Dù mạnh tay, ông Tổng vẫn thất bại

Ngày 19/6, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 1 năm hoạt động của các ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Chống tham nhũng là chiến dịch do chính ông Trọng khởi xướng và cầm đầu. Các ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh hiện nay đều làm theo mệnh lệnh từ Trung ương, mà cụ thể là từ chỉ đạo của ông Trọng.

Chỉ trong 1 năm qua, đã có đến 2.196 văn bản được các ban chỉ đạo tham mưu, ban hành, chỉ đạo ban hành, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực ở địa phương. Điều này chứng tỏ các địa phương chống tham nhũng theo chỉ đạo từ bên trên, chứ tự họ thì không làm được. Đây là đặc trưng của loại nhà nước độc tài. Chuyện gì cũng cần có chỉ đạo mới làm, chứ cấp dưới không dám tự quyết.

Ông Trọng tổ chức Hội nghị rình rang

Nhà nước pháp quyền là nhà nước mà các cấp chỉ cần thực thi đúng luật pháp, cấp dưới có thể từ chối nhận chỉ thị từ cấp trên, nếu chỉ thị đó là sai, là vi phạm pháp luật. Có người nói rằng, không biết, khi ông Nguyễn Phú Trọng không còn ngồi ở ghế quyền lực, thì những cơ quan phòng chống tham nhũng địa phương có tự chống tham nhũng được hay không?

Trước ngày 1/2/2013, chức Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng tiêu cực nằm trong tay ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng lúc đó. Thời kỳ ông Nguyễn Tấn Dũng nắm chức này, thì ông Dũng đã biến nó thành công cụ để bao che cho nhóm lợi ích mà chính ông cầm đầu. Sau khi giành được chức này, ông Trọng đã đốn rất nhiều củi, quẳng vào lò. Tuy nhiên, ông Trọng chỉ đốn củi “nhà hàng xóm”, còn củi nhà ông, thì ông vẫn giữ. Như vậy, ông Nguyễn Tấn Dũng đã từng giữ chức Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng tiêu cực, để bao che cho phe ông, thì sau đó, ông Trọng không những bao cho cho phe ông, mà ông còn dùng nó để đánh vào phe đối thủ.

Cho đến nay, có thể nói, ông Trọng đã chống tham nhũng có phần thành công, tuy nhiên, đối với việc phòng tham nhũng thì ông Trọng đã hoàn toàn thất bại. Bằng chứng là, những quan chức bị ông Trọng đốn, thì thay thế họ cũng là một người tham nhũng khác. Đảng Cộng sản không hề trong sạch chút nào, dù chỉ là trong những việc nhỏ nhặt.

Ông Nguyễn Thế Thảo phá nát Hà Nội, thay thế là ông Nguyễn Đức Chung, thì ông Nguyễn Đức Chung vào tù vì tham nhũng. Thay ông Nguyễn Đức Chung là ông Chu Ngọc Anh, thì ông này cũng vào tù vì tham nhũng. Tại TP HCM cũng không ngoại lệ, Lê Hoàng Quân gây ra oan khuất ngất trời cho bà con Thủ Thiêm được thay bằng Nguyễn Thành Phong. Và Nguyễn Thành Phong thì cũng dính án kỷ luật vì những tiêu cực ông này gây ra khi còn làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố.

Vấn đề của Đảng Cộng sản là ở cái thể chế này. Thể chế vốn không minh bạch, nên tạo cơ hội cho các quan chức nấp đằng sau bức màn đánh chén tài sản của nhân dân. Có thể nói, trong giới quan chức Cộng sản thì nhà nhà tham nhũng và người người tham nhũng. Không có khái niệm “thanh liêm” trong bộ máy chính quyền Cộng sản. Bởi nếu sống bằng lương thì quan chức cấp huyện thu nhập còn thua cả thợ hồ, vậy thì, lấy tiền đâu để họ xây biệt phủ, mua xe sang và sắm đồng hồ Thụy Sỹ đắt tiền?

Khi làm Hội nghị sơ kết, ông Trọng cho báo chí bật hết công suất, ca ngợi thành quả về phòng chống tham nhũng. Nhiều người thừa nhận, ông Trọng chống tham nhũng mạnh tay nhất so với các Tổng Bí thư trước đây, nhưng dù mạnh thế nào thì công tác phòng cũng không một chút thành công.

Quan trọng là công tác phòng, mà phòng không thành công, thì có chống thế nào bộ máy cũng không sạch được. Như vậy, công tác chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ mang lại tên tuổi cho chính ông, chứ nhân dân chẳng được gì.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

Link tham khảo:

https://nhandan.vn/so-ket-1-nam-hoat-dong-cua-ban-chi-dao-cap-tinh-ve-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-post758325.html

 

Kasse animation 7.8.2023