Đốt tiền cho giấc mơ công nghệ, Công ty Quảng “nổ” hóa tro tàn, bao giờ đến Vượng?

Liên tục những tháng qua, nhiều thông tin về việc Công ty Cổ phần Điện tử BHS của ông Nguyễn Tử Quảng nợ lương người lao động. Cạn kiệt đến mức, tổng quỹ lương chưa đến 100 triệu đồng, nhưng Công ty BHS cũng không có tiền trả. Có thể nói, ông Quảng đã thất bại hoàn toàn trong giấc mơ công nghệ.

Mới đây, phía Bkav thừa nhận nợ lương, và giải thích rằng, do đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng cho Bphone, khiến vốn lưu động bị cạn. Đây là một kết quả không khó đoán, bởi Nguyễn Tử Quảng bắt đầu từ một startup, nhưng lại muốn hành động như một công ty đã thành công. Một anh tí hon lại đi thách đấu với gã khổng lồ.

Từ khi mới ra lò, Bphone của Nguyễn Tử Quảng đã tự xác định thuộc phân khúc smartphone cao cấp, tương đương Iphone hoặc Samsung Galaxy. Đây là 2 nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, nằm ở phân khúc khoảng 1.000 USD/sản phẩm, là phân khúc cao cấp. Những thương hiệu còn lại thường rải ở những phân khúc thấp hơn.

Việc mới ra lò đã nhắm vào những gã khổng lồ mà húc, thì rõ ràng, đấy là cái chết được báo trước với Bphone. Sau đó, dù Bphone có hạ xuống phân khúc thấp hơn, nhưng cuối cùng cũng không trụ nổi. Và số tiền 1.000 tỷ đầu tư vào tham vọng sản xuất điện thoại thông minh đã hóa tro. Đến mức bây giờ không có cả vài trăm triệu để trả lương cho công nhân.

Một con cá sấu con mới ra khỏi trứng thì phải tìm nơi ẩn nấp an toàn, khi phát triển đủ lớn, đủ mạnh, thì mới đi săn mồi. Quan trọng là phải biết định vị bản thân, là con mồi, hay là kẻ săn mồi? Nếu mang thân phận con mồi mà lại định vị là kẻ săn mồi, thì khó thoát khỏi tình cảnh suy tàn.

Với các startup, người ta hay nói về “thị trường ngách” – được hiểu là những nơi mà các ông lớn không thể lấp vào. Nếu startup tìm ra nơi để trú ẩn, thì họ có thể tránh được những gã khổng lồ, và tìm cơ hội vươn lên. Tuy nhiên, không phải startup nào cũng tìm ra thị trường ngách để tồn tại. Còn Bphone thì chẳng thèm tìm ngách để trú ẩn, mà liều mình thách đấu với 2 gã khổng lồ smartphone trên thế giới.

Hậu quả với Bphone thì đã rõ. Vậy còn VinFast thì sao?

Ông Phạm Nhật Vượng khi sản xuất xe VinFast, cũng xác định là đối thủ của các dòng xe điện như Tesla, tức là, tầm trên 40.000 USD/chiếc. Đây là cách làm khá giống Nguyễn Tử Quảng. Sau đó, VinFast cũng đã cho ra đời thêm những phân khúc rẻ hơn, để né người khổng lồ Tesla. Tuy nhiên, ở các phân khúc thấp hơn này, VinFast lại vấp phải rất nhiều đối thủ sừng sỏ, trong đó có BYD đến từ Trung Quốc.

Tại thị trường Mỹ, BYD không vào (có thể là chưa tới lúc), vì họ xác định đây là thị trường khó tính – tức họn biết tránh né thế mạnh của kẻ khác. Tại thị trường Trung Quốc, Tesla bán ở phân khúc cao, còn BYD rải ở các phân khúc thấp hơn. Tuy cùng tồn tại, nhưng họ vẫn né tránh nhau. Ở thị trường Đông Nam Á thì Tesla và BYD cũng chia tầng để tồn tại.

BYD là người đến sau, việc họ né phân khúc của Tesla cũng được xem là cách họ tìm “ngách” để tồn tại. Lẽ ra, VinFast nên phát triển ở thị trường Đông Nam Á sớm hơn, thì lúc đó, “ngách” còn rộng rãi bao la.

Giờ đây, thị trường Đông Nam Á đã có BYD và cách hãng khác chiếm lĩnh. Vậy thì, những “ngách” rộng rãi giờ không còn nữa, hoặc nếu còn thì cũng quá hẹp, khiến VinFast không thể tìm thấy “ngách” mà chui vào.

Nói về giấc mơ công nghệ, VinFast có đầu tư bài bản hơn Bphone, nhưng vì nóng vội, vì ham nhảy vào thị trường Mỹ để lấy tiếng mà Vinfast đã vứt mất cơ hội nhảy vào khoảng trống thị phần mà Tesla để lại. Giờ quay lại tìm “ngách” thì đã quá muộn. VinFast buộc phải đối đầu với Tesla và cả BYD. Mà BYD giờ đã thành ông lớn. VinFast không tìm ra ngách hẹp nào giữa 2 ông lớn này.

Hiện tại, VinGroup đã bán Vincom Retail – một Công ty đang sinh lời. Phải khát tiền lắm, ông Vượng mới dứt khúc ruột này bán, nhưng rồi VinFast cũng sẽ đốt sạch.  Tương lai của VinFast khó thoát số phận giống Bphone.

 

Hoàng Phúc – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023