Bài học nào cho Việt Nam từ câu chuyện Israel – Hamas?

Link Video: https://youtu.be/RNmvFCp3CS0

Ngày 8/11, BBC Tiếng Việt có bài bình luận của tác giả Thục Quyên, với tựa đề “Chuyện Israel – Hamas và bài học cho chính sách “ngoại giao đu dây”’.

Theo tác giả, tháng 2/2022, khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine, Israel rơi vào một tình thế tế nhị về mặt ngoại giao. Giống như Mỹ và phương Tây, Israel phản đối cuộc xâm lược của Nga, nhưng lại cần sự hỗ trợ của Moscow để có thể tấn công các lực lượng tay chân của Iran tại Trung Đông. Do đó, để đáp trả sự hiếu chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Israel đã chọn lựa cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine, nhưng tránh cấp viện trợ quân sự, bỏ ngoài tai những chỉ trích của Hoa Kỳ và từ chối tham gia lệnh trừng phạt Nga của phương Tây.

Mặt khác, từ nhiều năm, bất kể những rủi ro của chính sách thực dụng, Israel cũng đã tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc và thu được những khoản đầu tư khổng lồ từ nước này.

Tuy nhiên, tác giả nhận xét, nếu Chính phủ Netanyahu tính toán rằng, việc tiếp cận chiến lược với Nga và Trung Quốc, sẽ mang lại kết quả ngoại giao khi Israel cần, thì phản ứng của hai nước này đối với sự kiện thảm sát do Hamas gây ra đối với thường dân và binh lính Israel vào ngày 7/10, đã là một cú giáng lạnh lùng vào Israel.

Tác giả cho hay, ngay sau cuộc thảm sát, Mỹ đã gửi viện trợ đến Israel và hai hàng không mẫu hạm cấp tốc được đưa tới khu vực, cùng với một danh sách dài các nhà lãnh đạo phương Tây đến thăm Israel để thể hiện tình đoàn kết. Họ coi nhà nước Do Thái tương đương một Ukraine mới, biểu tượng của sự thống nhất và quyết tâm của phương Tây, đồng thời khẳng định Israel là đồng minh thân cận.

Trong khi đó, vẫn theo tác giả, không một lời kết án Hamas, Putin chỉ lên tiếng để đổ lỗi cho “sự thất bại trong chính sách của Hoa Kỳ ở Trung Đông”.

Trong khi Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cáo buộc phương Tây và Hoa Kỳ “thổi bùng ngọn lửa” và “tạo ra những trở ngại đáng kể cho việc giải quyết khủng hoảng.” Đi kèm với lập trường chống Mỹ và chống phương Tây của họ, là thái độ gián tiếp buộc tội Israel bằng cách chống chế, phớt lờ và thậm chí là bào chữa cho hành động của Hamas.

Không những thế, tác giả cho biết, rất nhiều thông điệp chống Do Thái xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, miêu tả Israel là những kẻ khát máu và người Mỹ gốc Do Thái có quá nhiều của cải và ảnh hưởng ở Mỹ, đồng thời Israel biến mất khỏi bản đồ trên các trang web lớn của Trung Quốc. Vì các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc luôn bị kiểm duyệt gắt gao, nên câu hỏi được đặt ra về thông điệp mà lãnh đạo Trung Quốc đang ngầm tung ra.

Hình: Bài bình luận trên BBC

Tác giả cũng cho biết, thái độ của Nga thẳng thừng hơn. Sau cuộc tấn công đẫm máu của Hamas, Putin đã mô tả hành động trả đũa của nhà nước Do Thái với hành động của Đức Quốc xã khi xưa. Ngày 26/10, Nga lại đón tiếp một phái đoàn Hamas do Moussa Abu Marzouk dẫn đầu và một phái đoàn Iran do Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri Kani dẫn đầu.

Đồng thời, chủ nghĩa bài Do Thái ngấm ngầm từ trước, đã làm bùng lên các sự kiện ở Dagestan: Hàng trăm người biểu tình xông vào sân bay Makhachkala, truy lùng hành khách Do Thái trên chuyến bay đến từ Tel Aviv.

Tác giả dẫn lời ông Rabbi Goldschmidt, cựu giáo sĩ trưởng đạo Do Thái ở Moscow, cho rằng, cuộc bạo loạn này “phải do cơ cấu Chính phủ xúi giục hoặc chỉ đạo”, bởi ở Nga “Chính phủ kiểm soát chặt chẽ”.

Tác giả bình luận, mục tiêu chính của Nga và Trung Quốc có vẻ là muốn nhân đây đẩy Mỹ ra khỏi Trung Đông, chứ không phải mang tính xây dựng giúp ngưng chiến và tái tạo hoà bình, là vấn đề cần thiết nóng bỏng cho Trung Đông và cho thế giới.

Thái độ của Nga và Trung Quốc hiện nay là tiếng chuông cảnh tỉnh cho Việt Nam và những quốc gia đang chủ trương “đu dây” hay “cân bằng quyền lợi” giữa họ và các nước phương Tây.

Tác giả đặt vấn đề: Những toan tính lấn chiếm biển đảo của Việt Nam chỉ có thể đến từ quốc gia phía Bắc là Trung Quốc. Nếu bị tấn công, thì nội lực của Việt Nam nằm ở chỗ nào, kinh tế, chính trị hay văn hóa xã hội? Và chắc chắn là Việt Nam không thể mong chờ bất cứ một trợ giúp nào từ một nước Nga suy sụp, đang nương dựa chính Trung Quốc, nên câu hỏi là nội lực của Việt Nam có đủ để Mỹ và phương Tây thấy xứng đáng, để đầu tư giúp Việt Nam đối đầu với Trung Quốc?

Tác giả kết luận, câu chuyện Israel là bài học lớn để Việt Nam suy nghĩ.

Hình: Lập trường thực dụng của Việt Nam về xung đột Israel – Hamas

Quang Minh

>>> Việt Nam mong muốn phát triển sản xuất chip, nhưng liệu có đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư?

>>> Trung Quốc giúp Việt Nam chống tham nhũng hay giúp đấu đá phe phái?

>>> Dự án lấn vịnh Hạ Long đã bị tạm dừng

>>> “Công cuộc đốt lò” chuyển hướng mục tiêu

Vì sao Trung Quốc đột ngột dừng nhập khẩu tôm hùm từ Việt Nam?

Kasse animation 7.8.2023