Pháp luật VN chỉ “nhân văn” với lãnh đạo tham nhũng mà bỏ rơi người cùng khổ?

Câu chuyện hai vợ chồng ở Trà Vinh, do túng thiếu, đã phải bán đứa con nhỏ của mình, và bị Tòa án xử phạt tổng cộng 23 năm tù, là một chuyện buồn trong những ngày đầu năm mới 2024. Câu chuyện này liên quan đến trách nhiệm của các cấp chính quyền, cũng như các tổ chức xã hội. Tại sao họ lại để xảy ra chuyện thương tâm này?

Báo Pháp luật thành phố ngày 15/1 đưa tin, “Bán con lấy 18 triệu đồng, cặp vợ chồng ở Trà Vinh lãnh án”. Bản tin cho biết, ngày 15/1, Tòa án Nhân dân tỉnh Trà Vinh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn (19 tuổi) 13 năm tù, và Thạch Thị Kim Nhung (22 tuổi) 10 năm tù, cùng về tội mua bán người dưới 16 tuổi. Cả hai cùng ngụ ở huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.

Theo đó, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cặp vợ chồng này đã phải bán đứa con gái thứ 4 cho một người ở Hà Tĩnh, để lấy 18 triệu đồng. Bài báo trên cho hay, cả hai vợ chồng đã lên mạng xã hội đăng tin và liên hệ với ông Nguyễn Hữu Dương, 22 tuổi, cư ngụ tỉnh Hà Tĩnh. Hai vợ chồng Tuấn – Nhung đồng ý giao con cho ông Dương chăm sóc. Sau khi thống nhất, ngày 4/12/2022, vợ chồng Tuấn – Nhung đã giao con gái cho Dương, để nhận số tiền 18 triệu đồng.

Nắm được sự việc, Công an Trà Vinh đã khẩn trương vào cuộc điều tra, xác minh, đồng thời phối hợp với Công an Bến Tre bắt giữ ông Dương. Tuy nhiên, do ông Dương bị “mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi” nên Công an Trà Vinh đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với ông Dương; đồng thời, ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Dương.

Dư luận xã hội đặt vấn đề, từ trước đến nay, đã có bao nhiêu lãnh đạo Việt Nam hùng hồn tuyên bố, chính quyền “không để người dân nào tụt lại phía sau”. Bây giờ, những lãnh đạo này đang ở đâu?

Công luận cũng đặt câu hỏi, “Các cơ quan, tổ chức đoàn thể sử dụng tiền ngân sách nhà nước, từ tiền thuế của người dân tồn tại làm gì?”

Tới mức, báo Tuổi Trẻ phải cảm thán rằng, “17 cơ quan bảo vệ trẻ, lúc cần vẫn không biết nhờ ai?”

Nhà giáo Thái Hạo đã đưa ra những phát hiện đáng chú ý. Theo đó, “Báo Công an Nhân dân ghi: Họ “bàn bạc thống nhất liên lạc gia đình hiếm muộn có nhu cầu nhận nuôi trẻ”; báo Tuổi Trẻ còn viết chi tiết hơn: “Bàn bạc thống nhất liên lạc các gia đình hiếm muộn con có điều kiện kinh tế, có nhu cầu nhận nuôi trẻ”. Như vậy, họ có ý thức tìm cho con một gia đình có nhu cầu nuôi trẻ thật sự, và gia đình ấy phải có đủ điều kiện để chăm lo cho đứa bé. Rõ ràng, nó không vô cảm và tàn ác như tiêu đề một số báo chí đưa tin.”

Nghĩa là, vợ chồng Tuấn – Nhung không bán con để lấy tiền, mà họ muốn tìm cho con một mái ấm mới, với hy vọng, con của họ sẽ có môt cuộc sống tốt hơn.

Tại sao, Tòa án tỉnh Trà Vinh lại kết án nặng nề với 2 vợ chồng Tuấn – Nhung, khi họ chỉ vì sự túng bấn, đã buộc phải bán đứa con nhỏ, để lấy tiền nuôi ba đứa con lớn cũng như cả gia đình.

Khi họ ở trong tình cảnh túng quẫn, mà xã hội không ai chia sẻ và đồng cảm với họ? Tại sao, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương ngay từ đầu không ai giáo dục và giúp đỡ họ? Hơn nữa, độ tuổi của cả hai vợ chồng này đều rất trẻ, mà đã có đến 4 mặt con, cho thấy, có thể họ đã tảo hôn – là đối tượng cần được xã hội, đoàn thể quan tâm giúp đỡ.

Khi quyết định bản án nặng nề, 13 năm tù với người bố và 10 năm tù với người mẹ, Hội đồng Xét xử có nghĩ tới việc, ai sẽ nuôi 4 đứa con của họ hay không?

Trong khi đó, các quan chức lãnh đạo nhà nước tham nhũng tiền muôn bạc vạn, thì lại được đối xử “nhân văn” để giảm nhẹ tội, như trường hợp của ông Chu Ngọc Anh là một ví dụ điển hình.

Hay những người nghèo, vì đông con, túng quẫn, nên lỡ chót dại, là đối tượng không cần được đối xử nhân văn?

Tại sao Tòa án không cho họ một cơ hội, khoan hồng để giáo dục họ những kiến thức về xã hội, về pháp luật, cũng như giúp đỡ họ ổn định cuộc sống gia đình, để xây dựng một cuộc đời mới?

Bác sĩ Võ Xuân Sơn trong một status đăng trên trang Facebook cá nhân, với tiêu đề “Xung quanh câu chuyện bán con bị xử tù 23 năm”, cho rằng: “Nếu Hội Phụ nữ, Hội Bảo vệ bà mẹ và trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em… và bao nhiêu hội khác, có hoạt động thực sự, thì cặp vợ chồng kia có dừng lại ở 1 hoặc 2 con, để nuôi dạy cho tốt không? Nếu các hội hoạt động tốt, thì ngay cả khi “lỡ” có tới 4 đứa con, thì họ vẫn có thể nhận được sự trợ giúp, kể cả việc cho con của họ cho những gia đình hiếm muộn, để các cháu có được cuộc sống tốt hơn.”

Quan trọng hơn, câu chuyện này đã cho thấy, sự vô trách nhiệm cũng như vai trò của các các hội đoàn đang hoạt động bằng tiền ngân sách nhà nước hiện nay. Công luận thấy rằng, hầu hết, các tổ chức hội đoàn của nhà nước, đều hữu danh vô thực, bày vẽ ra chỉ để đục khoét ngân sách nhà nước, cũng như trở thành một gánh nặng cho xã hội./.

Trà My – Thoibao.de

22.1.2024

Kasse animation 7.8.2023