Đình công tại Bình Dương để đòi tiền thưởng Tết

Đình công tại Bình Dương để đòi tiền thưởng Tết – Vì sao?

Ngày 16/2, RFA Tiếng Việt loan tin “Bình Dương: Hàng trăm công nhân đình công đòi thưởng Tết”.

Theo đó, khoảng 350 công nhân của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Kiss Việt Nam Apparel, tại Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, đã tiến hành đình công trong hai ngày 15 và 16/2, để đòi công ty thanh toán tiền thưởng Tết như đã hứa.

RFA dẫn thông tin từ mạng xã hội và truyền thông nhà nước, vào ngày 16/2, đưa tin và hình ảnh về cuộc đình công này, cho biết, công nhân từ chối vào làm việc, để phản đối chủ doanh nghiệp không thực hiện lời hứa thưởng Tết.

Cụ thể, trước Tết, công nhân nhận được 1/2 lương thứ 13, và được hứa, họ sẽ nhận 1/2 số tiền còn lại vào sau Tết.

Tuy nhiên, RFA cho biết, vào ngày đầu tiên đi làm là 15/2, Công ty thông báo, tiền lương tháng thứ 13 lần 2 sẽ được chi trả cùng với lương tháng 2/2024, vào ngày 10/3.

RFA dẫn nguồn từ báo Công Thương cho hay, sau thông báo này, vào chiều cùng ngày, khoảng 350/500 công nhân đã đình công, yêu cầu Công ty thực hiện lời hứa.

RFA cũng dẫn báo Người Lao Động cho biết, công an đã được huy động để bảo đảm an ninh trật tự.

Theo RFA, đến chiều tối ngày 15/2, công nhân vẫn không chịu quay lại làm việc, và Công ty ra thông báo giải thích, lý do doanh nghiệp gặp khó khăn, hàng hóa không xuất đi được, tiến độ sản xuất của công ty chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiền hàng chưa thu về được… Rất mong người lao động thông cảm và chia sẻ.

Tuy nhiên, công nhân không chấp nhận lý do này, nên họ vẫn tiếp tục đình công vào ngày 16/2.

Cập nhật từ báo Lao Động vào sáng sớm ngày 18/2 cho hay, “Công ty đáp ứng yêu cầu trả thưởng Tết, công nhân đã trở lại làm việc”.

Theo báo Lao động, sau 3 ngày thương lượng hoà giải, chiều 17/2, đa số công nhân đã trở lại nhà máy làm việc bình thường.

Trước đó, trưa ngày 17/2, Công ty này đã ra thông báo, giải đáp thắc mắc của người lao động và mời họ trở về vị trí làm việc.

Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì tự nguyện viết đơn xin thôi việc, Công ty sẽ giải quyết nghỉ việc trong ngày 17/2 và thanh toán các chế độ lương theo quy định vào ngày 11/3.

Báo Lao động dẫn Liên đoàn Lao động Bình Dương, cho biết, sau thông báo trên, đến 14h30, có 123 công nhân lao động nộp đơn xin nghỉ việc, đã được Công ty duyệt và có giấy hẹn. Số công nhân còn lại (507 công nhân) đã trở lại làm việc bình thường.

Từ ngày mở cửa hội nhập và kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thì chuyện công nhân đình công để phản đối các chính sách của giới chủ, có thể nói là xảy ra như cơm bữa, nhất là vào thời điểm cuối năm, khi các công ty phải giải quyết vấn đề lương thưởng cho công nhân.

Chuyện này đặc biệt hay xảy ra tại các công ty có chủ đầu tư đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Trung Quốc.

Công ty Kiss Việt Nam Apparel nói trên cũng là một công ty của nhà đầu tư Hàn Quốc.

Tuy nhiên, điều đáng nói là, chính quyền Việt Nam không hề có bất cứ động thái nào để giải quyết tận gốc các vấn đề này. Cách duy nhất mà họ làm, đó là cho Liên đoàn Lao động, một cánh tay nối dài của Đảng, đến để “hoà giải”, mà thực chất là “khuyên” công nhân chấp nhận yêu cầu của giới chủ. Thậm chí, trong các công ty lớn, sử dụng nhiều lao động, công an còn cài cắm “ăng ten” để phát hiện sớm, bắt nguội những “ngòi nổ”, để ngăn chặn công nhân đình công.

Điều kỳ lạ là – Đảng Cộng sản Việt Nam – tổ chức tự nhận là đại diện cho tầng lớp công nhân, nhưng chưa bao giờ đứng về phía người công nhân khi tranh chấp xảy ra.

Lý do được nêu ra là: Đảng sợ công nhân “làm loạn”, ảnh hưởng đến quyền lực của Đảng. Bởi từ chính cuộc Cách mạng do Đảng dẫn dắt, Đảng hiểu rõ sức mạnh của các lực lượng đông đảo, như công nhân hoặc sinh viên.

 

Ý Nhi – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023