Chương trình “hộ chiếu vàng” tạo một lối thoát hiểm cho quan tham

Ngày 15/4, BBC Tiếng Việt bình luận “Dòng tiền từ Việt Nam tậu “hộ chiếu vàng”: Tìm nơi trú ẩn vàng cho tham nhũng?”

Theo đó, Chương trình “hộ chiếu vàng” hay còn gọi là “đầu tư mua quốc tịch” đang được những người giàu có từ Việt Nam và các nước khác săn đón. Tuy nhiên, chương trình này đang bị lên án, vì có thể cung cấp một lối thoát hiểm cho quan chức tham nhũng.

BBC dẫn lời bà Eka Rostomashvili – nhà vận động chiến dịch từ tổ chức Minh bạch Quốc tế, cho biết:

“Đến nay, đã có các trường hợp những kẻ đào tẩu đã nộp đơn để có được hộ chiếu và thị thực vàng, ngay trước khi chuyện họ phạm tội tham nhũng hay lừa đảo được đưa ra ánh sáng.”

Theo BBC, năm 2023, một phúc trình về chương trình “hộ chiếu vàng” tại Anh do Bộ Nội vụ thực hiện, đã phát hiện “một số lượng nhỏ nhà đầu tư nước ngoài thuộc diện nguy cơ cao”, về việc có liên quan đến tham nhũng hay hình thức tội phạm có tổ chức.

BBC cũng dẫn lời ông Dominic Volek, Giám đốc Kinh doanh của Henley & Partners, hồi tháng 2/2024 cho biết: “Ở khu vực Đông Nam Á, công dân Việt Nam chiếm gần 25% số đơn đăng ký chương trình đầu tư nhập tịch, và là thị trường lớn thứ tư toàn cầu của công ty”.

BBC cho biết, Việt Nam luôn kiểm soát chặt việc cán bộ, công chức đi nước ngoài vì lý do bảo vệ bí mật quốc gia, ngăn chặn tình trạng cán bộ, viên chức “bị thế lực phản động lôi kéo”.

Điều 34 Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị quy định, đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ: nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản, mua, bán tài sản ở nước ngoài trái quy định.

Tuy nhiên, BBC bình luận, các cơ quan công quyền có thể nắm được việc cán bộ đảng viên có mua quốc tịch khác hay không, hay âm thầm chuyển tài sản ra nước ngoài hay không, còn là dấu chấm hỏi.

Ngoài ra, vẫn theo BBC, vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng là điều luôn được dư luận quan tâm ở Việt Nam. Trong các đại án tham nhũng, tỷ lệ thu hồi được cho là thấp, và khả năng một lượng tài sản lớn đã bị tuồn ra nước ngoài từ trước.

Cho đến nay, vẫn không rõ tung tích của một số cá nhân, là cựu cán bộ nhà nước hoặc liên quan đến sai phạm tại cơ quan nhà nước, đang bị truy nã đỏ, như cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

BBC đề cập đến chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng, vẫn đang tiếp tục nóng, khi trong 15 tháng qua, hai phó thủ tướng, hai chủ tịch nước và một thành viên bộ chính trị khác đã bị buộc phải từ chức.

Dự báo, “lò” của ông Trọng sẽ tiếp tục “đỏ lửa”, ít nhất là từ đây tới trước Đại hội Đảng 14, vào đầu năm 2026.

BBC dẫn lời Phó Giáo sư Kristin Surak cho hay, có khoảng 60 nước đang cung cấp “hộ chiếu vàng”, 20 nước cho phép nhập tịch với khoản đầu tư, và một nửa trong số các nước này có hơn 100 ứng viên mỗi năm.

Nhưng nhiều nước hiện đã chuyển sang hạn chế chương trình này, vì các nguy cơ từ đầu tư mua quốc tịch.

BBC cho biết thêm, năm 2022, Chính phủ Anh đã chấm dứt chương trình cho phép các công dân nước ngoài trú tại quốc gia của mình, nếu họ mang tài sản theo cùng.

Năm 2023, Ireland cũng bỏ chương trình “hộ chiếu vàng”, Bồ Đào Nha đã chỉnh sửa chương trình của mình, không còn cho phép mua tài sản để đổi lại định cư, nhưng tiếp tục chương trình thông qua việc chuyển giao nguồn vốn và đầu tư trong các hoạt động nghiên cứu. Tây Ban Nha cũng lên kế hoạch xóa bỏ chương trình “hộ chiếu vàng”, có nội dung cung cấp một lộ trình định cư nhanh chóng cho những công dân không thuộc Liên minh châu Âu, để đổi lại các khoản đầu tư tài chính lớn.

 

Ý Nhi – thoibao.de

 

Kasse animation 7.8.2023