Bức ảnh lịch sử: Ai đã dẫn Bùi Quang Thận lên cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975?

Gần nửa thế kỷ đã qua kể từ ngày 30-4-1975, một chi tiết vẫn chưa được làm sáng tỏ, đó là câu hỏi: Ai đã dẫn Bùi Quang Thận lên cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập?

Bức ảnh lịch sử cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975

Ông Lý Quý Chung, Tổng trưởng Thông tin trong nội các chính phủ Dương Văn Minh, nói là ông dẫn, trong khi KTS Nguyễn Hữu Thái và TS Huỳnh Văn Tòng kể rằng cả hai đã cùng nhau dẫn Trung úy Bùi Quang Thận lên cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập.

Ông Lý Quý Chung, Tổng trưởng Thông tin trong nội các chính phủ Dương Văn Minh kể:

Một người bộ đội (tôi không rõ quân hàm) nói với tổng thống Minh: “Anh chỉ cho tôi đường đi lên để hạ cờ ngụy quyền”. Ông Minh quay sang tôi đang đứng bên cạnh: “Chung, toa hướng dẫn cho người này lên sân thượng”. Sau này tôi biết đó là người chỉ huy chiếc tăng ký hiệu 843 tên là Bùi Quang Thận lúc đó mang hàm đại úy.

…Sau khi nhận chỉ thị của ông Minh, tôi đưa người bộ đội trẻ tuổi đến thang máy để lên sân thượng. Đến trước thang máy, tôi bấm nút cho cửa mở. Khi cửa mở rồi người bộ đội trẻ vẫn chưa chịu bước vào. Tôi đoán trong đời anh chưa bao giờ đặt chân vào một thang máy. Tôi nói với người bộ đội trẻ: “Anh vào đi. Không có gì lo. Tôi cùng vào với anh”. Nói xong, tôi vào trước. Sau ít giây do dự, anh bước vào, trên tay là khẩu súng và lá cờ Giải phóng. Tôi không thể tưởng tượng được có một ngày như hôm nay: đi thang máy chung với một người bộ đội. Tôi bấm nút lên tầng cuối cùng. Trước đây tôi có vào Dinh Độc Lập nhiều lần nhưng chưa bao giờ lên đến sân thượng.

Bước ra khỏi thang máy, tôi nhìn thấy ngay khu vườn hoa của bà Nguyễn Văn Thiệu mà có lần bà đã than phiền tướng Kỳ, lúc còn làm phó tổng thống, đã làm hư hại nó do mỗi ngày tướng Kỳ đi làm đều đáp trực thăng riêng xuống đây. Thời điểm đó, văn phòng của tổng thống Thiệu và phó tổng thống Kỳ còn đặt chung trong Dinh Độc Lập. Cách thang máy không xa, ở phía trước sân thượng, sát bên ngoài là chỗ cắm cờ.

Người bộ đội đi thẳng ra đó hạ lá cờ vàng ba sọc đỏ xuống. TÔI KHÔNG BƯỚC RA THEO. TÔI ĐỨNG PHÍA TRONG một lúc, rồi quay trở lại thang máy đi xuống trước một mình.

(Trích Hồi ký không tên của Lý Quý Chung).

KTS. Nguyễn Hữu Thái, nguyên là Chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963-1964) kể:

Sau khi xe tăng 390 húc tung cổng Dinh Độc Lập, tiến vào trong sân và dừng lại thì một Trung úy nhảy xuống và cầm ăng ten gắn cờ giải phóng chạy tới. Lúc đó chúng tôi chưa biết đó là Đại đội trưởng Bùi Quang Thận. Vì không biết cửa kính nên Bùi Quang Thận đã lao đầu vào ngã bật ra. Lúc đó, ông Nguyễn Văn Diệp (Tổng trưởng Tài chính, cũng là một cơ sở cách mạng) đã kéo cửa ra cho Bùi Quang Thận vào. Tôi (Nguyễn Hữu Thái), Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng đeo băng xanh đỏ của lực lượng quần chúng nổi dậy đã đề nghị đưa Bùi Quang Thận lên gác 2. Lúc này, Trung úy Vũ Đăng Toàn cũng xách súng chạy tới yểm trợ Trung úy Thận. Đón chúng tôi trên gác 2 là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh. Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh dẫn chúng tôi vào gặp nội các Dương Văn Minh. Sau đó, Vũ Đăng Toàn có nhiệm vụ canh giữ nội các, còn chúng tôi và Bùi Quang Thận lên nóc nhà để cắm cờ. Vì không biết lối nên Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh đã giao cho Đại tá Vũ Quang Chiêm – Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống dẫn đi. Đến cầu thang máy, Bùi Quang Thận không chịu vào. Lý do là không biết thang máy, sợ bị nhốt. Nghe Đại tá Vũ Quang Chiêm và chúng tôi giải thích, Bùi Quang Thận chấp nhận vào nhưng yêu cầu mọi người vào trước. Do thang máy nhỏ nên tôi đã phải giúp Bùi Quang Thận uốn cong cần ăng ten lại. Lên gác, chúng tôi trèo xuống một cầu thang gỗ mới ra được chân cột cờ. Chúng tôi loay hoay hạ lá cờ ba sọc xuống. Bùi Quang Thận đã phải dùng răng cắn rồi giật lá cờ to lớn xuống. Ban đầu, anh định vứt lá cờ xuống nhưng sau đó lại gập lại đem theo.

Nhìn lá cờ giải phóng tung bay trên Dinh Độc Lập, tôi rưng rưng xúc động. Vậy là sự kiện cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập của giây phút lịch sử đó cũng có mặt của người Việt Nam ba miền: Bùi Quang Thận ở Thái Bình (miền Bắc), Nguyễn Hữu Thái ở Đà Nẵng (miền Trung) và Huỳnh Văn Tòng ở Tây Ninh (miền Nam).

https://daidoanket.vn/kts-nguyen-huu-thai-nhan-chung-dac-biet-cua-thoi-khac-lich-su-30-4-10187513.html

Vậy ai nói đúng sự thật? Ai nói dối?

Bức ảnh kèm theo đây của nữ phóng viên người Pháp nổi tiếng Francoise Demulder cho thấy Bùi Quang Thận đứng giữa (đội mũ xe tăng, mặt bị che khuất), bên trái là Huỳnh Văn Tòng (đeo mắt kính), bên phải là Nguyễn Hữu Thái (mặc áo trắng) và người thứ tư trong ảnh là Trần Đức Tình (đang phất cờ).

Tiểu đội phó Trần Đức Tình kể: “Thấy một người từ xe tăng nhảy xuống, cầm lá cờ giải phóng chạy vào sâu bên trong, tôi và Bùi Huy Linh lao theo. Tới sân thượng chỗ cột cờ, tôi dùng dao găm chặt đứt đầu dây ghì cột cờ rồi từ từ hạ lá cờ vàng ba sọc xuống để đồng chí ấy (sau này mới biết là Bùi Quang Thận) thay lá cờ giải phóng rồi kéo lên đỉnh cột vào 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975”.

https://infonet.vietnamnet.vn/dinh-doc-lap-khoanh-khac-2-gio-va-40-nam-237120.html

Lưu ý, theo lời kể của Lý Quý Chung, khi thang máy lên nóc Dinh Độc Lập, ông chỉ bước ra khỏi thang máy mà “không bước ra theo” Bùi Quang Thận, ông “đứng phía trong” quan sát. Như vậy Bùi Quang Thận treo cờ một mình.

Bức ảnh lịch sử cho thấy lời kể của ông Chung là không đúng sự thật.

Một điều thú vị, bà Francoise Demulder (lúc đó mới chỉ 25 tuổi) cũng là phóng viên duy nhất chụp được khoảnh khắc chiếc xe tăng 390 (của Trung Quốc) húc đổ cổng chính của Dinh Độc Lập. Nhờ bức ảnh này mà lịch sử đã được làm sáng tỏ sau 20 năm sách báo ở Việt Nam vì lý do chính trị luôn luôn tuyên truyền rằng xe tăng 843 (của Liên Xô) là xe tăng đầu tiên húc đổ cổng Dinh Độc Lập.

Berlin ngày 30-4-2024

Hiếu Bá Linh

Kasse animation 7.8.2023