đã có bài viết với tiêu đề: “Nhà nước cần giữ quyền kiểm soát trong đầu tư đường sắt cao tốc” như một lời cảnh báo.

Đáng chú ý, theo giới thạo tin câu chuyện Vinspeed tham gia Dự án ĐSCT Bắc – Nam, khả năng cao chỉ là chiêu trò “chọc ngoáy” trong cuộc chiến nội bộ khi Đại hội Đảng lần thứ 14 đang đến gần. 

Một câu hỏi đặt ra, đó là, liệu Quốc hội Việt nam cơ quan quyền lực cao nhất dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn có dám bác bỏ đề xuất này của Vingroup hay không? 

Hay, Quốc hội vẫn sẽ “cúi đầu” trước một Tập đoàn tư nhân lớn nhất, với tầm ảnh hưởng sâu rộng về cả kinh tế lẫn chính trị, và sự hẫu thuẫn của các lãnh đạo cao cấp nhất?

Trong quá khứ, cũng liên quan đến Dự án ĐSCT Bắc – Nam, năm 2010, dưới thời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Quốc hội Việt Nam đã bác bỏ Dự án trị giá hơn 56 tỷ USD do Nhật Bản đề xuất. Với lý do, Dự án quá tốn kém, hiệu quả kinh tế không rõ ràng.

Quyết định bác bỏ này đã thể hiện vai trò phản biện và giám sát thực chất của Quốc hội trước một dự án lớn có thể ảnh hưởng lâu dài đến kinh tế đất nước. 

Trong bối cảnh quyền lực của Tổng Bí thư Tô Lâm và Bộ Công an đang nỗ lực thâu tóm quyền lực của Quốc hội vào tay phe cánh. Thì việc xử lý đề xuất của VinSpeed sẽ là cơ hội để ông Trần Thanh Mẫn khẳng định uy tín cũng như trách nhiệm chính trị của mình.

Nếu Quốc hội đồng thuận và “gật đầu” chiếu lệ với đề xuất dự án không qua đấu thầu minh bạch, không thẩm định lại chi phí đầu tư. Thì không chỉ vai trò kiểm soát của cơ quan lập pháp bị xói mòn, mà niềm tin của xã hội vào thể chế cũng bị tổn hại nghiêm trọng.

Công luận thấy rằng, việc phê duyệt hay bác bỏ việc giao Dự án ĐSCT Bắc – Nam cho Vinspeed không đơn thuần là quyết định hành chính, mà mang ý nghĩa chính trị sâu sắc liên quan đến quyền lực của Quốc hội. 

Liệu Chủ tịch Trần Thanh Mẫn có dám nói “không” với sự câu kết giữa một siêu tập đoàn mafia có tiềm lực tài chính, và quan hệ chính trị sâu rộng với các giới chức lãnh đạo cao cấp nhất của hệ thống chính trị Việt nam? 

Trà My – Thoibao.de