Vì sao Tổng Trọng “đường quang không đi, thích đâm quàng bụi rậm”?

Trong quá khứ, hàng loạt chính sách sai lầm của Ban lãnh đạo Việt Nam đã khiến cho kinh tế, xã hội sa sút tới mức nghiêm trọng.

Đó là lý do, vào năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam buộc phải quyết định cải cách kinh tế, chuyển đổi từ “kinh tế kế hoạch hóa tập trung” theo mô hình Xô Viết, chuyển sang nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa.

Chính sách “đổi mới” của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986, rõ ràng đã giúp cho người dân Việt Nam có một cuộc sống đỡ khắc nghiệt hơn, so với người dân ở Bắc Hàn và Cuba.

Đài tiếng nói nước Pháp (RFI) ngày  4/1/2024 có bài viết với tiêu đề, “Cuba kỷ niệm 65 năm “chiến thắng” trong đói kém”. Mở đầu, RFI đánh giá “Cuba, đất nước tàn tạ sau 65 năm Cộng sản”.

RFI dẫn tờ báo Pháp Le Figaro ngày 3/1/2024, đã mô tả tình trạng “Siêu lạm phát, nạn đói, tuyệt vọng… Ngày kỷ niệm buồn thảm của cách mạng Cuba [1/1/1959]”.

RFI cũng dẫn tờ Libération, trong bài xã luận với tựa đề “Địa ngục”, đã nhấn mạnh, “đúng 65 năm sau khi Fidel Castro tuyên bố “Cách mạng chiến thắng”, Cuba chìm trong khủng hoảng. Thủ đô [La Havana] đầy người ăn xin, nhiều người sống tạm bợ chờ cơ hội di cư sang nước khác.”

Theo báo Le Figaro, tại một trong những quốc gia Cộng sản cuối cùng, như mọi năm, vào ngày 1 và 2/1, đảo quốc này mừng “Chiến thắng của Cách mạng”. Nhưng lần kỷ niệm thứ 65 này, là ngày kỷ niệm buồn thảm của Cách mạng Cuba, với tình trạng “Siêu lạm phát, nạn đói, tuyệt vọng…”, khi Thủ tướng Manuel Marrero Cruz loan báo kế hoạch gây sốc: Tăng 25 % giá điện, khí đốt, xăng, nước, vận chuyển công cộng và cả xì-gà, đều tăng giá.

Bản tin của RFI còn cho biết:

“Số công chức sẽ giảm xuống và đồng peso sẽ mất giá rất nhiều. Nhưng nỗi lo lớn nhất của người dân Cuba là việc hạn chế Libreta – Sổ mua hàng phân phối. Tuy số lượng hàng bán theo tem phiếu ngày càng ít đi, nhưng nếu không có nó, hàng ngàn người cao tuổi hay không có thân nhân ở nước ngoài sẽ chết đói.”

Đặc phái viên Le Figaro còn miêu tả, “hàng đoàn người già ốm giơ xương, người ăn mày, đàn bà trẻ con đói khát ngày càng đông đảo tại thủ đô La Habana, từ nhiều tháng qua.”

Và do quá thiếu thốn, Thủ tướng Cuba Marrero Cruz đã đề nghị giảm số lượng người được hưởng chế độ phân phối, một chọn lựa đáng ngạc nhiên, vì ngoài vài ngàn người được đặc lợi trong giới chóp bu, tất cả đều cần đến “sổ mua hàng”, và nó là biểu tượng, nếu biến mất sẽ chôn vùi luôn cơ sở của Chủ nghĩa Xã hội.

Trong khi đó, theo giới phân tích, các quốc gia đồng minh thiên tả của Cuba thì làm ngơ. Moscow thì gửi một ít thực phẩm, nhưng không thêm gì nữa, nếu La Habana không đưa quân sang giúp họ ở Ukraina. Trung Quốc thì hiểu rằng, số tiền cho Cuba vay coi như mất đứt, nên Bắc Kinh cần phải giữ khoảng cách. Với Mỹ, sự chết chìm của Cuba hiện nay cho thấy, Hoa Kỳ chẳng cần phải nối lại đối thoại với La Habana, vì chế độ Cộng sản có thể tự sụp đổ.

Theo RFI, trong bài xã luận ngày 1/1/2024, tờ báo độc lập 14ymedio của nhà báo nổi tiếng Yoani Sánchez đã mô tả:

“Năm 2023, Cuba ở bên bờ địa ngục. Những mặt hàng thiết yếu không có hoặc quá mắc mỏ, thiếu thuốc men và bác sĩ – tuy xưa nay hệ thống y tế vẫn được ca tụng, đất nông nghiệp bị bỏ hoang, du lịch xuống dốc. Xuất hiện khái niệm “tiền di dân”, những người Cuba sống vật vờ trong khi chờ đợi ra đi. Họ không lập gia đình, không sinh con, không nhận những việc làm mới, không theo đuổi tiếp việc học hành, không biểu tình … Những bóng ma, trên một con tàu đang trôi đi trong vô định.”

Việc Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1986 đã thừa nhận nền kinh tế thị trường, có nghĩa là, họ đã chấp nhận một nền kinh tế đa thành phần, đa sở hữu về tư liệu sản xuất. Đặc trưng cơ bản của nền “kinh tế kế hoạch hóa tập trung” theo mô hình xô viết, là chỉ chấp nhận một thành phần kinh tế tập thể, dựa trên nguyên tắc sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất.

Vì thế, đồng nghĩa với việc nền “kinh tế Xã hội Chủ nghĩa” ở Việt Nam đã bị những người Cộng sản từ bỏ. Điều đó có nghĩa là: Tính chất Cộng sản của Đảng hiện chỉ còn tồn tại một thứ duy nhất – đó là danh xưng “tên Đảng”. Còn tất cả đường lối, chủ trương hành động của họ, thì tuyệt nhiên không còn chút gì là Cộng sản theo chủ nghĩa Marx-Lenin nữa.

Song, cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn “mạo nhận” là Đảng Cộng sản. Vì họ không muốn cho dân chúng, đặc biệt thành phần lão thành Cách mạng, cựu chiến binh, biết Đảng đã phản bội lý tưởng Cộng sản. Đồng thời, để họ cố duy trì và níu kéo quyền lực chính trị độc tôn, toàn trị, vì lợi ích và bổng lộc của một nhúm lãnh đạo trong chế độ hiện tại.

Ngày 16/5/2021, trong bài viết có tựa đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa Xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam”, ông Nguyễn Phú Trọng kết luận rằng:

“Điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin… tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững… Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn Cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học.”

Kết luận “nhảm nhí” vừa kể của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – nói theo “ngôn ngữ” của Giáo sư Toán học Ngô Bảo Châu, thì đích thị là loại “không thần kinh thì cũng dở hơi”.

Nếu ông Trọng và những ai “hoài cổ” còn chưa tin, xin mời đọc bài viết của nhà báo  Trần Ngọc Bích, đăng trên trang BBC Tiếng Việt ngày 19/2/2021, sau chuyến thăm của tác giả đến Cuba, với tiều đề, “Cuba hiện nay là quá khứ của Việt Nam, nhưng có nhiều cơ hội tốt hơn” sẽ rõ.

Đúng là kiểu “đường quang thì không đi, cứ thích đâm quàng bụi rậm”, là điều mà cha ông ta từng dạy, thưa Tổng Bí thư./.

Trà My – Thoibao.de

6.1.2024

Kasse animation 7.8.2023